Không phải đến khi những hình ảnh ông Nguyễn Minh Phúc trong trang phục của tu sĩ Phật giáo tại một quán nhậu ở quận Gò Vấp được lan truyền thì mạng xã hội và giới truyền thông mới xôn xao về người đàn ông này.
Liên tiếp gây sốc
Từ đầu năm 2021, ông Nguyễn Minh Phúc được nhiều người biết đến với biệt danh "thầy chùa ăn thịt chó". Thời điểm đó, ông này được nhiều YouTuber tìm đến và quay lại các video với nội dung ăn thịt chó, bún đậu, vịt quay, hột vịt lộn... Trong các video clip, ông này tự xưng mình là Đại đức Thích Tâm Phúc và là Trụ trì chùa Hoằng Pháp Trung ương (trên địa bàn huyện Củ Chi, TP HCM.
Không những gây bức xúc cho người xem về việc thầy tu ăn thịt chó, ông Nguyễn Minh Phúc còn có những phát ngôn gây sốc, sai lệch, xúc phạm Phật giáo.
Ông Nguyễn Minh Phúc từng gây xôn xao khi xuất hiện trên những clip ăn thịt chó, ăn hột vịt lộn |
Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã xác định ông Phúc sử dụng các loại giấy tờ, quyết định giả mạo để tự xưng là tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nơi ở của ông Phúc tại ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung là nhà dùng để ở, không phải cơ sở thờ tự tôn giáo, không có cơ sở gọi là chùa Hoằng Pháp Trung ương.
Cơ quan chức năng cũng xác định các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cấp cho tập thể và cá nhân ông Nguyễn Minh Phúc như 5 Huân chương Lao động, 2 bằng khen... không có tên trong danh sách khen thưởng lưu trữ tại Ban Thi đua - Khen thưởng, các trường hợp được khen thưởng không hề có tên ông Nguyễn Minh Phúc.
Ông Nguyễn Minh Phúc từng gây xôn xao mạng xã hội với hình ảnh trong trang phục cử nhân, tốt nghiệp Đại học Luật TP HCM |
Tháng 4-2022, ông Nguyễn Minh Phúc lại làm mạng xã hội xôn xao với hình ảnh trong trang phục cử nhân, cầm bằng tốt nghiệp của trường Trường Đại học Luật TP HCM.
Đại diện Trường Đại học Luật TP HCM đã lên tiếng về vụ việc này. Theo đó, ông Phúc có đến chúc mừng một sinh viên của trường này trong ngày tốt nghiệp rồi thuê đồ của những người làm dịch vụ chụp ảnh dạo bên ngoài trường để chụp ảnh.
Đại diện Trường Đại học Luật TP HCM khẳng định ông Phúc chưa từng là người học của trường này. Lễ phục mà ông Phúc thuê cũng không phải là lễ phục của nhà trường.
Theo tìm hiểu, hành vi khiến nhiều người tưởng là sư của ông Phúc đã được thực hiện từ năm 2014.
Đề xuất xử nghiêm, triệt để
Liên quan đến những lùm xùm của ông Nguyễn Minh Phúc, bạn đọc Báo Người Lao Động bày tỏ sự bức xúc và mong muốn trường hợp này cần nhanh chóng được xử lý bởi "ông Phúc giả danh tu sĩ Phật giáo làm nhiều chuyện khó coi, ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội".
"Ông Phúc làm giả giấy tờ, quyết định khen thưởng của lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước, tức là giả mạo con dấu, chữ ký của cơ quan nhà nước. Chuyện này có dấu hiệu vi phạm pháp luật" - bạn đọc Ngộ Không nêu ý kiến.
Tương tự, bạn đọc Phạm Lê Khanh nêu: "Thời gian vừa qua, tôi rất bất bình với người giả mạo tu sĩ này. Kính đề nghị các cấp lãnh đạo nên xử lý triệt để, tránh làm ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam!".
Đồng quan điểm, bạn đọc NamChau đề nghị: "Ông này lùm xùm lâu rồi. Chỉ mong qua vụ này cơ quan chức năng xử lý lần chót cho xong. Chứ cứ vậy sẽ ảnh hưởng nhiều mặt xã hội".
Một số bạn đọc đặt vấn đề có lẽ đây cũng là chiêu thức mà các YouTuber và ông Phúc phối hợp, đánh vào sự tò mò, quan tâm của nhiều người nhằm quay clip kiếm tiền, bất chấp việc đó xúc phạm Tôn giáo và làm mất an ninh trật tự xã hội. Người sử dụng mạng xã hội cần biết chọn lọc thông tin để xem, tránh bị những người này lợi dụng để kiếm tiền.
Tác giả: Thiện An
Nguồn tin: Báo Người lao động