Giáo dục

Nhiều học sinh có nguy cơ bỏ học ở Nghệ An: Trường giữ, trò chối, việc làm mời gọi

Ngoài các trường hợp nghỉ học vì tập tục lấy chồng, lấy vợ sớm ở vùng cao, Nghệ An còn có số lượng lớn học sinh nghỉ học để đi làm ở cả bậc THCS và THPT. Dù thầy cô tìm đủ cách giữ chân, nhưng lại vấp phải sự thờ ơ của gia đình học sinh và từ chối từ chính các em.

Trường THCS Sơn Hải là điểm nóng học sinh bỏ học nhiều năm của huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Tìm giải pháp giải quyết triệt để tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng vẫn là bài toán khó khăn cho giáo dục Nghệ An.

Đi giúp việc từ tuổi 14 - 15

Em Nguyễn Khánh L. quyết định bỏ học khi đã lên lớp 9, Trường THCS Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Được người quen giới thiệu đi giúp việc ở thành phố, sau một thời gian, thấy vất vả, L. xin nghỉ rồi làm nhân viên ở quán ăn, nhà hàng. Chẳng bao lâu, cô bé lại “nhảy việc”, hiện đang làm cho một xưởng may tại chợ Ninh Hiệp (Bắc Ninh). Nối gót chị, Nguyễn Như Q. (em gái của L.) năm nay học lớp 8 cũng nghỉ học và đi trông trẻ cho một gia đình ở Cầu Giấy, Hà Nội. Một đứa trẻ mới lớn trông một em bé, không trụ nổi, Q. cũng theo xuống Ninh Hiệp làm nhân viên bán hàng. Hai chị em ở trọ hai nơi khác nhau, thu nhập mỗi người khoảng 4 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt thì gửi về cho mẹ tiết kiệm.

Điều bất ngờ là kinh tế gia đình 2 em ở mức khá giả, bố mẹ chưa đầy 40 tuổi, có chung vốn đóng tàu lớn đánh bắt hải sản xa bờ. Tuy nhiên, với người dân Sơn Hải, những đứa trẻ 14 - 15 tuổi nghỉ học đi làm giúp việc đã trở thành “chuyện thường ngày”, thậm chí là phong trào nhiều năm nay. Hè vừa rồi, Nguyễn Khánh L. về thăm nhà, thầy cô đến động viên em quay lại tham gia khóa bổ túc do nhà trường tổ chức để lấy bằng tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, cô bé lắc đầu: “Nghỉ học rồi, em ngại, không muốn đi học nữa”. Chồng sách vở đã gói lại, xếp ở góc nhà. Còn mẹ của 2 nữ sinh cũng không phản đối: “Con không muốn đi học, thì tôi cũng chịu chứ không biết làm sao”.

Cô Nguyễn Thị Hằng, GV Trường THCS Sơn Hải tâm sự: “Năm nay, lớp 8 tôi chủ nhiệm có 2 nữ sinh nghỉ học. Trước đó, tôi đã nhiều lần đến vận động cả học sinh và phụ huynh nhưng đều không thành công. Buồn nhất là phụ huynh lại không buồn vì con nghỉ học, mà xem là việc bình thường”. Sơn Hải là thị tứ giàu có đời sống kinh tế phát triển ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tuy nhiên, về giáo dục, nơi đây lại là vùng trũng. Trong nhiều năm liên tục, trường THCS của xã này là điểm nóng về tình trạng học sinh bỏ học của huyện Quỳnh Lưu. Đây cũng là trường phổ cập THCS muộn nhất trên địa bàn vào năm 2012.

Giờ ngoại khóa của học sinh Trường THPT Quỳ Hợp 3.

Khi trò từ chối sự giúp đỡ

Cuối năm lớp 11, em Lô H.N. (Trường THPT Quỳ Châu, Nghệ An) bỏ học ra Bắc Ninh xin làm công nhân. Hoàn cảnh gia đình N. hết sức éo le, bố mẹ ly dị nhau khi em còn nhỏ. Sau đó, mẹ em tái hôn, với mong muốn ngôi nhà yên ổn nhờ có thêm người đàn ông trụ cột. Nhưng người này lại thường xuyên say xỉn, khiến cho cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn, vất vả. Bản thân N. mắc bệnh thiếu máu bẩm sinh, cứ vài tháng em lại phải đến bệnh viện truyền máu một lần. Vì vậy, em bỏ học đi làm để phụ giúp mẹ và kiếm tiền chữa bệnh.

