Một bác xe ôm đứng gần mách: “Xe khách đường dài họ bắt khách đi xa như Sài Gòn, Bình Dương, Vũng Tàu… thôi, họ không nhận khách đi gần. Các chú muốn đi gần thì rất khó có nhà xe cho lên...”.
Sau đó chúng tôi cũng lên được xe ôtô khách mang biển số 36B-007.05 để thực hiện cuộc hành trình. Sau một lúc loay hoay tìm chỗ, chúng tôi cũng được nhà xe sắp xếp cho một chỗ ngồi tạm giữa lối đi của xe, bởi tất cả đều đã kín. Được biết, dù xe được chở tối đa 45 hành khách nhưng nhà xe đã đón 52 khách, dọc đường đi, nhà xe còn vẫy để bắt thêm nhiều khách nhưng bị khách trên xe phản đối dữ quá nên thôi.
Sau Tết Nguyên đán vào các ngày chẵn như mồng 6, mồng 8, mồng 10 và đặc biệt là ngày 16 tháng Giêng (người dân quan niệm ngày tốt), tại nhiều điểm như ngã ba Diễn Châu, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Nghi Xuân, Quảng Trạch, Bố Trạch... hàng ngàn hành khách đứng nêm dọc quốc lộ tìm cơ may đón được xe sớm để vào Nam ra Bắc.
Nhiều hành khách đứng chờ gần 15 tiếng đồng hồ vẫn không thể bắt được xe bởi nhà xe hét giá quá cao, hoặc không đủ sức để nhồi nhét trên những chiếc xe cho chặng đường dài. Nhiều người bắt được xe rồi cũng phải xuống vì nhà xe hét giá cao gấp hai, ba ngày thường.
Một xe chở vượt số khách quy định, hành khách bị nêm đầy trong xe không còn chỗ.
Trung tá Trần Đức Dương, Phó trưởng Phòng CSGT Công an Quảng Bình cho biết, chỉ trong 10 ngày sau Tết, đơn vị này đã phát hiện, lập biên bản xử lý 650 trường hợp vi phạm hành chính về TTATGT và xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng. Đơn cử như xe khách mang biển số 37B-011.64 (nhà xe Tựu Phương) do Nguyễn Văn Tịnh, trú tại Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn, Nghệ An điều khiển chạy theo hướng Bắc-Nam.
Qua địa bàn Quảng Bình, lực lượng CSGT đã kiểm tra, phát hiện trên xe chở 69 khách (trong khi xe chỉ được phép chở 43 khách) và không có giấy chứng nhận đăng ký xe. Lái xe đã khai nhận số hành khách nói trên được dồn từ 2 xe vào 1 xe, mặc dù hành khách không đồng ý nhưng nhà xe vẫn cố tình cho dồn xe. Với những hành vi vi phạm nói trên, lái xe và chủ xe đã bị phạt tiền gần 70 triệu đồng, tước giấy phép lái xe người điều khiển phương tiện 60 ngày và tạm giữ phương tiện.
Trong thực tế, hiện nay ở nhiều tỉnh, thành miền Trung xe khách không hề ra đường, ra bến đón khách song xe lúc nào cũng nêm chật hành khách bởi hiện nay rất nhiều làng, xã ở các tỉnh miền Trung có người kinh doanh xe khách, hoặc trước và sau Tết Nguyên đán, họ sang nước bạn Lào thuê xe ôtô khách đem về để chạy Tết.
Lực lượng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình xử lý xe khách vi phạm trên quốc lộ 1A.
Trước và sau Tết Nguyên đán, các nhà xe của làng, của xã thường hợp đồng chở hầu hết hành khách trong làng, xã có nhu cầu vào Nam ra Bắc. Chính vì xe trong xã nên có nhiều khi hàng trăm con em của một xã cũng “nhốt” chung một xe rồi lên đường. Đây chính là một trong những nguyên nhân chở quá số lượng hành khách, đồng thời những năm qua, một số xe khách không may gặp tai nạn thì số hành khách gặp nạn đều ở cùng làng, cùng xã. Và lái xe cũng không chạy quen đường nên tai nạn vẫn thường xảy ra.
Sáng 12-2 (16 tháng Giêng), lực lượng CSGT Công an các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... đã huy động gần 100% quân số cùng phối hợp lực lượng CSGT của Cục CSGT lập nhiều điểm kiểm tra và tuần tra lưu động trên quốc lộ 1A qua địa bàn để xử lý xe khách vi phạm chở quá số hành khách quy định, phóng nhanh vượt ẩu...
Tại một số tỉnh xử lý quyết liệt, ráo riết, nhiều nhà xe đối phó bằng cách “trung chuyển” hành khách. Rất nhiều xe khi xuất phát chở vượt hàng chục hành khách nhưng khi đến điểm kiểm tra của CSGT lại đủ số khách theo quy định.
Sở dĩ có hiện tượng trên là do khi gần đến điểm kiểm tra của CSGT, nhà xe đã tự động cho rất nhiều hành khách xuống đường đứng ở một điểm và chờ đợi.
Khi xe khách qua điểm tuần tra, kiểm soát của CSGT tiếp tục thả số khách còn lại xuống đường và quay đầu xe bốc số khách đã thả xuống trước đó, sau đó tiếp tục chạy và đưa tất cả hành khách lên xe. Hoặc có nhà xe thuê taxi chở khách qua điểm có lực lượng CSGT.
Ngoài ra, một số chủ xe này còn tìm mọi cách để tránh CSGT như việc chạy xuất phát sớm, vào ban đêm hoặc tránh quốc lộ 1A mà chạy theo đường Hồ Chí Minh theo từng chặng. Nhiều xe khách vi phạm khi bị xử lý đều không còn bất kỳ một loại giấy tờ nào liên quan từ đăng kiểm, bằng lái, đăng ký…
Do vậy, mỗi khi bị dừng xe để xử lý, các tài xế thường đưa ra các biên bản vi phạm đã bị phạt trước đó. Do vậy rất khó để CSGT xử lý xe vi phạm vì không còn giấy tờ để giữ. Giữ xe thì việc bố trí đi tiếp cho hành khách không phải tỉnh nào cũng làm được.
Tác giả bài viết: Dương Sông Lam
Nguồn tin: