Giáo dục

Nở rộ "dịch vụ" học hộ, thi hộ (*): Tăng cường giám sát, truy trách nhiệm

Để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hiện tượng học hộ, thi hộ, các trường ĐH ở TP HCM tăng cường các biện pháp, quy định quản lý sinh viên chặt chẽ. Từ đó phát hiện các trường hợp gian lận buộc phải đình chỉ học

Đa số các trường ĐH đều học theo hình thức tín chỉ. Theo đó, sinh viên phải hoàn thành đủ số lượng tín chỉ mới có thể ra trường. Nếu vắng quá số buổi quy định, không đạt yêu cầu về buổi thực hành và lý thuyết sẽ bị rớt môn. Lợi dụng kẽ hở trong quy định này mà "dịch vụ" học hộ, thi hộ được nhiều sinh viên lựa chọn để "chữa cháy".

Lắp "mắt thần" để giám sát

Vào phòng làm việc của thanh tra - giám sát của Trường ĐH Công Thương TP HCM, phóng viên bị choáng ngợp với hệ thống camera giám sát dày đặc. Hai nhân viên túc trực suốt buổi học để kiểm tra số lượng sinh viên, giảng viên đến lớp. Ngoài ra còn "quét" những đối tượng lạ mặt trà trộn và học hộ.

Giám sát phòng thi tại một trường đại học ở TPHCM để phát hiện các trường hợp gian lận thi cử

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Công Thương TP HCM, cho biết chỉ riêng cơ sở chính ở quận Tân Phú đã có gần 300 camera an ninh. Trường có 98 phòng học, mỗi phòng lắp từ 2 - 3 "mắt thần" quan sát sinh viên.

ThS Sơn cho biết sinh viên trước khi vào lớp phải điểm danh bằng thẻ sinh viên. Nếu không điểm danh, dù đến lớp vẫn xem như vắng mặt. Sau khi điểm danh, nhân viên phòng giám sát sẽ thống kê lại sĩ số bằng hệ thống "mắt thần".

"Học hộ, thi hộ là tình trạng chung của các trường CĐ, ĐH trên địa bàn. Trường ĐH Công Thương TP HCM cũng từng phát hiện sinh viên vi phạm. "Dịch vụ" này ngày càng tinh vi, mánh khóe nên nhà trường cũng phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn" - ThS Sơn cho biết thêm.

Thầy Trương Quang Trị, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết với những tiết học lý thuyết, luôn có sự giám sát của thanh tra. Thanh tra không chỉ quan sát qua camera mà còn kiểm tra bất chợt tại các phòng học.

"Đối với những bài tiểu luận, bài báo cáo, sinh viên sẽ làm cá nhân hoặc làm theo nhóm. Sau mỗi ngày đều phải báo cáo tiến độ cho giảng viên và nhóm trưởng. Việc làm bài theo nhóm giúp hạn chế tối đa tình trạng gian lận vì các sinh viên sẽ là những thanh tra giám sát lẫn nhau" - ông Trị nhận xét.

Mục đích cuối cùng của việc học là tốt nghiệp ra trường, sinh viên vững kiến thức, tay nghề để tìm được việc làm ổn định. Thế nhưng, một số sinh viên lại luồn lách việc học bằng cách dùng tiền để mua tri thức.

Ông Trị cho rằng nguyên nhân chính phụ thuộc vào ý thức của sinh viên. Những sinh viên lơ là việc học chắc chắn sẽ không đạt được thành tích cao, thậm chí không thể qua môn. Kiến thức là trang bị riêng của mỗi cá nhân, sinh viên có thể trót lọt thuê người học hộ, thi hộ một lần hay vài lần nhưng chắc chắn không thể thuê được cả đời.

