Pháp luật

Những vụ trục lợi bảo hiểm rúng động

Phía sau những con số bồi thường bạc tỉ là không ít câu chuyện kinh hoàng về lòng tham và những lỗ hổng trong ngành bảo hiểm

Những vụ án trục lợi bảo hiểm với thủ đoạn tàn độc và khó tin liên tiếp được phanh phui, từ người mẹ nhẫn tâm sát hại con đến màn kịch tự gây thương tích rợn người.

Những cái giá quá đắt

Ngày 7-4, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam cho biết Công an tỉnh đang phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục điều tra làm rõ vụ án bà Tô Thị Ty Na (SN 1981; trú khu phố 8, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) sát hại 2 con trai để trục lợi bảo hiểm.

Một vụ trục lợi bảo hiểm xảy ra ở tỉnh Đắk Nông cũng đã được cơ quan chức năng làm rõ. Theo đó, ngày 4-5-2020, người dân phát hiện 1 ô tô cháy rụi trên Quốc lộ 28 (đoạn qua xã Đắk Som, huyện Đắk G'Long) bên trong có 1 tử thi bị cháy. Thời điểm đó, nhiều người nghĩ đó là 1 vụ tai nạn giao thông và nạn nhân là Đỗ Văn Minh (Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) - người điều khiển xe.

Tuy nhiên, qua điều tra phát hiện nhiều bất thường, hé lộ ông Minh là nghi phạm giết người để trục lợi bảo hiểm. Do thua lỗ hơn 23,7 tỉ đồng từ việc buôn bán cà phê trực tuyến, ông Minh đã mua gói bảo hiểm nhân thọ trị giá lớn. Để thực hiện kế hoạch, ông Minh từng cố đào mộ trộm xác nhưng bất thành.

Sau đó, ông Minh dụ cháu họ bên vợ là Trần Nho Vương (SN 1995) đến rẫy, sát hại bằng búa, rồi dàn dựng tai nạn giao thông bằng cách tông xe vào cột mốc và đốt xe phi tang. Ông Minh đã bỏ trốn nhưng bị bắt sau 7 ngày. Tháng 1-2021, Đỗ Văn Minh đã bị TAND tỉnh Đắk Nông tuyên án tử hình về tội giết người và các tội danh khác liên quan đến chiếm đoạt tài sản và xâm phạm mồ mả.

Vụ khác cũng từng gây rúng động dư luận khi người phụ nữ thuê người khác chặt lìa chân tay của mình. Theo đó, vào ngày 5-5-2016, người dân phát hiện bà Lý Thị N. (ngụ xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) nằm bên đường tàu với 1/3 bàn chân và 1/3 bàn tay bên trái bị đứt lìa. Khi làm việc với cơ quan chức năng, bà N. khai mình bị tàu hỏa cán qua.

Tuy nhiên, qua điều tra, công an đã phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn khi thương tích được xác định là do vật sắc nhọn gây ra, không giống với tai nạn tàu hỏa. Bên cạnh đó, trong hơn 1 tháng, bà N. đã mua liên tiếp 3 gói bảo hiểm thân thể của 2 công ty. Nếu bị thương tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông, bà N. có thể được thanh toán tổng số tiền khoảng 3,5 tỉ đồng.

Trước những bằng chứng đưa ra, bà N. đã khai nhận do nợ tiền nên đã thuê người chặt 1/3 bàn chân và 1/3 bàn tay bên trái của mình với giá 50 triệu đồng để tạo hiện trường giả một vụ tai nạn tàu hỏa, nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm. Ý tưởng "điên rồ" của bà N. không chỉ không giúp bà lấy được tiền bảo hiểm mà bản thân còn phải chịu thương tật 79%.

Công an tỉnh Quảng Nam tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Tô Thị Ty Na (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Rủi ro từ lòng tham

Ông Nguyễn Hữu Vinh, đại lý của một công ty bảo hiểm tại TP HCM, cho biết trong trường hợp chết do tai nạn, khi cung cấp đủ giấy tờ, không bị tố cáo và nếu có thêm biên bản xác nhận từ cơ quan chức năng đó là vụ tai nạn, các công ty bảo hiểm sẽ đóng điều tra và trả bồi thường rất nhanh, trung bình khoảng 1 tháng kể từ ngày hồ sơ được chấp thuận. Do đó, vụ việc người phụ nữ ở tỉnh Quảng Nam giết 2 con và trục lợi bảo hiểm với số tiền 4 tỉ đồng là điều dễ hiểu.

Trong trường hợp khác, ví dụ khách hàng bị bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh nặng qua đời, công ty bảo hiểm sẽ điều tra kỹ từng bệnh viện để xác định người đó mắc bệnh vào thời điểm trước hay sau khi mua bảo hiểm. Nếu bệnh đã có từ trước, công ty bảo hiểm sẽ từ chối chi trả do khách hàng vi phạm hợp đồng. Nếu bệnh phát sinh sau khi mua bảo hiểm, họ sẽ được bồi thường.

