Khởi hành từ Tượng đài Chiến Thắng Buôn Ma Thuột, bốn chàng thanh niên ưa mộng mơ quyết định tự thưởng cho bản thân một chuyến du lịch bụi. Hành trình dài bắt nguồn từ một câu hỏi nhỏ của một đứa trong nhóm: “Giờ mà muốn ngắm bình minh thiệt đẹp thì ngồi ở đâu ta?”. Cả lũ khăn gói lên đường trên hai chiếc xe máy Minsk hai thì, tuy trông cũ kỹ nhưng đầy bền bỉ và được dành riêng cho những cung đường xa như lần đi Phú Yên này.
Mũi Đại Lãnh, hay còn được nhiều người gọi dân dã là Mũi Điện (Mũi Nhạy hay Mũi Ba), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Mũi này là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm thẳng ra biển. Nơi đây cùng với Mũi Đôi (Vạn Ninh, Khánh Hòa) được công nhận là điểm cực Đông của Việt Nam vì có cùng tọa độ. Do cao hơn khá nhiều, nên Mũi Điện còn được xem như là nơi đầu tiên đón ánh bình minh đầu tiên của Việt Nam.
Ánh nắng mặt trời đầu tiên của Việt Nam mang một vẻ đẹp hoang sơ, cạnh đó là ngọn hải đăng Đại Lãnh lâu đời. |
Chia tay cái se se lạnh vùng cao nguyên Đắk Lắk giữa tiết trời lập đông của tháng 10, chúng tôi men theo đường quốc lộ 26 rồi rẽ vào đường19C, đoạn qua huyện Ea Kar. Sau hơn 5 giờ lái xe qua đủ loại địa hình, từ đường đất đá lởm chởm lưng chừng núi, cho đến những con đường quê thẳng tắp tuyệt đẹp với đồng cỏ xanh mướt hai bên. Đến gần chiều, chúng tôi cũng tới được đoạn đường quốc lộ 1A dưới chân đèo Cả, hướng từ Tuy Hòa vào. Dừng chân tạm tại cây xăng gần đó, cả nhóm nuốt vội gói mì khô rồi lên xe băng đèo.
Đường đèo Cả quanh co, có những khúc cua uốn lượn, có khúc gần như xoay 180 độ. Từng hàng xe khách, xe tải lớn lao đi vun vút. Trên quãng đường chỉ 12km đó, không dưới chục lần chúng tôi thót tim với những cú đánh lái điệu nghệ của cánh tài xế trên những chiếc xe khách Bắc Nam. Mải mê với quang cảnh hùng vỹ đến ngỡ ngàng của đèo Cả, chúng tôi đi thẳng một mạch hết đèo đến tận địa phận Khánh Hòa mới “té ngửa” mà quay đầu xe lại. Giữa đèo Cả có một con đường rẽ ngang, nơi đó được gọi là ngã ba Vũng Rô. Đây cũng chính là con đường duy nhất dẫn vào vịnh Vũng Rô và ngọn hải đăng Đại Lãnh.
Đường 29 là đoạn đường dắt từ ngã ba Vũng Rô đến Mũi Điện, lởm chởm đá ở đoạn đầu, còn đoạn sau được trải nhựa đều tăm tắp. Trên đường khá vắng người qua lại, chỉ có mỗi chúng tôi thong dong tận hưởng ánh hoàng hôn. Lúc đó là khoảng 4 giờ 30, mặt trời nghiên một góc 90 độ làm cho mọi thứ tương phản rõ rệt. Tuy bản thân chưa biết cái “ánh bình minh đầu tiên của Việt Nam” ra sao, nhưng cam đoan với bạn, hoàng hôn ở đó cũng cuốn hút không kém. Thiên nhiên đã ưu ái tặng cho vùng đất này những điều thật vô giá.
Đứng trên con đường nhỏ, tôi tự hỏi rằng sao mọi thứ ở đây lại có thể hòa hợp đến vậy. Bãi cát mịn màng trải dài với vài chiếc thuyền thúng nhỏ ai đó úp ngược, chỏng chơ trong cơn gió lộng nơi cửa biển. Ngoài xa, lớp lớp ghe cá của ngư dân đánh mẻ lưới chiều hiện lên trên nền biển xanh biếc. Khung cảnh đó được ôm trọn bởi những ngọn núi cao phủ kín màu xanh của cây rừng. Sau quãng đường khá dài và khó nhằn, đây đúng là phần thưởng xứng đáng với chúng tôi. Dừng lại chụp ít ảnh kỷ niệm, chúng tôi tiếp tục chạy men theo đường 29 đến điểm dừng tiếp theo, Bãi Môn.
Dù biết trước nơi đây được đánh giá là một trong những bãi biển hoang sơ và đẹp nhất Việt Nam, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Bãi cát vàng mịn kéo dài khoảng 400 mét, nằm lọt thỏm giữa hai ngọn núi cao, tạo thành hình cánh cung độc đáo, mũi Đại Lãnh nằm trên cùng ngọn núi này với hải đăng Đại Lãnh. Phía dưới chân núi địa hình khá hiểm trở với các tảng đá bao bọc, được mài nhọn qua hàng nghìn năm bởi từng đợt sóng xô dữ dội. Bãi biển hoàn toàn phẳng và rộng rãi. Do chưa được khai thác du lịch nhiều, biển ở đây còn khá hoang sơ và sạch sẽ. Để xuống được Bãi Môn cũng như đi ra Mũi Đại Lãnh, chúng tôi phải đi qua cổng trạm soát vé Bãi Môn. Tại đây, chúng tôi có dịp gặp chú Mười.
Chú Mười ngoài 50, là bảo vệ của Bãi Môn cũng như hải đăng Đại Lãnh. Người chú gầy nhom và nước da nâu sạm nắng. Đón chúng tôi trong bộ kaki màu lính đã sờn bạc, chú tươi cười bắt chuyện bằng giọng Phú Yên đặc trưng :”Mấy đứa từ đâu mà chạy xe máy tới đây ?”. Chúng tôi đáp: “Dạ con đi từ Sài Gòn chú ơi!”. Chú ân cần: “Xa dử hen, thôi vô trong rửa tay rửa mặt nghỉ tí đi”.
Nói đoạn, chú chỉ tay về phía căn nhà bên tay phải, căn nhà duy nhất quanh đây. Nhà chú Mười cũng là một quán ăn nho nhỏ do vợ chồng chú lập ra để sống cuộc sống giản đơn qua ngày. Theo chú, du khách thường đổ về tham quan hải đăng Đại Lãnh vào khoảng tháng 4 đến tháng 8 trong năm, thi thoảng cũng có nhóm chạy xe máy đến chơi. Thường khách đi theo đoàn, thuê khách sạn nghỉ ngơi trong thành phố Tuy Hòa, rồi đợi sáng sớm mặt trời mọc mới đánh xe vào ngắm rồi đi. “Ở đây không điện, không nước, mình ở lâu còn khó nói chi khách”, chú Mười chia sẻ.
Bữa tối tuyệt vời từ những người dân Phú Yên dễ mến. Ảnh: H.N. |
Tối hôm đó, vợ chú Mười cho chúng tôi thưởng thức món mực xào chua ngọt ngon tuyệt. Bụng đói meo sau một ngày dài đi xa, chúng tôi ăn liền 4 chén cơm mỗi đứa. Càng về khuya, gió rít càng mạnh, nhiệt độ giảm hơn nhiều so với ban ngày. Đường 29 tối đen như mực, tầm nhìn thấy chỉ được khoảng vài mét. Ngoài mặt trăng đang lơ lửng trên đầu, cả khu có mỗi nhà của chú Mười là có đèn, ánh sáng mờ ảo phát ra từ bóng nối với một bình ắc quy cũ.
Cả nhóm quyết định tá túc lại nơi này đến sáng hôm sau dậy sớm đón bình minh. Trải bạt ra nền cát, mỗi thằng chia nhau áo mưa làm mền và quấn 3-4 lớp áo chống lạnh, định bụng ngủ ngay nền xi măng chỗ đậu xe do không chuẩn bị sẵn lều.
Thấy chúng tôi loay hoay, chú Mười liền đặc cách sắp xếp cho 4 đứa ngủ luôn trong phòng bảo vệ “để còn giữ sức sáng mai dậy sớm đón bình minh”. Hôm đó, chúng tôi không sao ngủ được vì cảm giác háo hức, phần vì sợ sẽ dậy trễ lỡ mất bình minh hôm sau, nhưng rồi cái mệt sau chuyến đi dài ngày đã thấm, nên tôi thiếp đi lúc nào không hay...
“Dậy! Mặt trời mọc rồi kìa!”, thằng bạn thân đạp vào người lúc tôi đang ngái ngủ vào 4 giờ sáng. Tôi vẫn phải lồm cồm bò dậy, vươn vai và thầm nghĩ: “Lỡ tới đây rồi, phải dậy coi cho đáng chứ!”.
Bên ngoài có tiếng người, có lẽ chú Mười là người đánh thức cả đám dậy. Sau khi vệ sinh cá nhân xong, nhóm bọn tôi chạy xe đi ngược ra đường 29 để đi men lên sườn ngọn núi cao gần đó. Thường du khách sẽ đến ngọn hải đăng Đại Lãnh để ngắm bình minh. Nhưng theo chú Mười, điểm đẹp nhất nằm trên sườn ngọn núi phía bên trái, chỉ cần đi men theo đường 29 sẽ thấy một khoảng rộng không bị cây cối che khuất tầm nhìn. Từ nơi đó, ta có thể thấy được cả ánh đèn le lói của ngọn hải đăng Đại Lãnh giữa bầu trời đêm, bên dưới là nhiều ghe cá của ngư dân đi đánh mẻ lưới sớm lấp lánh những đốm sáng trắng từ xa.
Ngồi thừ người trên một tảng đá lớn, tôi nhấm nháp từng cơn gió lạnh buốt thổi qua tai, mang cái vị mằn mặn đặc trưng của miền biển, nhiệt độ lúc đó vào khoảng 20 độ. Được 30 phút, mặt trời bắt đầu le lói sắc tím tại giao tuyến giữa trời và biển. “Phải chăng đây là chân trời tím đã đi vào lòng người qua biết bao bài hát, câu thơ?”, tôi thầm hỏi.
Trong buổi bình minh tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió xào xạc lá cây rừng và tiếng sóng biển rì rào vỗ vào Bãi Môn hòa quyện, tạo nên bản giao hưởng thiên nhiên thú vị mà bốn kẻ mộng mơ, vì vô tình lang thang nên may mắn được thưởng thức. Hừng đông được khoảng 5 phút, mặt trời mang đỏ hỏn từ từ nhô lên khỏi mặt biển. Phía trong, từng cơn sóng hình cánh quạt vẫn đều đặn vỗ vào bờ cát trắng trải dài, như suốt hàng nghìn năm nay.
Bình minh là bắt đầu một ngày mới, những tia sáng đầu tiên của mặt trời tượng trưng cho sự khởi đầu mới. Chuyến đi này ngoài mục đích du lịch đơn thuần, nó còn là liều thuốc giải tỏa căng thẳng sau một quãng thời gian chạy “hộc tốc” với cuộc sống thường nhật. Đứng trước ánh bình minh le lói phía chân trời xa kia, tâm hồn tôi như được gột rửa những bộn bề lo toan. Mọi thứ lúc đó chỉ có tiếng gió ù ù thổi, không còn tiếng ồn ào của đường sá, cũng không có chút khói bụi xe máy nào, hoàn toàn tĩnh lặng. Hít một hơi thật sâu, cảm giác tươi mới sảng khoái lan tỏa cả cơ thể bên ngoài lẫn tinh thần bên trong. Tận hưởng ánh mặt trời đầu tiên trong ngày ở nơi tận cùng phía đông của đất nước kể ra cũng đáng bỏ công.
Hải đăng Đại Lãnh cũng là một điểm đến thú vị trong cuộc hành trình chinh phục cực Đông. Nằm giữa khung cảnh trong xanh đầy mê hoặc với nhiều vách núi hùng vỹ, ngọn hải đăng này được người Pháp xây dựng từ năm 1890, thuộc hàng cổ nhất Đông Nam Á. Trải qua lịch sử đầy thăng trầm hơn 100 năm,đến nay hải đăng Đại Lãnh vẫn sừng sững, trở thành điểm quen thuộc cho những tín đồ du lịch khám phá. Con đường dẫn lên hải đăng khá rộng rãi, dài khoảng 1km, được xây dựng kiên cố bằng đá. Hàng rào trắng trải dài bình yên trong tiếng sóng vỗ rì rào dẫn lỗi cho du khách. Công trình hải đăng Đại Lãnh gồm một khối nhà cao 5m với diện tích 320m2 với lối lên ngọn đèn là một cầu thang xoắn ốc 110 bậc gỗ. Đứng từ trên ngọn tháp, bạn có thể phóng tầm mắt ra xa tít tắp ngoài biển khơi để trầm trồ trước thiên nhiên lớn lao, cảm giác chúng ta chỉ như một hạt cát li ti giữa đất trời. Đi sâu hơn một chút, bạn sẽ thấy một con đường nhỏ dẫn xuống tấm bia khắc kinh độ, vĩ độ của Mũi Điện, công nhận đây là cực đông của Việt Nam.
Nhóm chúng tôi chụp ảnh lưu niệm cùng chú Mười, người giữ đồn dễ mến. Ảnh: H.N. |
Hít một hơi đâỳ hương vị biển cả, tôi tạm biệt biển Đại Lãnh để lên đường trở về nơi thành phố ồn ào náo nhiệt. Chúng tôi không quên gửi lời cảm ơn tới chú Mười đã tạo điều kiện cho lũ trẻ chúng tôi được có nhiều trải nghiệm khó quên giữa thiên nhiên, cũng như lòng hiếu khách của con người Phú Yên.
Tác giả: H.N
Nguồn tin: Báo VnExpress