Đến nay, các cơ quan tố tụng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và công an các địa phương đã khởi tố 7 vụ án hình sự và bắt giữ gần 40 bị can liên quan đến Công ty CP Công nghệ Việt Á.
Riêng ngày 11-5, cơ quan công an bắt 2 vị giám đốc, nguyên giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của 2 tỉnh. Đó là PGS-TS Nguyễn Văn Lành, nguyên Giám đốc CDC Hậu Giang và Nguyễn Trần Tuấn, Giám đốc CDC Hà Giang.
Trước đó ít ngày, PGS-TS-Đại tá Diêm Đăng Thanh, Giám đốc Bệnh viện Quân y 110 (thuộc Cục Hậu cần, Quân khu 1), bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Trong một vụ án xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, PGS-TS-Thầy thuốc nhân dân Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai - bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Hàng loạt lãnh đạo ngành y phải trả giá đắt khi để đồng tiền che khuất những điều tốt đẹp |
Lật lại hồ sơ các vụ án liên quan, giật mình khi thấy nhiều lãnh đạo ngành y vướng vòng lao lý.
Ngày 8-11-2021, nhiều người bất ngờ khi nghe tin TS Nguyễn Minh Quân (48 tuổi), Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, bị bắt giam với cáo buộc thông đồng với doanh nghiệp để mua thiết bị, vật tư y tế, gây thiệt hại cho nhà nước. Ông Nguyễn Minh Quân được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức (nay là Bệnh viện TP Thủ Đức) từ năm 2007, lúc mới 34 tuổi. Ông này được đánh giá là người có đóng góp lớn trong việc nâng tầm, đưa Bệnh viện TP Thủ Đức trở thành một "hiện tượng của ngành y tế". Chỉ sau 2 năm ông Nguyễn Minh Quân làm giám đốc, Bệnh viện quận Thủ Đức đã được nâng cấp từ hạng 3 lên hạng 2. Đến năm 2015, bệnh viện trở thành đơn vị tuyến quận/huyện duy nhất cả nước được xếp hạng 1, vào nhóm 10 bệnh viện hàng đầu của TP HCM về chất lượng điều trị. Đây cũng là bệnh viện tuyến quận đầu tiên cả nước thực hiện mổ tim hở.
Còn 2 vụ án khác liên quan đến ngành y cũng gây không ít bức xúc trong dư luận. Đó là vụ án nâng giá thiết bị y tế "xã hội hóa" để ăn trên "đầu" bệnh nhân, rút ruột bảo hiểm y tế xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai. Bị cáo trong vụ án này là PGS-TS-Anh hùng lao động - Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Quốc Anh đã phải lãnh án 5 năm tù giam. Đau lòng không kém là vụ án "thổi giá" thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội khiến GS-TS Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố, bắt giam khi đang là đương kim Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Đặc biệt nghiêm trọng là vụ án buôn bán thuốc chữa ung thư giả xảy ra tại Công ty VN Pharma đã đưa nhiều trí thức ngành y vào tù như Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cùng nhiều người bị kỷ luật, đề nghị kỷ luật. Trong đó, có nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, phó giáo sư…
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV diễn ra hồi cuối năm 2021, đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, nhìn nhận thực tế trên là "rất đáng lo ngại", đồng thời bày tỏ đau xót khi pháp luật phải xử lý những người được gọi là "tinh hoa của đất nước". Ông đặt vấn đề: "Phải chăng cơ chế quản lý chưa phù hợp là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của cán bộ quản lý bệnh viện công thời gian qua?... Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém trong phương pháp quản lý, điều hành hệ thống y tế hiện nay để đề ra các giải pháp".
Thực tế, hệ thống quản lý các bệnh viện công ở nước ta hiện còn tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt trong công tác tổ chức bệnh viện công và các quy định liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Nhưng, ngoài việc cơ quan quản lý nhận diện hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành hệ thống y tế và có giải pháp cải thiện, bản thân các trí thức ngành y cũng cần phải có sự điều chỉnh một cách tự giác về đạo đức, y đức.
Những vụ án liên quan ngành y vừa qua là những bài học đạo đức, y đức đau lòng. Tất cả họ phải trả giá vì để đồng tiền che khuất mọi điều tốt đẹp của y đức, đạo đức nghề nghiệp.
Tác giả: Lưu Nhi Dũ; Đồ họa: Nguyên Lâm
Nguồn tin: Báo Người Lao Động