Du lịch

Những món đặc sản Lạng Sơn 'đọc tên muốn méo cả mồm'

Cao Sằng, bánh coóc, coóng phù, phoóng dăm... những món ăn đặc sản Lạng Sơn này tuy khó đọc nhưng nếu đã thưởng thức rồi thì bạn sẽ khó mà quên.

Lạng Sơn không chỉ hấp dẫn du khách với nhiều danh lam thắng cảnh mà còn có nhiều món ăn độc đáo. Sự giao thoa giữa 2 nền ẩm thực Việt Nam, Trung Quốc và sự sáng tạo của người dân nơi đây đã cho ra đời nhiều món ăn hấp dẫn, lạ mắt và lạ miệng, có từ món mặn đến món ngọt. Nhiều du khách nhận xét, nhiều đặc sản Lạng Sơn "đọc lên muốn méo cả mồm" nhưng ăn một lần thì không thể nào quên, nhắc đến lại thèm.

Cao sằng

Người dân địa phương cho biết, từ xa xưa, trong quá trình giao lưu thương mại tại Lạng Sơn, người Hoa đã mang một món bánh đặc biệt đến Cao Bằng. Thời gian trôi qua, dân Xứ Lạng biến tấu món ăn này cho phù hợp hơn với khẩu vị của người Việt Nam, từ đó bánh cao sằng ra đời, trở thành món ăn quen thuộc ở đây.

Cái tên cao sằng có ý nghĩa là bánh nhiều tầng (cao có nghĩa là bánh, sằng là tầng). Bánh này gồm các tầng bột xếp lên nhau cho thật cao, độ dày gấp 10 lần so với bánh phở thông thường.

Cao sằng - bánh nhiều tầng, món đặc sản Lạng Sơn nổi tiếng. (Ảnh: Vũ Huyền)

Được chế biến từ những nguyên liệu rất đơn giản, nhưng món ăn này lại có hương vị đậm đà đặc trưng. (Ảnh: Vũ Huyền)

Nguyên liệu chính để làm bánh cao sằng là gạo tẻ. Loại gạo trắng và thơm được ngâm, xay nhuyễn, nhào bột rồi dàn đều, hấp trong nồi cách thủy khoảng 40 phút. Bánh được đổ thành các lớp, khi lớp bột đầu tiên chín sẽ đổ lớp thứ hai. Sau khi chín hết lớp thứ hai, bột sẽ đông lại thành bánh, người ta vớt bỏ phần nước bên, phết nhân lên mặt bánh gồm thịt heo băm nhuyễn xào.

Lớp nhân này vừa giữ độ ẩm mượt vừa tăng hương vị đậm đà cho món ăn. Khi ăn, bạn cần thêm chút lạc bùi béo, rau mùi và nước giấm chua ngọt nữa là hoàn hảo.

Đây là món ăn vặt yêu thích của người dân xứ Lạng. (Ảnh: Vũ Huyền)

Bánh coóc

Món bánh này khi mới nghe tên sẽ dễ bị nhầm với bánh coóc mò của người Tày, Nùng Lạng Sơn, nhưng sự thật bánh coóc khá giống với món sủi cảo của Trung Quốc.

Vỏ bánh được làm từ bột gạo bao thai truyền thống. Gạo sau khi ngâm nước qua một đêm sẽ được xay thành bột nước, sau đó chắt nước trong, giữ lại phần đặc của bột để làm vỏ bánh. Bột được xào trên bếp, cho thêm chút mỡ lợn để vỏ bánh không dính và tạo mùi thơm, đến khi bột khô lại, không còn dính nữa là đạt yêu cầu.

Nhân bánh gồm thịt lợn vai, mộc nhĩ, nấm hương, hành khô, su hào băm nhỏ. (Ảnh: Báo Lạng Sơn)

Sau khi đảo xong phần bột làm vỏ bánh coóc, người ta tiếp tục nhào nặn cho thật nhuyễn. Bột bánh càng được nhào nặn kỹ thì bánh khi chín sẽ càng mềm và dẻo.

Xong bột là đến khâu nhồi nhân để tạo hình bánh. Nhân bánh gồm thịt nạc vai, mộc nhĩ, nấm hương, hành khô, su hào băm nhỏ. Bánh tạo hình xong được hấp trong khoảng 40 phút là chín.

Bánh coóc được ăn kèm lạc rang, măng ớt và rau thơm. (Ảnh: Báo Lạng Sơn)

Khi ăn bánh coóc, người ta chan thêm nước dấm chua ngọt, rắc chút lạc rang, măng ớt và ăn kèm với các loại rau thơm.

Phoóng dăm

Đây là một món ăn lâu đời của người dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng, nguyên liệu chính là gạo nếp và thịt lợn. Gạo để làm bánh phải là nếp nương Tràng Định, được xay khô rồi nhào bột, hiện nay người ta chủ yếu nhào bằng máy.

Để làm nhân bánh phoóng dăm, người ta cho thịt lợn lên bếp xào khô, thêm mộc nhĩ, nấm hương, miến dong, hạt tiêu… và đảo đều trên bếp lửa trong khoảng từ 15 đến 20 phút cho đến khi thịt se lại, dậy mùi thơm.

Món ăn này còn có tên gọi khác là coóng dăm. (Ảnh: Vũ Huyền)

Bánh được ăn cùng canh xương. Người ta không sử dụng xương ống mà nấu bằng xương sườn để tạo hương vị ngọt thanh, hạn chế độ ngậy, béo. Canh xương được nêm nếm gia vị vừa phải, có thể cho thêm rau cải cúc hoặc cải thảo tùy sở thích mỗi người.

“Linh hồn” của món ăn này chính là canh xương. (Ảnh: Vũ Huyền)

Coóng phù

Trong những ngày lạnh của vùng núi xứ Lạng, tuyệt vời nhất là được thưởng thức những viên coóng phù dẻo dai nóng hổi và xuýt xoa hít hà cái hương vị cay nồng của gừng, thơm ngọt của đường.

Coóng phù khá giống với món bánh trôi nước và cũng có cách làm tương tự. Người ta dùng gạo nếp xay thành bột nước, nhào cho dẻo. Bột càng lọc kỹ thì bánh càng dẻo dai, không vỡ nát lúc sôi trên lửa.

Công đoạn nặn bánh đòi hỏi sự khéo léo của người làm, từng viên tròn đều tăm tắp to cỡ viên bánh trôi. Mỗi viên được ấn dẹt phần đầu, chấm thêm chút vừng lên trên. Nhân bên trong là đỗ xanh xay nhuyễn trộn với đường cát tinh khiết. Ngoài những viên coóng phù màu trắng, người ta còn trộn thêm gấc chín để tạo sắc đỏ hấp dẫn.

Loại bánh này được cho là có nguồn gốc từ người Tày tại Lạng Sơn. (Ảnh: Vũ Huyền)

Khi có khách ăn, người bán mới bắt đầu thả những viên bánh vào nồi nước đường mật. Lửa được giữ liu riu cho tới khi nước sủi tăm, bánh nổi lên trên, tỏa hương thơm của gừng và nếp mới, cũng là lúc coóng phù chín tới. Người bán múc từng viên đỏ trắng xen kẽ ra bát, chan thêm nước đường, rắc chút dừa nạo, lạc rang và tinh dầu chuối lên là đủ hoàn hảo để trao cho thực khách một trải nghiệm ẩm thực khó quên.

Tác giả: Vũ Huyền

Nguồn tin: vtcnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP