Xã hội

Nữ bác sĩ trải lòng về nghề đi 'xin' sự sống

Để có những trình phép màu mang “món quà sự sống” tạng hiến của người chết não đến những bệnh nhân đang cận kề cửa tử cần ghép tạng, không thể nào thiếu vai trò điều phối của nhân viên điều phối.

PV xin gửi đến độc giả bài viết mang góc nhìn của tiến sĩ Dư Ngọc Thu, trưởng bộ phận Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người bệnh viện Chợ Rẫy, người đã điều phối những ca ghép tạng xuyên Việt thành công vang dội trong năm 2018.

Chuyên ngành ghép mô tạng tại Việt Nam bắt đầu hình thành từ những năm 1990, bằng ghép thận từ người cho sống có cùng huyết thống trong gia đình, với một quy trình chọn lựa rất nghiêm ngặt được qui định từ Bộ Y tế. Nhưng, không phải người bệnh nào cũng có người thân hiến thận.

Để có thể giải quyết được tình trạng khan hiếm tạng, và cũng là sự phát triển tất yếu trong hiến và ghép cơ quan tương tự như các nước khác trên thế giới, chỉ định ghép thận được mở rộng như: nhận thận từ người cho trên 60 tuổi, ghép cho người có hòa hợp miễn dịch thấp, ghép chỉ cần hòa hợp nhóm máu, ghép chéo.., ghép từ người hiến chết não hay tim ngừng đập, hay ghép từ người hiến sống không cùng huyết thống.

Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu trao kỉ niệm chương vì sự nghiệp sức khỏe Nhân dân do Bộ Y tế ủy nhiệm cho gia đình có người hiến tạng sau khi chết não để cứu sống bệnh nhân. Ảnh: Phan Nhơn

Tại Việt Nam, ghép thận từ người cho sống đã 25 năm phát triển, và hiện trung bình một năm có trên 500 trường hợp ghép. Ngoài ghép thận, đã có thể ghép được cả phổi, gan từ người cho sống; Ghép tim, phổi, gan, tụy từ người cho chết não.

Kỹ thuật ghép cơ quan hiện không còn là vấn đề khó khăn, các trung tâm ghép có thể hỗ trợ lẫn nhau trong những trường hợp khẩn cấp. Điều quan trọng nhất của hoạt động hiến và ghép cơ quan là phải có hệ thống quản lý xuyên suốt trên cả nước để có thể theo dõi, điều trị và lựa chọn người cho - nhận một cách công bằng và minh bạch, đó là hệ thống Điều phối.

Vậy điều phối là gì? Đây có lẽ là một tên gọi hay là một ngành nghề chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2013. Tuy nhiên, trên Thế giới, hệ thống này đã hình thành từ những năm 60-70 tại các nước tiến bộ như Mỹ, Úc, Châu Âu,… vì họ đã sớm nhận ra những khó khăn trong việc tuyển chọn người cho và nhận tạng: Chọn ai? Bỏ ai? Ai sẽ là người được ưu tiên? Làm sao để được công bằng? Làm sao để minh bạch? Làm sao để có thể phát hiện được những trường hợp hiến tạng không phải vì tính nhân đạo?...

Ngoài việc đi xin sự sống bác sĩ Thu hàng năm vào dịp Tết thường thăm hỏi động viên các gia dình có người thân hiến tạng và báo cáo tình hình những bệnh nhân được nhận tạng đang có cuộc sống ra sao sau khi nhận tạng. Ảnh: Phan Nhơn

Để đáp ứng với những yêu cầu khắc khe của việc tuyển chọn người cho và nhận tạng: ngoài việc người bệnh sớm được điều trị mà còn phải giữ được mảnh ghép tồn tại lâu dài và tiết kiệm được tối đa ngân sách của Nhà nước trong việc chi trả cho điều trị các bệnh mạn tính. Vì thế, hệ thống Điều phối đã ra đời. Hệ thống này hoạt động dựa vào những qui định của luật pháp. Có sự phân chia trách nhiệm từng bộ phận riêng biệt, với tính bảo mật cao và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị theo mô hình đội, nhóm.

Vô hình chung, kiểu hoạt động này có sự kiểm soát lẫn nhau, việc quyết định chọn ghép cho một trường hợp không thể là quyết định của một người hay một nhóm người, nên hệ thống này có thể hạn chế được những hoạt động ghép không minh bạch.

Qua những trường hợp người hiến tạng chết não, có sự điều phối tạng từ Nam ra Bắc, hay ngược lại, cho thấy hoạt động này không chỉ dành riêng cho ngành Y tế, mà còn có nhiều Ban Ngành khác hỗ trợ, đặc biệt nổi bậc là hệ thống Luật pháp, Tài chính, Giao thông vận tải, Xã hội học,…đã cùng nhau phối hợp chặt chẽ tạo nên một hệ thống hiến và ghép tạng minh bạch, công bằng, với mục đích chung là mang lại lợi ích cao nhất cho người bệnh và cộng đồng.

Hệ thống có bảo đảm được tính công bằng và minh bạch sẽ tạo được niềm tin trong cộng đồng, từ đó mới có thể làm gia tăng được sự tình nguyện hiến tạng nhân đạo từ xã hội, rút ngắn được thời gian chờ đợi của người bệnh và họ không phải khẩn trương đi tìm nguồn tạng hiến phi pháp.

Thiếu hụt nguồn tạng hiến, nạn buôn bán và ghép tạng trái phép không chỉ riêng ở Việt Nam, mà còn là thực trạng chung trên toàn thế giới. Sự nghèo khó, thiếu suy nghĩ… đã dẫn đến những quyết định không đúng, quyết định này có thể dẫn đến những kết cuộc thương tâm, làm tăng gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội…

Bác sĩ Thu cho hay nghề điều phối tạng là một nghề mới ở Việt Nam, để được học bài bản bác sĩ phải bỏ tiền túi sang Tây Ban Nha học về nghiệp vụ điều phối theo chuẩn của WHO. Ảnh: Phan Nhơn

Chống buôn bán và ghép tạng trái phép là nhiệm vụ của tất cả mọi người dân trên toàn cầu, trong đó trách nhiệm của nhân viên y tế cũng không kém phần quan trọng. Vì không có nhân viên y tế tham gia thì việc đó sẽ không thể hoàn tất được. Bác sĩ không phải là công an, không phải là luật gia, nhưng buộc phải phát hiện ra được những trường hợp hiến thận có liên quan đến kinh tế.

Đây không phải là một việc dễ dàng với đội ngũ nhân viên y tế khi họ phải làm một việc không đúng với chuyên môn của mình, đặc biệt, với kỹ thuật làm giả giấy tờ tinh vi như ngày nay.

Thế nhưng, tình thế lại buộc nhân viên y tế phải chịu trách nhiệm hình sự nếu chẳng may bị phát hiện đã tham gia vào cuộc ghép có liên quan đến kinh tế (phạt tiền và rút giấy phép hành nghề tạm thời hay vĩnh viễn theo Nghị định của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong khám, chữa bệnh 2011 đối với Tổ chức hay cá nhân vi phạm các qui định về hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác).

Làm sao để có thể tháo gỡ tình huống đầy khó khăn do những bức xúc của xã hội gây ra? Chỉ có một biện pháp duy nhất là phải xây dựng thành công hệ thống Điều phối. Và để có thể xây dựng được một hệ thống ghép chuẩn mực không phải là chuyện dễ dàng mà cần sự phối hợp đồng bộ của toàn hệ thống xuyên suốt trên cả nước, gồm nhiều Bộ, Ngành khác nhau.

Việt Nam đã và đang học tập để xây dựng hệ thống Điều phối như Thế giới. Hiện nay, chúng ta đã có:

- Luật pháp: có Luật khám chữa bệnh, Luật hiến và ghép tạng, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong vi phạm các qui định về hiến, ghép ...

- Chủ tịch nước, Bộ Y tế, Bộ giao thông vận tải, Bộ Thương binh xã hội, Bảo hiểm y tế… đã ủng hộ tối đa cho hoạt động điều phối trong hiến và ghép tạng vừa qua như:

+ Theo dõi, động viên, hỗ trợ giúp cho gia đình Bé S. ở Hà Tỉnh.

+ Hỗ trợ tổ chức vận chuyển tạng từ miền Nam ra miền Trung, miền Bắc và ngược lại bằng đường hàng không.

+ Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho người sống sau hiến tạng.

+ Hỗ trợ tối đa trong việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ chuyên nghiệp cho các nhân viên chuyên trách từ các chuyên gia trong và ngoài nước…

Hoạt động Điều phối tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu hơn bốn năm nay, nhưng đã nhận được sự ủng hộ rất cao từ cộng đồng (trên 15.000 đơn tình nguyện đăng ký hiến tạng khi chẳng may qua đời), cùng với sự quan tâm ủng hộ của Lãnh đạo các cấp, và nhân viên ngành Y tế thì hệ thống Điều phối này chắc chắn sẽ được hình thành trong thời gian sớm nhất.

Tác giả: Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu (Phan Nhơn ghi)

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP