Du lịch

Những tấm visa vàng trong Covid-19

Bangladesh không phải là cái tên sáng trong bảng xếp hạng hộ chiếu quyền lực. Nhưng chỉ cần bỏ ra 100.000 USD, cuộc đời bạn sẽ sang trang mới.

Covid-19 đồng nghĩa với việc có ít lựa chọn đi lại, du lịch hơn. Điều này ngoại lệ với các gia đình giàu có - những người vẫn đang sử dụng tài chính vững chắc của mình để giúp bản thân vượt qua nhiều biên giới mà theo lẽ thường, họ không thể bước tới.

Theo CNN, đó là thế giới của những người siêu giàu trong việc đầu tư di cư - nơi các đơn xin hộ chiếu không dựa trên quốc tịch hay quyền công dân của người nộp, mà dựa trên sự giàu có cũng như sẵn sàng mang tài sản đó đến mọi nơi. Những người siêu giàu sẽ chuyển tiền của họ để đầu tư vào một quốc gia, và đổi lại họ được nhận quyền công dân cũng như cấp hộ chiếu mới. Chương trình này còn được biết với một cái tên mỹ miều khác: "Những tấm visa vàng".

Những người có hộ chiếu Thụy Sĩ được miễn visa tới 186 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: CNN

Động lực chính của những người tham gia chương trình này chính là họ được quyền tự do đi lại, hưởng nhiều lợi ích thuế, môi trường sống và giáo dục tốt hơn... Tài sản của họ thường từ 2 triệu USD đến hơn 50 triệu USD.

Trong đại dịch, nhiều gia đình giàu có cũng đang cân nhắc tìm kiếm những điểm trú ẩn an toàn để bảo vệ sức khỏe. Động thái này không chỉ nhằm ứng phó với Covid-19 của hiện tại. "Những người giàu không lập kế hoạch 5-10 năm. Họ lên kế hoạch cho sự giàu có, hạnh phúc trước 100 năm", Dominic Volek, trưởng bộ phận châu Á của Henley & Partners nói.

Henley & Partners cho biết 6 tháng đầu năm, số người quan tâm đến chương trình visa vàng tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Số người nộp đơn sau khi được tư vấn tăng 42%. Công ty tư vấn hàng đầu thế giới này tin rằng, số lượng tăng liên quan một phần đến Covid-19, các vấn đề về sức khỏe và cả nỗi lo về "ngày tận thế" của khách hàng.

Một trong hai địa điểm hàng đầu được nhiều người yêu thích nhất là Montenegro và đảo Síp. Số lượng mọi người đăng ký để có hộ chiếu tới hai nơi này năm nay tăng 142% và 75%. Malta cũng là nước được quan tâm đáng kể. Sức hút trở thành công dân của đảo Síp và Malta là cho phép họ tự do đến và định cư không giới hạn trên khắp liên minh châu Âu. Họ không chỉ có quyền tự do đi lại, mà còn được hưởng nền giáo dục, y tế tốt hơn (so với quê nhà).

New Zealand và Australia cũng là điểm đến được nhiều người quan tâm. Nhưng chỉ những gia đình có tài sản ròng cực cao mới có thể "với tới". Để tham gia vào chương trình cư trú hợp pháp ở Australia, bạn phải bỏ ra 1-3,5 triệu USD. Trong khi đó ở New Zealand, con số lên đến 1,9-6,5 triệu USD.

Giới siêu giàu không lên kế hoạch cho 5-10 năm, mà là 100 năm. Vì vậy, họ luôn có phương án dự phòng để có thể đến những nơi giúp cả gia đình được an toàn. Ảnh: CNN

Ngoài những quốc gia có "tên tuổi" phía trên, người giàu trên thế giới cũng tìm kiếm những nơi nhỏ, hẻo lánh để đưa gia đình đến ở nếu có một đợt dịch bệnh khác bùng phát. Nhiều người tin rằng các quốc gia nhỏ sẽ đối phó và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. "Dịch bệnh nằm ngoài tầm kiểm soát ở Mỹ. Nhưng các nước nhỏ hơn lại không bị ảnh hưởng nặng nề như vậy, ví dụ các quốc gia ở Caribbean như Dominica, Antigua, Barbuda... Ngoài ra, phí để sở hữu hộ chiếu của nó cũng rẻ hơn, việc tự do đi lại cũng nhiều hơn.

"Hộ chiếu Bangladesh không được tự do đi lại ở nhiều nước. Một người giàu ở đây chỉ cần quyên góp 100.000 USD cho chính phủ Antigua và Barbuda, cộng với phí dịch vụ, gia đình bốn người của bạn có thể nhận được hộ chiếu thứ hai trong 4-6 tháng", Volek nói.

Con số này có thể là 250.000 USD ở St Kitts và Nevis, 280.000 USD ở Hy Lạp, 380.000 USD ở Bồ Đào Nha, 1,1 triệu USD ở Malta và 2,4 triệu USD ở đảo Síp. Volek gợi ý Bồ Đào Nha là cái tên hấp dẫn, vì mức giá rẻ nhưng hộ chiếu của họ lại được phép đi lại tự do trong khối Schengen. Ngoài ra, bạn có thể hợp pháp trở thành công dân của nước này sau 5 năm cư trú dài hạn, miễn là có thể nói được tiếng địa phương ở trình độ sơ cấp. Nếu bạn có tài chính mạnh, có thể chuyển thẳng đến Malta hoặc đảo Síp, vì sẽ có quốc tịch ở EU ngay lập tức".

Khách hàng của chương trình "visa vàng" cũng đang thay đổi. Số lượng khách Mỹ, Ấn Độ, Nigeria và Lebanon nộp đơn tăng đột biến nhiều nhất trong 9 tháng qua. Số người Mỹ muốn tham gia chương trình này trong quý một năm 2020 tăng 700% so với quý cuối cùng của năm 2019, song song với khách đến từ Trung Quốc và Trung Đông.

Năm 2017, có khoảng 5.000 người mỗi năm sở hữu hai quốc tịch thông qua chương trình visa vàng. Nhưng vào năm 2020, con số này đã lên gần 25.000 người. Tuy nhiên, không phải bất kỳ người giàu nào cũng có thể dễ dàng lấy được hộ chiếu thứ hai. Không phải bất kỳ nhà tài phiệt nào giao ra một triệu USD cho chính phủ, và có luôn hộ chiếu. Tùy thuộc từng quốc gia, quá trình thẩm định có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Những người nộp đơn phải trải qua một cuộc kiểm tra, đánh giá tài chính và hình sự kỹ lưỡng để đảm bảo số tiền họ kiếm được là hợp pháp. Sau đó, họ mới được chấp nhận quyền cư trú, hoặc cấp quốc tịch mới.

Malta là ví dụ. Quốc gia này có quy trình thẩm định nghiêm ngặt, gồm 4 cấp. Người nộp đơn phải tiết lộ giá trị tài sản ròng của họ, nguồn tiền cũng như cung cấp giấy chứng nhận thông quan của cảnh sát ở quốc gia nơi họ sinh ra cũng như bất kỳ nơi nào họ đã sống nhiều hơn 6 tháng trong 10 năm trở lại. Malta có tỷ lệ từ chối 20-25%. "Họ sẽ từ chối người nộp đơn nếu cảm thấy không thoải mái về việc người này sẽ được mang quốc tịch của họ", Volek nói.

  Từ khóa: Covid-19 ,visa Vàng ,Bangladesh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP