Đó là câu chuyện của cô Phạm Thị Phi Yến, giảng viên Khoa Lưu trữ học - Quản trị văn phòng của trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - từng là một bệnh nhân F0 được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3.
Cô Phạm Thị Phi Yến, giảng viên Khoa Lưu trữ học - Quản trị văn phòng của trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM- người chia sẻ câu chuyện khỏi Covid của bản thân (ảnh: NVCC) |
Cô Phi Yến đã kể lại câu chuyện của bản thân mình đến chương trình "Vắc xin tinh thần" để lan tỏa nguồn năng lượng tích cực cho mọi người trong giai đoạn cả nước đang chống dịch Covid-19 căng thẳng.
Dân trí xin chia sẻ lại nội dung "Phải làm gì để vượt qua trở ngại khi bản thân là F0" của cô Phạm Thị Phi Yến.
"Xốc" lại tinh thần bằng cách suy nghĩ tích cực
"Mình đã từng là F0, mình cũng như bạn, như nhiều người khác không nghĩ tới việc mình có thể mắc Covid khi bản thân luôn tuân thủ 5K tuyệt đối, hạn chế đi lại, rất cẩn thận khi nhận hàng hóa từ bên ngoài và vì mình cũng đã tiêm mũi 1 vắc xin.
Thế nhưng, điều gì đến cũng đã đến, mình dương tính sau 2 lần test nhanh tại địa phương. Lúc nhận được kết quả, mình bủn rủn tay chân; luống cuống và thất thần.
Sau khi ổn định lại được tâm lý, việc đầu tiên mình làm là cách ly với người thân trong nhà; một ngày sau đó thì mình được đưa đi khu cách ly tạm để chờ test PCR.
Cảm giác biết mình mắc covid, mặc dù vẫn đang chờ test PCR để khẳng định, nhưng chắc hẳn ai cũng lo lắng, sợ hãi - mình cũng vậy. Mình lo đủ điều, sợ sức khỏe mình không trụ được, sợ lây thêm cho người thân…", cô Phi Yến chia sẻ.
Cô Yến tập yoga trong mọi điều kiện khó khăn ở khu cách ly (ảnh: NVCC) |
Những ngày trong khu cách ly tạm, cô Yến xốc lại tinh thần bằng việc suy nghĩ tích cực hơn, ít lo lắng hơn và đặt niềm tin vào chính mình sẽ vượt qua được. Mỗi ngày, ngoài những việc cần làm để điều trị cho F0 như súc họng, khò mũi bằng nước muối; uống nước chanh mật ong nóng … thì mình cố gắng ăn uống nhiều hơn; vận động nhiều hơn để gia tăng sức đề kháng. Đồng thời, cô tiến hành tập yoga mỗi buổi sáng; xung phong đi nhận cơm, nhận nước để kết hợp đi bộ, leo cầu thang.
Thế nhưng mọi việc không dễ dàng như cô Yến suy nghĩ. "Ba ngày sau mình có kết quả PCR dương tính; lúc này thì mình thực sự sợ hãi. Trong khoảng thời gian chờ test PCR mình vẫn luôn nguyện cầu kết quả âm tính bởi mình thấy sức khỏe rất ổn, mặc dù có ho chút ít, một vài triệu chứng khác nhưng đều mức độ nhẹ đủ để mình cảm nhận và vượt qua mà chưa dùng đến thuốc, mình vẫn nghĩ chắc chỉ là nhầm lẫn thôi…", nữ giảng viên nhớ lại.
Ngay sau đó, cô Yến được di chuyển qua điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3, tại đây, cô vẫn duy trì thói quen dậy sớm tập yoga. Trong khi cách ly hay trong bệnh viện dã chiến thì làm gì có thảm tập, nhưng rồi mọi thứ cũng được sắp xếp dễ dàng hơn. "Trong khu cách ly mình tập yoga ngay trên chỗ mình ngủ - là bàn học sinh - vừa cứng vừa đau và tập yoga ở bệnh viện dã chiến ngay trên ghế bố của mình - vừa hẹp vừa chông chênh vì người mắc Covid không được đi ra ngoài, phòng ở cũng chỉ đủ diện tích cho bệnh nhân thôi", nữ giảng viên kể lại.
"Thảm tập" đặc biệt của cô Yến trong Bệnh viện Dã chiến số 3 (ảnh: NVCC) |
Cô Yến cho biết nếu sáng yoga, chiều vận động tay chân trong phòng; thỉnh thoảng thiền và luân phiên dọn vệ sinh phòng ở cũng là một cách vận động nữa. Đặc biệt, là luôn luôn luyện thở. Theo lời cô Yến kể, khi biết mình nghi nhiễm covid thì bản thân chú ý thở nhiều hơn, tập trung hơn, sâu hơn và bất cứ lúc nào, làm gì cũng cố gắng chú ý vào hơi thở. Có lẽ vì vậy mà ngày bị cảm giác bị tức ngực thì hơi thở của cô vẫn ổn định.
Bình tĩnh ứng phó trong giai đoạn tức ngực, khó thở
Như bao bệnh nhân F0, giai đoạn tức ngực khó thở là điều ám ảnh của nhiều người nhưng cô Yến cũng có cách vượt qua. Cô kể vào giai đoạn mình bị tức ngực - cảm giác như có hòn đá đè lên ngực và chặn lại khiến hơi thở khó; mỗi lần thở lại cảm thấy đau hơn bình thường. Theo cô, nếu ngay giai đoạn này bạn trở nên sợ hãi, lo lắng sẽ càng khiến cơ thể khó tập trung cho việc thở, hơi thở sẽ ngắn và đứt quãng dễ gây tình trạng khó thở, thiếu oxy ngay lập tức. Vì vậy tâm lý ổn định, bình tĩnh trong lúc này thực sự là điều quan trọng.
Giữ tinh thần lạc quan và bình tĩnh là bí quyết vượt qua trở ngại của nữ giảng viên (ảnh: NVCC) |
"Bạn hãy chú ý vào cơ thể, chậm rãi tập trung hít thở, nếu không hít thở thật sâu được như bình thường thì cố gắng hít thở nhẹ nhàng, thở bằng mũi khó khăn thì thở bằng miệng cũng được miễn là hít thở đều để vừa giúp mình trấn an, bình tĩnh vừa có thể đảm bảo duy trì lượng oxy cho cơ thể", cô Yến bày bí quyết của mình.
Bên cạnh việc tập luyện, ăn uống ngủ nghỉ điều độ để tăng cường sức đề kháng, những ngày điều trị, những lời thăm hỏi, động viên của người thân, bạn bè, đồng nghiệp như tiếp thêm động lực, niềm tin, sự lạc quan cho cô. Cô đã cùng trò chuyện với các bệnh nhân khác trong phòng; chia sẻ những câu chuyện thường nhật đặc biệt là không quên động viên lẫn nhau để cùng nhau nhanh chóng khỏi bệnh.
Ngày thứ bảy từ khi vào viện, cô Yến được xét nghiệm PCR và có kết quả âm tính và sau ba ngày thì được ra viện khi kết quả test nhanh âm tính lần nữa. "Hành trình vượt qua F0 của mình thành công có lẽ nhờ vào tinh thần lạc quan của bản thân; từ món quà tinh thần của người thân, bạn bè đồng nghiệp. Mình muốn chia sẻ những điều này tới các bạn, như muốn truyền ngọn lửa của tinh thần lạc quan, tích cực để bạn có thể mạnh mẽ chiến đấu với Covid khi bản thân chẳng may là F0.
Hãy tin vào chính mình bạn nhé!" - nữ giảng viên nhắn nhủ.
Chương trình "Vắc xin tinh thần" của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM chính thức khởi động vào ngày 5/9. Đây là chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân trong tình hình dịch Covid-19. Chương trình dự kiến kết thúc vào cuối năm 2022 hoặc kéo dài tùy vào tình hình diễn tiến của đại dịch. Chương trình có 3 nhóm nội dung hoạt động chính: phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần, tham vấn và trị liệu tâm lý, hỗ trợ tái hòa nhập hậu Covid-19. Các chuyên gia tâm lý của chương trình sẽ tham vấn tâm lý cho rộng rãi cho các cá nhân có nhu cầu thông qua tổng đài 0987 111 801. Trường hợp cá nhân gặp phải bệnh lý nặng sẽ được hỗ trợ tham vấn, trị liệu lâu dài. |
Tác giả: Lê Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí