Những quy định “trên trời” gây nhiều khó khăn, phiền toái cho giáo viên. Trong ảnh: một thầy giáo dạy học trực tuyến trong mùa COVID-19 năm 2021 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT đề xuất phương án sửa đổi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Vì những tiêu chuẩn, quy định đặt ra trong các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập không phù hợp, xa rời thực tế, Bộ GD-ĐT cần dừng ngay việc thực hiện các thông tư này.
Quá nhiều sạn
Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mới ban hành cho thấy vẫn chưa có được những định nghĩa rõ ràng về nhiệm vụ cùng với các tiêu chuẩn gắn với bản mô tả việc làm tại vị trí giảng dạy của giáo viên. Có những tiêu chí rất khó cho giáo viên thực hiện được, chẳng hạn giáo viên mầm non dạy ở nhóm trẻ phải đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Sử dụng tiêu chuẩn kép về chuyên môn nghiệp vụ và danh hiệu thi đua như chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban ngành tỉnh là không hợp lý, do giáo viên muốn đạt chiến sĩ thi đua thì phải hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, phẩm chất của người giáo viên.
Hơn nữa, theo quy định về thi đua khen thưởng thì chỉ một tỉ lệ nhất định giáo viên trong cơ sở giáo dục được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua, dẫn đến việc cơ hội sẽ không bằng nhau cho mọi giáo viên để được thăng hạng mà phần nhiều danh hiệu thi đua ở nhà trường lại hay rơi vào những người có vị trí quản lý.
Ngay cả tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp giáo viên theo chức danh cũng rất cần làm rõ khái niệm này để tránh hiểu nhầm sang đạo đức theo khái niệm chung mà không phản ánh đặc thù đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo.
Về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở nhiều nội dung bồi dưỡng đã không bám sát tiêu chuẩn mà lại đưa những kiến thức thuộc về nhiệm vụ quản lý cơ sở giáo dục hoặc những kiến thức đã được học ở chương trình CĐ hay ĐH. Phân tích nội dung của từng chuyên đề mới thấy việc biên soạn chương trình bồi dưỡng đã tách xa tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Nhiều nội dung không dính đến nhiệm vụ ở vị trí việc làm của giáo viên mà dành cho người quản lý nhân sự, quản lý khoa học. Đây là bất cập rất lớn, đòi hỏi phải chỉnh sửa chương trình bồi dưỡng nói trên.
Thiếu chuyên nghiệp
Mặt khác, ngày 12-3-2021 Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Bộ GD-ĐT ra công văn số 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập lại cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong việc ra văn bản này.
Lẽ ra sau khi có các thông tư ban hành tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì ngay lập tức chương trình bồi dưỡng phải căn cứ vào đó để sửa đổi cho phù hợp với tiêu chuẩn.
Tiêu chuẩn mới ban hành năm 2021 có một số nội dung mới đưa vào mà lấy chương trình đã được thẩm định năm 2016 (trong khi chương trình này có quá nhiều bất cập như phân tích ở trên) là điều không thể chấp nhận được.
Đó là chưa kể Bộ GD-ĐT chưa kịp chấn chỉnh những cơ sở đào tạo bồi dưỡng làm ăn kiểu chụp giật cắt xén thời gian, chỉ dạy để cấp chứng chỉ và thu tiền khá lớn của các giáo viên.
Với những bất cập từ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên đến việc chất lượng xây dựng và thực thi chương trình bồi dưỡng quá nhiều "sạn", thiết nghĩ Bộ GD-ĐT nên dừng lại ngay việc thực hiện các thông tư về chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mới ban hành và chuẩn bị tốt chương trình bồi dưỡng, đánh giá công tác đảm bảo chất lượng chương trình bồi dưỡng của các cơ sở tham gia bồi dưỡng giáo viên để báo cáo Thủ tướng và rút kinh nghiệm làm cho tốt hơn.
Bộ Nội vụ cần vào cuộc Không chỉ Bộ GD-ĐT, các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghiệp vụ thuộc các ngành lĩnh vực khác cũng tồn tại không ít bất cập, Bộ Nội vụ cần phối hợp với các bộ ngành liên quan xem xét đánh giá và điều chỉnh kịp thời. |
Tác giả: TS HOÀNG NGỌC VINH
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