Buổi sáng diễn ra phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án nữ sinh bị tạt axít ở Sài Gòn, trời đổ mưa từ sớm. Những người quan tâm vụ án đã chờ đợi hơn một năm, kể từ khi sự việc đau lòng xảy ra. Sáng hôm ấy, họ lại phải chờ đợi thêm vì phiên xử bắt đầu muộn hơn dự kiến.
Hương, bị hại trong vụ án, có mặt tại tòa trong chiếc sơ mi trắng, đội nón kết, mang kính râm và khẩu trang. Hương ngồi ngay ngắn trên ghế, mặt hướng về phía trước, im lặng. Với bản tính tò mò, tôi tự hỏi, đằng sau chiếc khẩu trang và kính râm kia, Hương đang nghĩ gì?
Hương (ở giữa) ngồi cạnh mẹ và Duyên. Ảnh: Kỳ Hoa. |
Nhưng tôi chẳng thể nào tìm được câu trả lời cho câu hỏi của mình bởi có thể, chỉ mỗi Hương mới trả lời được câu hỏi ấy. Tuy nhiên, điều ai cũng biết, sau chiếc khẩu trang là gương mặt xinh xắn đã biến dạng vì axit. Và sau đôi kính râm là con mắt trái bị hỏng 57%, thị lực của mắt phải chỉ còn 7.
Khi vị đại diện viện kiểm sát đọc cáo trạng, người nghe có thể mất chưa đầy 30 giây hay một phút để cảm nhận nỗi đau đớn mà Hương hứng chịu. Nhưng với nữ sinh ấy, cô đã trải qua hơn một tháng chịu đựng nỗi đau về thể xác, hơn một năm đối diện với những bấn loạn về tâm lý và rất nhiều năm tiếp theo, nỗi đau tinh thần vẫn còn đeo bám cô.
Những câu từ cáo trạng nêu chưa phải là khoảnh khắc đẩy cảm xúc những người dự khán lên cao nhất, mà chính là lúc luật sư bảo vệ quyền lợi cho Hương đưa lên hai tấm ảnh của thân chủ. Một hình ảnh của Hương trước khi bị tạt axít và một gương mặt của Hương hiện tại. Cả khán phòng trở nên ngột ngạt, những gương mặt rơm rớm nước mắt, vừa tiếc vừa đau đớn cho một dung nhan và cả tức giận.
Hương vẫn hướng gương mặt về phía trước, im lặng. Không ai có thể thấy được biểu cảm của Hương lúc ấy. Không ai biết được cơn bão lòng của cô gái mới lớn lúc đó như thế nào, nhưng có một điều có thể cảm nhận được, Hương đau lắm.
Trước khi xảy ra sự việc, Hương là cô gái xinh đẹp. Ảnh: Facebook nhân vật. |
Mẹ Hương kể, sau khi sự việc xảy ra, cô con gái 20 tuổi của bà vẫn tiếp tục học để kết thúc năm 2 hệ cao đẳng. Cho đến khi mắt trái không thể cứu nổi, mắt phải thị lực quá kém, Hương mới chịu cùng gia đình sang Thái Lan chữa trị.
"Bác sĩ tiến hành ghép mắt giả vô nhưng cơ thể bé không nhận. Tôi đã đưa bé đi về giữa Việt Nam - Thái Lan 10 lần rồi. Tháng 8 này hai mẹ con lại sang Thái", mẹ Hương bùi ngùi nói.
Khi nói chuyện với mẹ của Hương, tôi nhận ra nỗi đau của Hương khi "lây" sang mẹ đã nhân lên gấp bội. Bà tỏ ra rắn rỏi để che chở, bao bọc cho con gái mình nhưng trong đáy mắt của người mẹ này, vẫn không giấu được nỗi uất ức, đớn đau. Như những người mẹ khác, bà chưa bao giờ sẵn sàng đón nhận tai ương ập đến với con gái của mình. Bà không hiểu vì sao những đứa trẻ lại hành xử tàn nhẫn với bạn bè như thế.
Suốt phiên xử hôm ấy, bà ngồi cạnh con gái của mình, nắm chặt tay Hương mỗi khi nghẹn ngào không nói được, sau lời của luật sư, viện kiểm sát và cả những người đã hại con gái của bà. Thỉnh thoảng, bà đưa tay lên quẹt vội những giọt nước mắt lăn dài mà bà chưa kịp giữ lại để nuốt vào trong.
Mẹ Hương bật khóc mỗi khi kể chuyện về con gái. Ảnh: Tiên Tiên. |
Phiên tòa kết thúc, những người hại con gái bà đã lĩnh án. Có thể những bị cáo kháng án hoặc chấp nhận hình phạt 6-7 năm trong tù. Sau khi họ ra tù, xem như đã "đền tội" và làm lại cuộc đời. Nhưng với Hương, con gái của bà, nỗi đau vẫn chưa chấm hết sau phiên tòa này và cả khi bị cáo đã "đền tội".
Phía lan can trước phòng xử, Hương đứng đó khép nép, thẫn thờ, gương mặt dù đã che kín nhưng vẫn cúi gằm xuống mỗi khi có ai đó quay sang nhìn. Trong tôi chợt vang lên câu hát của nhạc sĩ Thái Thịnh: "Ai trả cho em một nửa đời lỡ hẹn...".
Tác giả: Hoài Thanh
Nguồn tin: zing.vn