Trong trường hợp đã chi trả bồi thường cho khách hàng nhưng hồ sơ đó bị điều tra bởi cơ quan chức năng, giống như vụ việc người phụ nữ giết 2 con ở Quảng Nam, công ty bảo hiểm hoàn toàn có thể đòi lại tiền. Tuy nhiên, tỉ lệ lấy lại được số tiền đó thường rất thấp, vì những người có ý định xấu sẽ tẩu tán hoặc tiêu xài hết với mục đích không trả lại.

"Những hành vi lợi dụng chính sách của công ty bảo hiểm để trục lợi khoản tiền bồi thường là vi phạm đạo đức nghiêm trọng. Thực tế, có một số người mua nhiều gói bảo hiểm của các công ty khác nhau với mục đích được nhận số tiền này. Qua vụ việc lần này, công ty bảo hiểm cần tăng cường thẩm định khách hàng và phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn ý đồ xấu" - ông Vinh nói.

Chuyên gia bảo hiểm Hoàng Nguyễn Ngọc Thịnh nhận định số tiền bồi thường trong các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường rất lớn, nên một số người bất chấp thủ đoạn để trục lợi. Trong khi đó, nhiều công ty vẫn phụ thuộc vào hồ sơ giấy tờ và quy trình xác minh còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện gian lận.

"Không ai nghĩ mẹ lại giết con chỉ vì tiền, nên thường không ai nghi ngờ hay tố giác những hành vi như vậy. Chính điều đó tạo kẽ hở để kẻ gian lợi dụng" - ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, sau những vụ việc như vậy, các công ty bảo hiểm cần rà soát lại quy trình, tăng cường kiểm tra nội bộ và siết chặt khâu kiểm duyệt. Đồng thời, cần xử lý nghiêm các bộ phận thiếu trách nhiệm, tạo điều kiện cho hành vi trục lợi xảy ra.

Việc ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn là hướng đi cần thiết. Những công nghệ này giúp doanh nghiệp tổng hợp dữ liệu, phân tích rủi ro và phát hiện những dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như một người đứng tên quá nhiều hợp đồng bảo hiểm hoặc có dấu hiệu dàn dựng nhằm trục lợi bất chính.

Vụ án ở Quảng Nam là lời cảnh tỉnh cho những ai có ý định xấu. "Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm cũng cần bảo đảm cân bằng lợi ích, không được lấy lý do phòng chống gian lận để gây khó dễ, trì hoãn chi trả quyền lợi chính đáng cho khách hàng. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giám sát hoạt động của ngành bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi của người dân" - ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, quyền lợi khách hàng phải được đặt lên hàng đầu. Nếu công ty bảo hiểm lợi dụng vụ việc trên để gây khó dễ cho khách hàng là không được, cần phải hài hòa lợi ích. Nếu công ty không làm đúng nghĩa vụ đối với khách hàng, cơ quan chức năng cần phải xử lý nặng như phạt tiền, công bố thông tin.

Quyết liệt ngăn chặn gian lận

Thông tin từ một hãng bảo hiểm lớn cho biết các yêu cầu chi trả sớm (trong 2 năm đầu) hoặc tử vong đột ngột thường kích hoạt quy trình điều tra kỹ lưỡng để loại trừ tự tử hoặc hành vi phạm tội. Nếu gian lận được xác nhận sau chi trả, công ty sẽ đòi lại tiền, ngược lại, nếu không có bằng chứng, công ty buộc phải bồi thường theo hợp đồng. Các điều khoản loại trừ quy định rõ các trường hợp không được bồi thường, bao gồm vi phạm pháp luật, hợp đồng hoặc bệnh lý có sẵn. Hồ sơ bồi thường tử vong yêu cầu giấy chứng tử, hồ sơ bệnh án (nếu có) và biên bản điều tra (nếu là tai nạn).

Để đối phó với tình trạng trục lợi bảo hiểm gia tăng, các doanh nghiệp đã tăng cường nghiệp vụ phát hiện và xử lý. Các bộ phận bồi thường nâng cao chuyên môn sàng lọc hồ sơ nghi vấn, điều tra kỹ lưỡng. Công nghệ thông tin giúp thống kê, phân tích dữ liệu bồi thường, phát hiện bất thường ở các nghiệp vụ dễ bị lợi dụng. Doanh nghiệp cũng cập nhật thông tin thị trường để nắm bắt xu hướng trục lợi và có biện pháp ứng phó kịp thời. Vấn đề này gây thiệt hại không nhỏ cho cả doanh nghiệp và khách hàng chân chính.

Việc thu hồi tiền đã chi trả trong các vụ án trục lợi thường rất khó khăn, đặc biệt khi liên quan đến án hình sự. Ông Ngô Trung Dũng, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nhấn mạnh nguyên tắc trung thực tuyệt đối trong bảo hiểm nhân thọ. Khách hàng khai báo sai có thể bị hủy hợp đồng hoặc bị từ chối bồi thường. Mức bồi thường khác nhau tùy nguyên nhân tử vong. Việc chứng minh gian lận rất phức tạp, dù ước tính có 2%-6% vụ chi trả có dấu hiệu này.

Tác giả: Nhóm Phóng Viên

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP