Giải trí

NSND Thu Hiền: Anh quản lý thấy thế cầm cái gậy từ đằng sau vụt vào tôi, rồi bảo hát!

"Nghệ sĩ luôn là người vất vả, nên miền Nam cũng như miền Bắc" – NSND Thu Hiền nói.

Vừa qua, tại chương trình Duyên phận, NSND Thu Hiền đã chia sẻ về sự nghiệp và những mong muốn của mình, đồng thời nhắn gửi tới lớp nghệ sĩ trẻ ngày nay.

Tôi bị cầm gậy vụt từ đằng sau một cái rồi bảo: "Hát"

Tính đến năm nay, tôi đi hát đã được 59 năm rồi. Tôi sinh ra ở Thái Bình, thoát li năm 1962, học Sân khấu tới năm 1966 thì tốt nghiệp cả về chuyên môn lẫn triết học rồi tham gia vào chiến trường luôn.

Đầu tiên, tôi đi hát ở quân khu 4, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, đang trong hoàn cảnh rất khốc liệt.

Tới năm 1967, tôi vượt tuyến sang bên kia thành Quảng Trị. Tôi hát ở khắp Quảng Trị, tới năm 1968 thì rút về miền Bắc để củng cố để tiếp tục đi theo con đường giải phóng miền Nam. Tôi may mắn được đi theo đoàn quân giải phóng đó.

Sau đó, tôi tập huấn ở Hà Tĩnh rồi lại vào Quảng Trị hát tới cuối năm 1972 giải phóng toàn Quảng Trị. Tôi được hát sang cả bên kia Quảng Trị trong lúc đất nước đang chia cắt.

Tôi nhớ lúc đó, loa bên kia to lắm còn loa bên tôi lại nhỏ. Tôi phải dùng loại loa bóp, tức là hát một câu phải bóp vào loa một cái thì nó mới có âm thanh. Tôi mải hát quá, quên bóp loa, thế là chẳng ra được câu nào.

Anh quản lý thấy thế cầm cái gậy từ đằng sau vụt vào tôi một cái rồi bảo: "Hát". Thế là tôi lại bóp rồi hát tiếp.

Ca khúc ấn tượng nhất tôi hát lúc bấy giờ là Câu hò bên bờ Hiền Lương. Nhưng lúc đó tôi lại không được hát rộng rãi ca khúc này vì cả nước đang hừng hực không khí chiến đấu, giải phóng. Vì thế, tôi chỉ hát thầm cho mọi người trong Quảng Trị nghe thôi.

Đó là những kỷ niệm mà tôi nhớ mãi khi diễn ở Quảng Trị.

Nghệ sĩ luôn là người vất vả, nên miền Nam cũng như miền Bắc

Sau khi đất nước thống nhất, tôi được phân công về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, lúc đầu là Đoàn dân tộc. Tôi công tác tại đó tới khi về hưu.

Tôi cũng may mắn được ngồi trong các hội diễn nên biết Long Nhật, Mỹ Hạnh, Ánh Tuyết. Bởi vậy nên tôi biết, Long Nhật là người đầu tiên trong nước hát Bolero, chứ hồi ấy đâu có mấy ai hát đâu. Bài Bolero đầu tiên Long Nhật hát là Mấy nhịp cầu tre.

Tôi có nhiều kỷ niệm với các bạn nghệ sĩ ấy lắm vì tôi cũng là nghệ sĩ biểu diễn, đi diễn cùng nhau.

Bây giờ cũng 59 năm trôi qua rồi, chúng tôi lui lại phía sau, sân khấu nào có thể xuất hiện thì xuất hiện, còn không thì ở sau hậu trường lắng nghe các em nghệ sĩ, sát cánh cùng các em.

Tôi mong muốn các bạn sau này học tập thế hệ chúng tôi cái đam mê nghệ thuật, để ngọn lửa nghệ thuật lúc nào cũng bùng cháy, lúc nào cũng phải có tổ chức, chính quy, kỷ luật.

Ngược lại, các thế hệ đi trước như chúng tôi cũng học được từ nghệ sĩ trẻ ngày nay. Các em có giọng hát rất hay, được đào tạo chính quy, hát rất máu lửa. Tôi cũng rất muốn được các bạn truyền lại sức mạnh tuổi trẻ.

Tôi đã trải qua một chặng đường nghệ thuật dài hơi cùng nhiều người trong thế hệ tôi, chiến tranh có, hòa bình có. Tất cả đều là kỷ niệm đáng để trân trọng.

Tôi mong muốn thế hệ nghệ sĩ trẻ hát ngày một hay hơn để chúng tôi được nhìn thấy tre già măng mọc. Đó là điều vui nhất của tôi bây giờ.

Bây giờ đất nước mình thống nhất rồi, người nghệ sĩ thì luôn vất vả, trăn trở mới ra được câu hát. Thôi thì nghệ sĩ miền Nam cũng như miền Bắc, cũng một trái tim, đập thổn thức cho quê hương, nên cùng hát chung một bài ca. Đó là niềm hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ.

Tác giả: Tùng Ninh

Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP