Bên cạnh thành công, công cuộc đổi mới này hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi sự cố gắng của các cấp, ngành, địa phương và toàn thể xã hội.
Đổi thay nơi vùng khó
Phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới – đó yêu cầu đặt ra và cũng là điểm sáng thành công của ngành Giáo dục Nghệ An những năm gần đây, và mỗi địa phương có cách làm riêng để thực hiện hiệu quả yêu cầu này. Tại huyện Kỳ Sơn, “kỳ sát hạch” chính là một chủ trương hay của Phòng Giáo dục và Đào tạo, được các nhà trường tổ chức vào đầu năm học, nhằm đánh giá, sắp xếp và bố trí lại đội ngũ.
Thầy giáo Doãn Chí Trung – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Lý 2 cho biết: Qua mỗi kỳ sát hạch, nhà trường sẽ có kế hoạch nâng cao chất lượng giáo viên bằng sinh hoạt chuyên môn, cắt cử các tổ chuyên môn kèm cặp bồi dưỡng hay cử giáo viên đi đào tạo thêm về nghiệp vụ. Từ sát hạch, bản thân giáo viên tự ý thức đổi mới, nâng cao phương pháp dạy học của mình.
Giáo viên vùng khó khăn thắp đèn dạy học cho học sinh. Ảnh: Đào Thọ |
“Kỳ sát hạch” xuất phát từ thực tế đáng buồn của huyện Kỳ Sơn: Chất lượng giáo dục đại trà thấp; số học sinh đậu đại học, cao đẳng ít; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng nhưng cơ cấu không hợp lý, chất lượng thấp, nhiều giáo viên được đào tạo cử tuyển. Như thời điểm năm học 2013-2014 toàn huyện vẫn còn 284/837 giáo viên chưa đạt chuẩn, chiếm 33,9%, có 125/468 giáo viên THCS, chiếm 26,7% được đào tạo theo chế độ cử tuyển.
Thầy Nguyễn Hồng Hoa -Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho hay: Nhờ các kỳ sát hạch, chất lượng giáo viên được nâng lên. Đến nay toàn huyện có 59,6% giáo viên tiểu học có trình độ đại học, chỉ còn 4,7% giáo viên tiểu học có trình độ trung cấp; 87,8% giáo viên THCS có trình độ đại học, chỉ còn 10,9% trình độ cao đẳng... Nhiều giáo viên yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, bố trí sang làm việc khác như phục vụ, thư viện, thiết bị trường học. Từ năm học 2013 - 2014 đến nay, huyện đã chuyển 31 giáo viên sang làm phục vụ, 8 người nghỉ chế độ do không đáp ứng được yêu cầu. Năm học 2018 - 2019 có 22 giáo viên tự nguyện xin chuyển việc do tự nhận thấy không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Học sinh Trường PT DTBT THCS Hội Nga trong giờ thực hành môn Vật lý. Ảnh: Mỹ Hà |
Bên cạnh phát triển đội ngũ giáo viên, việc thay đổi hệ thống mô hình trường học cũng là điểm sáng và tạo nên sự đổi mới, đặc biệt tại những vùng khó... Hiện, Nghệ An đã có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở (PT DTNT THCS) được đầu tư quy mô, khang trang.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã tiến hành sáp nhập và thành lập 33 trường phổ thông dân tộc bán trú và 84 trường tiểu học, THCS, PTCS có học sinh dân tộc bán trú... Mô hình mới này không chỉ huy động được tối đa trẻ trong độ tuổi đến trường và duy trì được học sinh đi học chuyên cần mà còn góp phần nâng cao, cải thiện rõ rệt chất lượng giáo dục miền núi.
Tại huyện Quế Phong, Trường PTDTNT THCS Quế Phong đi vào hoạt động đã trở thành điểm sáng của ngành Giáo dục huyện nhà. Riêng trong 3 năm trở lại đây, trường liên tục xếp đầu huyện về tỷ lệ học sinh giỏi cấp huyện, trường có 15 học sinh giỏi tỉnh, hơn 200/290 học sinh được công nhận học sinh xuất sắc, học sinh tiên tiến. Tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào Trường PTDTNT tỉnh luôn nằm trong tốp cao.
Phòng ký túc xá khang trang của học sinh bán trú ở Quỳ Châu. Ảnh: Mỹ Hà |
5 năm qua, thực hiện hiệu quả đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, toàn tỉnh Nghệ An có thêm 228 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn tính đến 30/6/2018 là 1.043 trường, đạt 68,66% (6/2013 đạt 52,95%); đã có 866 trường được kiểm định đánh giá ngoài, đạt 54,9%; chất lượng phổ cập giáo dục đạt thành tích đột phá; chất lượng giáo dục phổ thông được khẳng định vững chắc, kết quả học sinh giỏi quốc gia, quốc tế liên tục xếp thứ 3 tốp đầu cả nước.
Nghệ An cũng là tỉnh làm khá tốt công tác phân luồng. Vì vậy, ở miền núi, tỷ lệ học sinh bậc THCS chuyển sang học nghề đạt từ 50 - 60%. Ở bậc, THPT, số học sinh tham gia dự thi THPT quốc gia nhưng không có nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng tăng lên: năm 2015 có 37,2%; năm 2016 có 42,2%; năm 2017 có 37,3%.
Những năm qua, các hoạt động của ngành cũng đã có nhiều đổi mới, chủ động, tích cực, chuẩn bị chu đáo các điều kiện về chủ trương, định hướng, đội ngũ, cơ sở vật chất tiếp cận thực hiện chương trình sách giáo khoa mới vào năm học 2019- 2020 với mục tiêu chính là phát triển phẩm chất, năng lực người học nguồn nhân lực.
Đáng chú ý là phân cấp quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục, cho giáo viên trong quyết định phân phối chương trình, hình thức tổ chức lớp học phù hợp với định hướng lấy người học làm trung tâm.
Thực hiện các chủ đề dạy học tích hợp, liên môn; dạy học lồng ghép, nội dung giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống trong các môn học; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, ứng dụng thực tế, triển khai mô hình giáo dục trong nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của địa phương; tích cực tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật.
Đổi mới hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh… Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng ngày càng được củng cố, quy mô và chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên, bước đầu đã đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật cho thị trường lao động cả trong và ngoài tỉnh.
Cô và trò cùng trao đổi về bài học. Ảnh: H.P |
Hướng đến điểm sáng, trung tâm khu vực
Bên cạnh thành công, nhìn từ phía học sinh, giáo dục và đào tạo Nghệ An vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chất lượng giáo dục đại trà chưa cao, vẫn còn chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền, các ngành, các hệ đào tạo. Vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học, nhất là vùng miền núi. Trình độ Ngoại ngữ, Tin học của học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu xã hội đặt ra và xu thế hội nhập phát triển. Việc bồi dưỡng, trang bị các kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên được quan tâm nhưng kết quả chưa cao.
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW vừa được Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức, nguyên nhân chủ quan được nhìn nhận rõ: Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa thực sự coi việc đổi mới là công việc thường xuyên, lâu dài, chưa sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo; Một số bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên năng lực còn hạn chế nên việc tiếp cận đổi mới không theo kịp trong giai đoạn hiện nay; Nguồn lực hạn chế, quy mô, mạng lưới trường lớp quá rộng nên cơ sở vật chất các trường còn nhiều khó khăn...
Chính điều này đã gây trở ngại đến công tác đổi mới, đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Nghệ An trở thành điểm sáng, trung tâm của giáo dục và đào tạo khu vực Bắc Trung bộ.
Trẻ mầm non vùng cao và đồ chơi do các cô giáo và phụ huynh tự chế. Ảnh: Đ.T |
Cũng tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn quán triệt tinh thần đổi mới giáo dục mà Nghệ An tập trung trong thời gian tới: Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị phải nêu cao trách nhiệm, xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị; khắc phục bệnh thành tích, hình thức trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giáo dục - đào tạo.
Thực hiện các giải pháp cụ thể chỉ đạo quyết liệt để xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng, phù hợp cơ cấu; giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, chất lượng phổ cập giáo dục, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.
Tăng cường giáo dục pháp luật, đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh. Phối hợp thực hiện tốt 3 môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội. Coi trọng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập... Đổi mới toàn diện giáo dục đang đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các cấp, ngành, địa phương và toàn thể xã hội.
Tác giả: Mỹ Hà - Thanh Sơn
Nguồn tin: Báo Nghệ An