Nhân ái

Nữ sinh thi tốt nghiệp điểm cao nhất Quảng Bình tính nghỉ học... đi làm

Đạt tổng điểm thi tốt nghiệp cao nhất tỉnh Quảng Bình nhưng Nguyễn Hồng Ngọc, trú thôn Long Đại, xã Hiền Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình), băn khoăn trước việc đi học đại học.

Đạt điểm thi tốt nghiệp cao nhất tỉnh Quảng Bình, nhưng Ngọc phải tính tới chuyện đi xuất khẩu lao động - Ảnh: QUỐC NAM

Một tuần sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia, em Nguyễn Hồng Ngọc (trú thôn Long Đại, xã Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) vẫn ngập ngừng về tương lai. Ngọc được tổng 53,7 điểm, là điểm số cao nhất toàn tỉnh nhưng em phải lựa chọn giữa đi học và đi làm.

Đi làm thì mất tương lai. Đi học thì không có tiền. Thậm chí đã có lúc Ngọc tính đi… xuất khẩu lao động.

Bán hết lúa trong nhà được... 5 triệu

Ngọc là học sinh giỏi suốt 12 năm học phổ thông. Kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, Ngọc đạt tổng điểm đến 53,7. Ngay cả Ngọc cũng không dám tin mình đạt tổng điểm cao nhất tỉnh. Nhưng vui mừng chưa được lâu thì Ngọc phải đối mặt với thực tế phũ phàng: Mình sẽ đi học đại học bằng cách nào?

Bà Hồng, mẹ Ngọc, vào Đồng Nai làm công nhân cách đây 20 năm và sinh ra Ngọc tại đây. Đầu những năm 2000, mẹ Ngọc rời Đồng Nai về quê sinh sống. Khi về Ngọc mới 3 tuổi, còn em trai tròn 1 tuổi. Về quê, ba mẹ con bám víu lấy nhau.

Ở nhà Ngọc vẫn thường làm việc nhà để đỡ đần cho mẹ - Ảnh: QUỐC NAM

Về quê, một mình bà Hồng phải chật vật với ruộng vườn để nuôi hai đứa con. Ba mẹ con phải sống nhờ nhà của người em trai của bà Hồng. Bà còn đi làm thuê khắp vùng để lo cho con ăn học.

Nhưng 4 năm đại học là chuyện quá sức với người phụ nữ đã 55 tuổi. Bà đã nhìn vào những bao lúa xếp ở góc nhà. "Mỗi tạ lúa bán được 700.000 đồng. Có bán tất cả lúa đi cũng chỉ được khoảng 5 triệu. Mà đi học thì ít nhất cũng phải tốn đến vài chục triệu", bà Hồng buồn bã.

Từng tính cách đi xuất khẩu lao động

Ngọc như người chơi vơi giữa dòng nước. Số điểm cao nhất tỉnh khiến nhiều người hy vọng vào em nhưng em thì chưa tìm được lối ra.

Hai phương án được hai mẹ con đưa ra sau đó: hoặc là đi xuất khẩu lao động, hoặc vào miền Nam đi làm một năm rồi tính tiếp.

Bà Hồng đã lớn tuổi, khó có thể gánh nổi sự học 4 năm của con - Ảnh: QUỐC NAM

Ngọc nói khi thi xong Ngọc và một người bạn cùng làng đã bàn nhau ra Hà Nội học ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động. Ngọc tính mượn sổ đỏ mảnh đất của cậu mà mấy mẹ con đang ở nhờ để vay tiền. Đi nước ngoài khoảng 2 năm sẽ đủ tiền lấy lại sổ đỏ cho cậu.

Ngày hẹn lên xe ra Bắc, mẹ Ngọc đã ngăn con lại để tìm cách. Người bạn đành đi một mình. "Thấy con học giỏi quá. Tui không nỡ…", bà Hồng thở dài.

Ngăn con lại nhưng bà Hồng vẫn chưa biết làm cách nào để kiếm đủ tiền cho con đi học. Ngọc đăng ký nguyện vọng vào Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Một người cậu của Ngọc đang làm công nhân ở đây. "Trước mắt cậu sẽ tìm sẵn việc làm ở đó. Khi Ngọc vào sẽ đi làm để có cơ hội được đi học", bà Hồng nói.

Thầy Hồ Công Tình, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Ngọc, nói trước khi thi tốt nghiệp Ngọc từng chia sẻ rằng mình sẽ đi làm sau khi học hết cấp III. Thời điểm đó em cũng đã nhắc đến chuyện đi xuất khẩu lao động. "Tôi khuyên Ngọc nên nghĩ kỹ. Đi làm thì chỉ giải quyết được chuyện trước mắt. Còn đi học mới là chuyện tương lai lâu dài", thầy Tình nói.

Tác giả: Quốc Nam

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP