"Sau năm 2011, thị trường tài chính ngân hàng có nhiều biến động. Việc lên sàn chứng khoán luôn tạo ra biến động cổ đông, không còn hệ thống cổ đông đồng nhất. Năm 2015, Sacombank sáp nhập với ngân hàng Phương Nam. Việc sáp nhập này làm tăng quy mô của ngân hàng nhưng một loạt bất lợi đã xảy đến", Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh nhớ lại những thời khắc khó khăn tại buổi kỷ niệm 30 năm thành lập ngân hàng ngày 21/12.
Theo ông Minh, tỷ lệ tài sản không sinh lời trên tổng tài sản khi đó lên đến gần 40%, tỷ lệ nợ xấu cũng gần 40%, một loạt chỉ số ngân hàng sụt giảm. Ông nhấn mạnh điều đáng buồn và đau xót nhất là sự thụt lùi về vị thế sau sáp nhập khi Sacombank từ chỗ một nhà băng trong nhóm dẫn đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam đã rơi xuống dưới đáy.
"Đặc biệt, trong thời gian sau sáp nhập từ năm 2015 đến 2017, ngân hàng suy giảm đến mức nhiều nhân sự xuất sắc, cốt cán rời đi hơn 100 người. Chảy máu chất xám là sự chảy máu lớn nhất", doanh nhân này nhớ lại thời điểm khó khăn bậc nhất khi ông rời Him Lam và LienVietPostBank để tiếp quản ghế chủ tịch HĐQT ngân hàng vào ngày 30/6/2017.
Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh (Ảnh: STB). |
Ông Dương Công Minh chia sẻ mục tiêu quan trọng nhất khi ngồi vào "ghế nóng" là lấy lại vị thế cho ngân hàng này. Ông chia sẻ sau 6 tháng đầu tiên, ngân hàng bắt đầu trở lại quỹ đạo, các tài sản tồn đọng không sinh lời, nợ xấu được xử lý rốt ráo, nhiều nhân sự ra đi trước đó muốn quay lại. Sau gần 5 năm tái cơ cấu, ông Minh tự tin ngân hàng sẽ cố gắng tái cơ cấu xong trong năm 2022 dù đề án của Ngân hàng Nhà nước cho phép thời gian đến năm 2025.
Khẳng định mục tiêu vào Sacombank với mục tiêu tái cơ cấu thành công và qua đó khẳng định mình với thương trường đến nay không thay đổi. Ông Dương Công Minh nhấn mạnh: "Kiến thức có, kinh nghiệm có, cơ hội có mà gan nhỏ thì cũng không làm được. Khi chúng ta thấy cơ hội rồi thì phải máu lửa lên".
Cũng tại buổi lễ kỷ niệm thành lập, ban lãnh đạo Sacombank chia sẻ lợi nhuận trước thuế ước tính của ngân hàng năm nay có thể đạt 4.400 tỷ đồng, vượt kế hoạch ban đầu là 4.000 tỷ đồng. Dựa theo con số dự kiến trên, lợi nhuận ngân hàng tăng khoảng hơn 32% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động.
Biểu đồ: Việt Đức. |
Năm nay cũng là năm cuối trong nhiệm kỳ 2017-2021 của HĐQT Sacombank hiện tại. Theo dự kiến, vào năm 2022, ngân hàng sẽ bầu lại HĐQT mới. Song song với việc hoàn thành đề án tái cơ cấu trước thời hạn, ông Dương Công Minh từng chia sẻ tại đại hội thường niên năm nay rằng Sacombank có thể sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi tái cơ cấu xong trong năm tới.
Hiện tại, vẫn còn hơn 32% cổ phần Sacombank là tài sản đảm bảo các khoản nợ liên quan đến nhóm cổ đông ông Trầm Bê đang được VAMC quản lý. Tuy nhiên, theo đề án, việc xử lý số cổ phần này còn phụ thuộc vào ý kiến của các cơ quan Nhà nước.
Trên sàn chứng khoán, thị giá cổ phiếu STB của Sacombank hiện giao dịch ở vùng giá quanh mốc 28.000 đồng. So với thời điểm cuối năm 2020, cổ phiếu này tăng giá gần 70%, tuy nhiên chủ yếu giằng co trong khoảng 6 tháng gần nhất.
Tác giả: Việt Đức
Nguồn tin: Báo Dân trí