"Học hộ, thi hộ cũng chỉ là một "dịch vụ" được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, đó cũng như một món hàng trôi nổi được bán phá giá mà không có bất kỳ cơ quan chức năng nào công nhận hay kiểm tra chất lượng. Với số tiền học phí đã đóng, thay vì tự trang bị kiến thức cho mình, sinh viên lại dùng thêm tiền để thuê người khác "hô biến" điểm số cho mình. Liệu có phải môi trường giáo dục đang dễ dàng quá với sinh viên?" - ông Trị nói.

Đuổi học, xử phạt hành chính

TS Lê Thế Tài, Trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Luật TP HCM, cho biết nhà trường từng phát hiện 2 trường hợp sinh viên sử dụng "dịch vụ" này. Trường hợp đầu tiên xảy ra vào năm 2016, một trường ĐH trên địa bàn phát hiện sinh viên Trường ĐH Luật trà trộn vào phòng thi để thi hộ. Ngay lập tức, thông tin sinh viên được chuyển về trường để xử lý.

Trường hợp còn lại xảy ra vào năm 2023, sinh viên của trường thuê người ngoài vào thi hộ. Khi bị cán bộ coi thi phát hiện, sinh viên đã thú nhận lỗi sai. Ban đầu, sinh viên đổ lỗi cho việc bị bệnh, không thể tham gia buổi thi. Tuy nhiên, qua vài câu hỏi chất vấn thì giảng viên biết được đó là hành động có tính toán trước, không đơn thuần chỉ là sự cố.

"Mặc dù mới vi phạm lần đầu nhưng nhà trường đã có biện pháp xử lý nghiêm là đình chỉ học 1 năm. Trường luật sẽ không đào tạo những sinh viên không tôn trọng quy định và pháp luật. Đây cũng là cách để nhà trường cảnh tỉnh và nhắc nhở những sinh viên khác không nên gian lận" - TS Tài nhận định.

Đại diện một trường ĐH tại TP HCM cho biết trường chuẩn bị kỷ luật 12 sinh viên liên quan đến học hộ, thi hộ. Trong đó đa số sinh viên nhận mức kỷ luật cao nhất là buộc thôi học. Đại diện trường này cho biết trường sẽ có thông báo cảnh báo về tình trạng học hộ, thi hộ diễn ra trong sinh viên với các nội dung quy định rõ các mức xử lý kỷ luật nếu sinh viên vi phạm, tùy mức độ từ nhận điểm 0 đến buộc thôi học và gửi thông báo về địa phương và gia đình, nếu tái phạm chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật.

Trao đổi với phóng viên về thực trạng này, luật sư Phan Văn Tú, Văn phòng Luật sư Nhật Bình (Đoàn Luật sư TP HCM), cho biết học hộ, thi hộ là hành vi trái pháp luật giáo dục. Người bị phát hiện vi phạm học hộ sẽ bị xử lý dựa theo quy định tại phụ lục về một số nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật ban hành kèm theo Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT, tùy theo mức độ mà có các mức xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Đối với hành vi thi hộ cũng bị xử lý tương tự như học hộ. Ngoài ra, sinh viên thi hộ còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e khoản 3 điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính từ 14 - 16 triệu đồng.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo luật sư Phan Văn Tú, trong trường hợp làm giả thẻ sinh viên, chứng minh nhân dân, căn cước công dân để đi thi hộ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là các loại giấy tờ xác nhận về nhân thân do cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân trong một độ tuổi nhất định về những đặc điểm cá nhân được sử dụng trong quá trình đi lại, thực hiện các thủ tục hành chính và các giao dịch theo quy định của pháp luật.

Tùy thuộc vào tính chất mức độ nguy hiểm, sinh viên có thể sẽ bị xử lý theo quy định tại điều 341 của Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, giấy tờ, tài liệu giả đó thực hiện hành vi trái pháp luật bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội từ 2 lần trở lên, làm giả từ 2 - 5 con dấu hoặc tài liệu và giấy tờ khác; thu lợi bất chính từ 10 - 50 triệu đồng sẽ bị khởi tố theo khoản 2 điều 341 của bộ luật này, khung hình phạt tù từ 2 - 5 năm.

Tác giả: Huế Xuân

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP