Trong nước

Nhiều trạm y tế xã "đứng hình"

Trong khi nhiều trạm y tế xã phải hoạt động trong điều kiện xuống cấp thì các trạm y tế xây mới từ nguồn vốn ODA lại thi công dang dở dù thời gian thực hiện đã hết

Dự án nâng cấp cơ sở vật chất ngành y tế tỉnh Quảng Trị sử dụng nguồn vốn ODA do Chính phủ Ý tài trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9-12-2010, thời gian thực hiện đến hết ngày 31-12-2022. Dự án có tổng mức đầu tư gần 74 tỉ đồng (trong đó, vốn ODA do Chính phủ Ý tài trợ là 2 triệu euro, vốn đối ứng hơn 16 tỉ đồng).

Nơi xuống cấp, chỗ dang dở

Dự án gồm 2 hợp phần xây lắp và trang thiết bị, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư. Từ nguồn vốn dự án trên, tỉnh Quảng Trị đã tiến hành đầu tư xây dựng mới 4 trạm y tế thuộc các xã Hải Trường, Hải Chánh, Hải Quy, Hải Xuân (huyện Hải Lăng). Đến nay, chủ đầu tư mới chỉ hoàn thành, bàn giao Trạm Y tế xã Hải Xuân, các công trình còn lại lâm cảnh bất động nên vẫn chưa bàn giao.

Ông Cáp Xuân Tá, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, cho biết địa phương đang phối hợp Sở Y tế tỉnh đôn đốc các nhà thầu triển khai hoàn thành các trạm y tế này để đưa vào hoạt động. "Tuy nhiên, do một số khó khăn, vướng mắc về vốn nên trong một thời gian dài, các công trình này vẫn chưa hoàn thành" - ông Tá nói.

Trạm Y tế xã Hải Trường (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) dừng thi công gần một năm nay khiến việc công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: ĐỨC NGHĨA

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng có nhiều trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực do xây dựng lâu năm nên đang xuống cấp trầm trọng, gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh.

Cụ thể, nhìn vào Phòng khám Đa khoa khu vực Thuận An (phường Thuận An, TP Huế) ai cũng dễ dàng nhận thấy nơi đây khó đáp ứng nhu cầu khám bệnh, bởi ngoài việc nằm giữa khu vực trũng, xung quanh là ao hồ, sình lầy, lau sậy thì cơ sở vật chất đang xuống cấp trầm trọng. Tại huyện miền núi Nam Đông, nhiều trạm y tế xã cũng không khá hơn. Trong đó, Trạm Y tế xã Hương Phú gồm dãy nhà 2 tầng được sơn màu vàng nhưng đã đóng rêu. Trung tâm Y tế huyện Nam Đông có công suất 50 giường bệnh với 2 dãy nhà được đầu tư, xây dựng từ lâu nên đến nay đã xuất hiện tình trạng bong tróc, xuống cấp.

Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 180 trạm y tế nhưng gần một nửa số trạm y tế, cơ sở vật chất đã xuống cấp.

Khó khăn đủ đường

Kế hoạch trong năm 2020 - 2024, từ nguồn ODA các dự án của Bộ Y tế, ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi sẽ xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, đào tạo nguồn nhân lực cho 48 trạm y tế theo mô hình trạm y tế xã điểm của Bộ Y tế nhằm đáp ứng công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Ở Quảng Trị, ông Trương Minh Đông, Chủ tịch UBND xã Hải Trường (huyện Hải Lăng), cho biết trạm y tế xã được khởi công xây dựng vào tháng 7-2020 với quy mô 2 tầng. Việc gần một năm nay công trình "đứng hình" vì thiếu vốn, khiến người dân rất bức xúc. Dù địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay công trình vẫn chưa được hoàn thành, bàn giao để đưa vào hoạt động.

Phòng khám Đa khoa khu vực Thuận An (phường Thuận An, TP Huế) nằm ở vùng chiêm trũng, xuống cấp. Ảnh: QUANG NHẬT

Bác sĩ Lê Thị Tảo, Trưởng Trạm Y tế xã Hải Trường, thông tin để xây dựng trạm y tế mới, đơn vị thi công đã phá dỡ 4 phòng thuộc trạm y tế cũ. Vậy nên, trong khi trạm y tế mới dang dở thì các y - bác sĩ tại đây phải làm việc trong cơ sở tạm rất chật hẹp, không bảo đảm về vệ sinh, không đạt chỉ tiêu về trạm y tế xanh - sạch - đẹp, gây thiệt thòi cho người dân.

Nêu lý do các trạm y tế xã xây dựng dang dở, bác sĩ Trần Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho biết theo hiệp định đã ký về khoản vay ODA được Chính phủ Ý tài trợ, chủ đầu tư không trực tiếp thanh toán cho nhà cung cấp mà phải thông qua Cục Quản lý nợ - Bộ Tài Chính. Nhà tài trợ trực tiếp thanh toán cho nhà cung cấp vì vậy chủ đầu tư không chủ động trong vấn đề giải ngân dẫn đến bị động các kế hoạch hoạt động dự án. Vì vậy, việc thực hiện dự án diễn ra chậm trễ so với kế hoạch đề ra.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện dự án để thực hiện hợp phần trang thiết bị. Đối với hợp phần xây lắp, nên xem xét chấm dứt và bố trí bằng nguồn vốn khác để tiếp tục hoàn thiện, đưa các trạm y tế vào sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân địa phương.

Nhà thầu từ chối thi công

Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, tại huyện Hải Lăng, theo kế hoạch có 7 trạm y tế được xây mới từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Ý tài trợ. Tuy nhiên, hiện tại có 3 trạm y tế thuộc xã Hải Lâm, Hải Sơn và thị trấn Hải Lăng chưa thi công vì nhà thầu từ chối, không thực hiện thi công theo hợp đồng đã ký kết. Lý do các nhà thầu đưa ra là gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, dự toán công trình tăng cao so với thời điểm phê duyệt dự án, một số ngân hàng không phát hành thư bảo lãnh không chấp thuận điều chỉnh... Vì vậy, chủ đầu tư đề xuất không sử dụng vốn ODA của Chính phủ Ý đối với 3 gói thầu này và đưa ra khỏi dự án để sử dụng nguồn vốn khác đầu tư. Đề xuất này đã được UBND tỉnh chấp thuận và trình Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét.

Tác giả: ĐỨC NGHĨA - QUANG TÁM - TỬ TRỰC

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP