Nhận được thông báo đạt chuẩn công nhận chức danh phó giáo sư năm 2020 từ Hội đồng Giáo sư Nhà nước từ đầu tháng 12, chị Nguyễn Thị Thanh Hà (giảng viên Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ, cô muốn gửi tặng món quà ý nghĩa này cho người mẹ quá cố.
Trong đợt công nhận chuẩn chức danh phó giáo sư, giáo sư năm 2020, chị Nguyễn Thị Thanh Hà là một trong những nữ phó giáo sư trẻ tuổi nhất. "Thành quả hôm nay tôi muốn dành tặng cho người thầy đầu tiên là mẹ, người thầy thứ 2 là các thầy cô giáo hướng dẫn, dạy tôi suốt từ bé đến bây giờ", chị nói.
Tân phó giáo sư Nguyễn Thị Thanh Hà. |
Tân phó giáo sư tuổi Dần
Nữ phó giáo sư từng học ở trường THPT Lạc Long Quân (Hòa Bình), dù học đều tất cả các môn nhưng chị chọn thi ngành Sư phạm Vật lý - khoa Sư phạm (nay là Đại học Giáo dục) - Đại học Quốc gia Hà Nội. Vào giảng đường đại học, cô sinh viên càng yêu thích Vật lý hơn.
Tốt nghiệp đại học, chị đủ điều kiện học chuyển tiếp lên cao học tại Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội chuyên ngành Vật lý lý thuyết và Vật lý toán. Đồng thời chị chuyển công tác về giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nhìn lại chặng đường đã qua, chị Hà nói bản thân may mắn khi được là học trò của những người thầy có chuyên môn, có tâm với nghề và nhất là được làm việc ở bộ môn Vật lý tin học - Viện Vật lý Kỹ thuật.
Đến nay, tân phó giáo sư sở hữu 28 bài báo khoa học, trong đó 16 bài công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học nằm trong danh mục ISI và hơn 10 bài báo khoa học trong nước. Các công trình của chị liên quan đến lĩnh vực mô phỏng vật liệu ở mức nguyên tử.
Các công trình khoa học của chị chủ yếu tập trung nghiên cứu về mô phỏng các vật liệu trong đời sống bằng máy tính. Đối tượng nghiên cứu là tập trung chủ yếu vào các vật liệu oxit (SiO2; Al2O3; GeO2) và oxit nhiều thành phần (Na2O- SiO2; Al2O3-SiO2; CaO-SiO2…). Đây là các loại vật liệu có rất nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực công nghệ cao như gạch chịu lửa, vật liệu sinh học, xử lý chất thải hạt nhân. Các kết quả nghiên cứu sẽ góp phần đưa ra các dự đoán về tính chất mới của vật liệu.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Thanh Hà đang là giảng viên Viện Vật lý Kĩ thuật- Đại học Bách khoa Hà Nội. |
Dạy học bằng cái tâm
Không chỉ nghiêm túc trong nghiên cứu, chị luôn đặt ra yêu cầu nghiêm khắc cho bản thân ở những giờ giảng trên lớp. Buổi thỉnh giảng đầu tiên, chị mất khá nhiều thời gian để chuẩn bị bài.
Sinh viên ở lớp kém có người chỉ kém chị 3 tuổi, có người còn lớn tuổi hơn, nhưng chị vẫn nghiêm khắc. Chị đặt ra quy định “giờ ra chơi, sinh viên và giảng viên có thể thoải mái trao đổi, xưng hô chị - em, nhưng khi trên bục giảng phải rõ ràng, nghiêm túc thầy là thầy - trò là trò”.
Với chị Hà, dạy học chỉ là chia sẻ, truyền đạt kiến thức, cùng sinh viên phản biện làm rõ các vấn đề. Đặc biệt, chị luôn quan niệm, dạy học là cho đi những thứ mình có và nhận lại được những kiến thức mới từ các bạn sinh viên thông qua việc trao đổi, tranh luận. Đó là một cách giúp chị tự hoàn thiện bản thân tốt hơn mỗi ngày.
Khi hướng dẫn sinh viên chị luôn khuyến khích tự tìm thêm tài liệu tiếng Việt và tiếng Anh chuyên ngành để phản biện và đóng góp bài giảng. Điều đó giúp quá trình học tập và trao đổi của cô trò trở nên nhẹ nhàng, sôi nổi và chất lượng.
Hơn 10 năm đi dạy, nữ giảng viên vẫn giữ được thói quen là trước mỗi buổi lên lớp, sẽ đọc lại bài ít nhất 2 lần và cố gắng soát kĩ lưỡng các nội dung học. Chị tạo thói quen rèn luyện bản thân cần phải nghiêm túc trong công việc, dù bất kể việc gì cũng phải có sự nỗ lực và chỉnh chu.
Trước mỗi học phần, thang điểm cũng như số lượng các bài kiểm tra đều được cô công bố rõ ràng. Nữ giảng viên không có ưu ái hay phân biệt với sinh viên, bạn nào vi phạm thì động viên cố gắng về sau, bạn nào chăm chỉ học sẽ đánh giá điểm công bằng với công sức các em thực hiện trong suốt quá trình học.
“Tôi luôn sợ sinh viên của mình chịu thiệt thòi. Tôi cố gắng tạo ra môi trường học công bằng nhất có thể. Tôi nhìn vào cả quá trình, đóng góp để đánh giá, không phiến diện nhìn vào một bài kiểm tra của các em", tân phó giáo sư trẻ bộc bạch.
Phó giáo sư Hà luôn tâm niệm dạy học chỉ đơn thuần là chia sẻ, trao đổi kiến thức với sinh viên. |
Biến cố là động lực để thành công
Ngay từ nhỏ nữ phó giáo sư được gia đình định hướng theo nghiệp sư phạm. Mẹ chị là giáo viên dạy môn Văn nên rất nghiêm khắc và quan tâm tới việc rèn giũa tính cách của cô con gái duy nhất trong nhà.
“Hồi đó bạn bè nhìn tôi có vẻ chăm chỉ học hành, chứ thật ra tôi cũng khá nghịch và quậy. Tuy nhiên cũng chỉ dám trêu chọc bạn bè trong lớp, cười đùa và chơi những trò của con nít, chứ không dám nói tục hay trốn học. Vì đó là những điều mẹ tôi cấm kị không được phép vi phạm”, giảng viên trẻ tâm sự.
Học theo khối A, có nhiều lựa chọn vào các trường kinh tế, kỹ thuật nhưng chị quyết định lựa chọn con đường sư phạm như mẹ mong muốn. Ngày cô biết tin đỗ đại học, cũng là lần đầu chị thấy mẹ mình vui đến như vậy. Với chị, mẹ dù nghiêm khắc nhưng luôn luôn lắng nghe và chia sẻ những điều trong cuộc sống giống như người bạn thân.
Tuy nhiên, một biến số xảy ra vào đúng ngày cô bảo vệ thạc sĩ (đầu tháng 12/2010). Hôm đó, cô chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sĩ trước hội đồng thì hay tin mẹ qua đời. Chị lập tức bỏ lại tất cả, bắt xe về quê với hy vọng có thể nhìn mẹ lần cuối. Nhưng chị không kịp tạm biệt người mẹ của mình- đó cũng là điều cô thấy nuối tiếc nhất cuộc đời mình.
Sau biến cố, chị gần như suy sụp hoàn toàn, không thiết việc bảo vệ luận văn. Khi ấy, bố, anh trai và các thầy trong hội đồng bảo vệ luận văn thạc sĩ động viên chị cố gắng vượt qua nỗi đau mất mát để bảo vệ. Chị hoàn thành xuất sắc lần bảo vệ sau đó một tuần, với điểm tuyệt đối.
Nhận bằng thạc sĩ, từng có cơ hội để ra nước ngoài học tập và nghiên cứu, nhưng chị từ chối. Chị thấy việc nghiên cứu và học lên bậc cao hơn ở Việt Nam phù hợp và cũng rất thuận lợi. Bản thân chị lúc đó đang được hướng dẫn và dìu dắt bởi những người thầy có chuyên môn và rất tâm huyết. Hơn nữa, thời điểm ấy chị thực sự muốn ở bên gia đình - đây cũng là lý do lớn nhất giữ chân nữ phó giáo sư trẻ ấy ở lại Việt Nam.
Tác giả: HÀ CƯỜNG
Nguồn tin: Báo VTC News