Trong nước

Những quy định nổi bật có hiệu lực từ 1/6

Từ ngày hôm nay 1/6, đi khám chữa bệnh không cần mang theo thẻ BHYT; đốt vàng mã sai nơi quy định có thể bị phạt 500.000 đồng; biểu diễn nghệ thuật trái thuần phong mỹ tục bị phạt tới 30 triệu đồng...

Thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định bị phạt

Nghị định 38/2021 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo (có hiệu lực từ 1/6) đưa ra mức phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ karaoke ngoài khoảng thời gian từ 8h đến 24h mỗi ngày; cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi.

Ngoài ra, việc thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại các lễ hội; nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; mặc trang phục không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, có thể bị phạt từ 200.000 - 500.000 đồng.

Đốt vàng mã không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt (Tranh minh họa).

Việc sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn trái thuần phong mỹ tục của dân tộc; biểu diễn nghệ thuật thực hiện hành vi không phù hợp với văn hóa truyền thống, lứa tuổi, giới tính; biểu diễn nghệ thuật, thi, liên hoan có nội dung kích động bạo lực; nội dung xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tín ngưỡng… bị phạt tiền từ 25-30 triệu đồng.

Đáng chú ý, một số quy định được đưa ra tại Nghị định 38 đang được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, doanh nghiệp quảng cáo cho là đã lạc hậu và sẽ trở thành trở ngại cho cơ quan báo chí, doanh nghiệp trong nước trước sức ép vô cùng lớn đối với các đối thủ ngoại.

Điều kiện cấp phép hoạt động dịch vụ việc làm

Nghị định 23/2021 quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về Trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có hiệu lực từ ngày 1/6.

Theo đó, điều kiện cấp phép là phải có địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh để tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định theo hợp đồng từ 3 năm (36 tháng) trở lên; doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 300 triệu đồng.

Phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại Đắk Lắk (Ảnh: Thúy Diễm).

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động dịch vụ việc làm phải bảo đảm điều kiện: Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; không thuộc một trong các trường hợp sau: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến dịch vụ việc làm;

Người đại diện này cũng cần có trình độ từ đại học trở lên hoặc đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý dịch vụ việc làm hoặc cung ứng lao động từ đủ 2 năm trở lên trong thời hạn 5 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

UBND cấp tỉnh hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được UBND cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính ủy quyền (sau đây gọi chung là cơ quan nhà nước có thẩm quyền) cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép đối với doanh nghiệp.

Cá nhân được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm

Theo Nghị định số 43/2021 có hiệu lực từ ngày 1/6, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm bao gồm các thông tin như sau:

Dữ liệu cơ bản cá nhân (họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; dân tộc; quốc tịch;…); thông tin liên hệ của công dân; nhóm thông tin về hộ gia đình (mã hộ gia đình; địa chỉ; danh sách các thành viên trong hộ gia đình); nhóm thông tin về bảo hiểm xã hội (mã số bảo hiểm xã hội; mã đơn vị quản lý người tham gia; cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý; loại đối tượng bảo hiểm xã hội).

Ngoài ra bao gồm các nhóm thông tin về bảo hiểm y tế (mã mức hưởng; loại đối tượng; nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu; thời điểm hết hạn; thời điểm đủ 5 năm liên tục; quá trình đóng, hưởng); nhóm thông tin về bảo hiểm thất nghiệp (Quá trình đóng, hưởng; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp); nhóm thông tin về người sử dụng lao động gồm (tên; mã số doanh nghiệp/số quyết định thành lập; mã số thuế; địa chỉ trụ sở chính; ngành, nghề kinh doanh…); nhóm thông tin cơ bản về y tế; nhóm thông tin về an sinh xã hội.

Cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, đồng thời được trích xuất thông tin của mình; dữ liệu trích xuất được ký số bởi Bảo hiểm xã hội Việt Nam và có giá trị như văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Đấu giá kho số, tên miền

Quyết định 16/2021/QĐ-TTg về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền internet có hiệu lực từ hôm nay 1/6 quy định kho số viễn thông được đấu giá là các mã, số viễn thông có cấu trúc đặc biệt và được xem xét, lựa chọn từ kho số viễn thông chưa phân bổ cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Bộ Thông tin và Truyền thông công bố danh mục kho số viễn thông được đấu giá theo từng thời kỳ căn cứ vào Quy hoạch kho số viễn thông và tình hình thực tế của thị trường viễn thông Việt Nam.

(Ảnh minh họa).

Doanh nghiệp, tổ chức thành lập theo pháp luật Việt Nam, phải đáp ứng được yêu cầu về tài chính, kỹ thuật phù hợp đối với từng loại mã, số viễn thông được đấu giá theo quy hoạch và quy định về quản lý kho số viễn thông. Phải cam kết triển khai việc đưa mã, số viễn thông vào khai thác, sử dụng tối thiểu 6 tháng sau khi trúng đấu giá.

Doanh nghiệp phải hoàn thành các nghĩa vụ tài chính có liên quan (nộp đầy đủ các khoản phí sử dụng kho số, tần số, nghĩa vụ công ích, phí quyền hoạt động viễn thông của doanh nghiệp, tổ chức) trước khi tham gia đấu giá (nếu có).

Đồng thời có giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông phù hợp với loại mã, số viễn thông được đấu giá; giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo quy định của pháp luật về viễn thông.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản chuyển kết quả đấu giá, biên bản đấu giá, danh sách tổ chức, cá nhân trúng đấu giá cho cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức đấu giá để trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt kết quả đấu giá và hoàn thiện các thủ tục liên quan.

Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt và công bố kết quả đấu giá trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Biên bản đấu giá được ký.

Từ 1/6, không cần mang thẻ BHYT giấy khi khám, chữa bệnh

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành công văn gửi Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bảo hiểm Xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm Xã hội Công an nhân dân về việc sử dụng hình ảnh thẻ Bảo hiểm Y tế trên ứng dụng "VssID - Bảo hiểm xã hội số" để đi khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/6, người dân trên toàn quốc sẽ được sử dụng hình ảnh thẻ Bảo hiểm Y tế trên ứng dụng VssID khi đi khám chữa bệnh thay thế cho việc sử dụng thẻ Bảo hiểm Y tế giấy.

Trước đó, tháng 11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố ứng dụng "VssID - Bảo hiểm xã hội số" trên nền tảng thiết bị di động của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP