Trong nước

Ông chủ BOT phản ứng gay gắt trước 'tối hậu thư' của Tổng cục Đường bộ

Các nhà đầu tư phản ứng gay gắt văn bản của Tổng cục Đường bộ yêu cầu dừng thu phí tại 4 dự án BOT giao thông do chậm triển khai thu phí tự động không dừng.

Chiều 8/7/2019, các nhà đầu tư phản ứng gay gắt văn bản của Tổng cục Đường bộ yêu cầu dừng thu phí tại 4 dự án BOT giao thông (từ chiều 10/7). Ông Phạm Văn Thưởng, Phó Giám đốc Cty TNHH Đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh (trạm thu phí Cam Thịnh, Khánh Hòa) cầm theo phụ lục hợp đồng về triển khai thu phí tự động đã ký với Bộ GTVT từ năm 2017, để chứng minh doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định.

Theo ông Thịnh, sau khi ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT, nhà đầu tư đã ký hợp đồng triển khai thu phí tự động với Cty VETC từ năm 2017 tới nay. “Việc Tổng cục Đường bộ ra văn bản yêu cầu chúng tôi dừng thu phí do chưa ký phụ lục hợp đồng để triển khai thu phí tự động là nhầm lẫn của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Thưởng nói.

Ông Thưởng cho biết, vướng mắc hiện nay chỉ nằm ở mức phí trích lại cho đơn vị thu phí tự động. Theo quy định trước đây, nhà đầu tư đã ký mức phí trả cho đơn vị thu phí tự động là 2,1% tổng mức phí thu được. Tuy nhiên, cuối năm 2018, do thay đổi phương án tài chính thu phí tự động, mức phí phải trả cho đơn vị thu phí tự động tăng lên 4,1%. Vì thế, nhà đầu tư phải đàm phán lại với đơn vị thu phí tự động.

Tổng Giám đốc Cty Phước Tượng - Phú Gia BOT (đơn vị quản lý vận hành trạm thu phí Bắc Hải Vân) Phạm Quốc Vượng cũng cho biết, nhà đầu tư ủng hộ thu phí tự động. Không đồng ý với cách mà Tổng cục Đường bộ áp đặt nhà đầu tư. Nhà đầu tư này cũng cho biết, đã ký hợp đồng và đưa vào hoạt động thu phí tự động từ lâu, cũng chỉ vướng phần mức phí trả cho đơn vị thu phí tự động.

Dù vậy, văn bản yêu cầu dừng thu phí từ ngày 10/7 của Tổng cục Đường bộ gây hiểu nhầm. Khi thông tin phát đi, một số tài xế đã lấy lý do này tập trung tới trạm thu phí gây mất trật tự, cản trở hoạt động thu phí. Ông Vượng kiến nghị Tổng cục Đường bộ rút văn bản trên, vì nhà đầu tư không có lỗi.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng phản ánh về số lượng ô tô sử dụng thu phí tự động rất ít, như trạm thu phí BOT Bến Thủy (Nghệ An) chỉ có 14% số xe qua trạm sử dụng thu phí tự động. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng bày tỏ lo ngại về công cụ giám sát đơn vị thu phí tự động, khi nhà đầu tư phải bàn giao trạm thu phí cho đơn vị này; xử lý rủi ro khi đơn vị thu phí tự động gặp vấn đề...

Hiệp hội các nhà đầu tư BOT khẳng định ủng hộ Chính phủ về chủ trương triển khai thu phí tự động không dừng (ETC). Tuy nhiên, Hiệp hội chưa đồng tình cách triển khai hiện nay của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Về cách thức triển khai ETC, Hiệp hội cho rằng, tỉ lệ trích doanh thu cho đơn vị thu phí ETC chưa có căn cứ tính cụ thể và đang tính trên tổng doanh thu của BOT mà không tách bạch doanh thu của ETC và làn thu MTC. Đồng thời, việc trích doanh thu làm ảnh hưởng đến phương án tín dụng của các dự án và chưa có sự thống nhất với doanh nghiệp dự án/nhà đầu tư trước khi triển khai.

Đại diện Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai khẳng định doanh nghiệp tuân thủ các quy định của Nhà nước. Trên thực tế từ ngày 15/7/2017 đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng của Bộ Giao thông vận tải) và 100% các làn đều đã lắp hệ thống thu phí tự động không dừng. Đây cũng là dự án đầu tiên trên Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) đã triển khai tất cả 4 làn thu phí không dừng.

"Nhưng hiện tại yêu cầu nhà đầu tư phải ký phụ lục hợp đồng với tỉ lệ phần trăm doanh thu cao là không hợp lý. Các trạm thu phí BOT hiện nay chưa đủ trả lãi. Chúng tôi sẽ đồng hành với Nhà nước nhưng phải làm đúng, giải thích rõ chứ không phải yêu cầu ngày 10/7 tạm dừng thu phí, gây bất lợi với nhà đầu tư", đại diện Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai nói.

Theo Bộ Giao thông vận tải cho hay đến ngày 5/7, các nhà đầu tư BOT quản lý 40 trạm thu phí đã cơ bản thống nhất ký phụ lục hợp đồng với Bộ Giao thông vận tải.

Tuy nhiên, còn 4 nhà đầu tư chưa đàm phán ký kết phụ lục hợp đồng với Bộ Giao thông vận tải là Công ty cổ phần Phước Tượng-Phú Gia BOT (trạm Bắc Hải Vân ở Thừa Thiên-Huế); Công ty TNHH đầu tư 194 BOT Quốc lộ 1 – Cam Ranh (trạm Cam Thịnh ở Khánh Hòa); Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai (trạm Km 1610+800 và trạm Km 1667+470, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên ở tỉnh Gia Lai); Công ty TNHH BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp (trạm Cần Thơ – Phụng Hiệp).

Tác giả: Chi Chi (T/h)

Nguồn tin: Theo Đời sống Plus/GĐVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP