Thu hoạch mía ở Anh Sơn. Ảnh: Thái Hiền |
Gia đình bà Đặng Thị Nguyệt thôn 1 xã Đỉnh Sơn là một trong những hộ đầu tiên chuyển đổi 5 sào đất bãi sang trồng cây mía nguyên liệu. Vụ mía năm 2016- 2017 gia đình bà thu hoạch được 30 tấn mía, sau khi trừ chi phí gia đình bà có trên 25 triệu đồng. Bà Nguyệt chia sẻ: Từ khi chuyển đổi sang trồng mía gia đình đã có thu nhập ổn định hơn, nhưng khi nghe thông tin giá đường những năm sắp tới sẽ giảm, gia đình cũng rất lo lắng, bởi chuyển đổi được trồng mía không phải là dễ trong khi đó chi phí đầu tư thì cao.
Hiện tại, với mức giá thu mua mía được Công ty CP Mía đường Sông Lam ký đầu năm là 850.000 đồng/ tấn thì lợi nhuận đối với người trồng mía đã giảm. Nếu sắp tới còn giảm nữa thì người trồng mía chúng tôi khó tránh khỏi thua lỗ nặng.
Hiện nay, xã Đỉnh Sơn có trên 300 hộ tham gia trồng mía với tổng diện tích gần 70 ha, trong đó diện tích có 50 ha mía trên đất bãi. Năng suất mía đạt bình quân 70- 80 tấn/ha, nhiều vùng mía được bà con đầu tư tại các thôn 1, 4, 6 năng suất đạt gần 100 tấn/ha.
Vụ ép năm 2016- 2017 xã Đỉnh Sơn đã cung ứng cho Công ty CP Mía đường Sông Lam chế biến trên 3.000 tấn mía. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn cho biết: Hàng năm xã Đỉnh Sơn đã đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tập trung phát triển và mở rộng diện tích trồng mía, trong cơ cấu kinh tế của địa phương, vụ ép 2018- 2019 sắp tới xã sẽ mở rộng diện tích mía lên 100 ha, chiếm 1/4 tỷ trọng về thu nhập. Tuy nhiên với những biến động về giá cả thị trường, (giảm từ 20.000 đồng/ kg xuống còn 12.000 đồng/kg) nên hiện nay nhiều bà con chưa dám đầu tư và mở rộng diện tích cho cây mía.
Để cây mía ổn định đó tập trung nâng cao chất lượng cũng như sản lượng của diện tích canh tác.
Với gần 2.000 ha mía nguyên liệu, huyện Anh Sơn được xem là một trong những vùng trồng mía trọng điểm của tỉnh, tập trung nhiều ở các xã: Thành Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn, Hùng Sơn, Đỉnh Sơn phục vụ nguyên liệu đầu vào ổn định cho hai công ty là Công ty cổ phần mía đường Sông Lam và Công ty cổ phần mía đường Sông Con.
Trồng mía mới ở Anh Sơn. Ảnh: Thái Hiền |
Những năm gần đây, huyện Anh Sơn đã tập trung chỉ đạo thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, giao kế hoạch phát triển diện tích mía hàng năm cho các địa phương. Theo Công ty cổ phần mía đường Sông Lam, Công ty đã triển khai những chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân trồng cây nguyên liệu mía thông qua việc ký kết hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm với người nông dân, hỗ trợ tích cực cho người trồng mía, như vốn vay ưu đãi, bao tiêu ổn định và đưa ra mức giá ổn định đồng thời đầu tư KHKT, đưa các loại giống mới vào trồng mới.
Ông Phan Văn Hòa- Giám đốc Nông nghiệp, Công ty CP Mía đường Sông Lam cho biết: Hiện nay, Bộ Nông nghiệp &PTNT đã yêu cầu tất cả các nhà máy đường trên toàn quốc phải mua mía theo chữ đường. Vì vậy, nếu nâng cao chất lượng mía thì người trồng mía mới có lợi nhuận.
Để triển khai trồng nguyên liệu, Công ty CP mía đường Sông Lam ban hành chính sách mới ngay từ đầu vụ bao gồm: 5 triệu đồng/ha cày đất, 11 triệu đồng/ha mua giống mía mới, 2 tấn/ha phân bón lót, 500 kg/ha phân bón thúc.
Trong vụ xuân 2018, Công Ty đầu tư xây dựng vùng mía chất lượng cao ứng dụng công nghệ trồng mía ở vùng Thung Bừng xã Cẩm Sơn, Hùng Sơn và quy hoạch mở rộng vùng trồng mía theo mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Hoa Sơn, Đỉnh Sơn. Mục tiêu của Công ty là đến năm 2020 phấn đấu đạt 3.000 ha mía đứng, trong đó hơn 70% diện tích được ứng dụng công nghệ cao.
Tác giả: Thái Hiền
Nguồn tin: Báo Nghệ An