Biết hoàn cảnh N., cô Lô Thị Thơ - giáo viên chủ nhiệm đã tìm mọi cách giúp đỡ, khuyên nhủ em tiếp tục đi học. Cô hứa sẽ nuôi N. ăn học trong nhà cho đến hết lớp 12, và kêu gọi ủng hộ cho em chữa bệnh. Cô còn dùng chính câu chuyện của mình, trước kia cũng là một người con dân tộc Thái, hoàn cảnh khó khăn, đã nỗ lực học hành để có ngày hôm nay. Nếu quay lại đi học, thầy cô sẽ dạy bù để em đuổi kịp kiến thức các bạn. Nhưng cô học trò vẫn từ chối, né tránh. “Em ấy không có quyết tâm đi học, chỉ muốn đi làm, nên không chịu về Quỳ Châu nữa”, cô Thơ buồn bã nói.

Sau đợt nghỉ dịch Covid-19, Vi Bá Cường (HS lớp 10C2, Trường THPT Quỳ Hợp 3) cũng bỏ học để ra Bắc Giang làm thêm với bố mẹ. Cô chủ nhiệm Đậu Thị Linh vẫn kiên trì liên lạc, hỏi thăm. Sau một thời gian, thấy làm việc vất vả, Cường xin quay về đi học lại. Các thầy cô giáo vừa dạy học trên lớp, vừa dành thời gian phụ đạo thêm kiến thức cho Cường.

Sau thử thách đi làm sớm, nam sinh thấy được đi học là may mắn nên có ý thức hơn, cuối năm không phải thi lại môn nào. Tuy nhiên, không phải bạn nào cũng dám quay lại trường sau khi nghỉ học. Trong lớp 10C2, có 2 bạn khác cũng nghỉ học, và cắt đứt liên lạc với thầy cô giáo.

Thầy cô Trường THCS Sơn Hải đi vận động học sinh bỏ học quay lại học bổ túc văn hóa.

Nỗ lực giữ chân học trò

Những năm qua, công tác duy trì sĩ số học sinh luôn được ngành Giáo dục Nghệ An coi là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 học sinh bỏ học, tập trung ở bậc THCS và THPT. Những em này chủ yếu ở vùng cao hoặc ven biển, hoàn cảnh gia đình khó khăn, học lực yếu, chán học.

Thầy Trần Thành Vinh – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết, địa phương có truyền thống ngư nghiệp, trước đây nhiều nam sinh nghỉ học với lý do “sớm muộn gì cũng đi biển kiếm tiền, không cần học”. Nhưng hiện nay, muốn lên tàu làm việc phải có chứng chỉ thuyền viên nên các em có ý thức học hết THCS để học nghề.

Cùng với nỗ lực của cả nhà trường lẫn chính quyền địa phương, tình trạng học sinh bỏ học đã giảm đáng kể. Năm học 2019 - 2020, chỉ có 6 học sinh bỏ học ở cả 4 khối. Nhưng đối tượng nghỉ học lại chuyển sang nữ, do chính gia đình không quan tâm đến việc học, bản thân các em học kém, chán nản, đua theo chúng bạn đi làm sớm kiếm tiền.

Nhiều năm làm quản lý tại trường có hơn 80% học sinh DTTS, thầy Nguyễn Minh Đạt - Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 (huyện Quỳ Hợp) rút kinh nghiệm, để hạn chế học sinh nghỉ học, quan trọng nhất là xác định mục tiêu học tập cho các em.

“Nếu chỉ nói chung chung học để có tương lai tốt đẹp, thì không thể nào thuyết phục được học trò miền núi. Thay vào đó, chúng tôi chủ động phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh từ năm lớp 10. Trước đây, nhà trường còn phối hợp với một số trường trung cấp dạy nghề, dạy tiếng Hàn, Trung, Nhật… miễn phí cho các em có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Từ đó, giúp các em có mục đích, động lực tiếp tục việc học đến hết lớp 12”, thầy Đạt nói.

Những năm gần đây, Nghệ An cũng triển khai mạnh mẽ mô hình trường nội trú hoặc bán trú, như một giải pháp hiệu quả hạn chế tình trạng học sinh bỏ học vì nhà xa. Hiện toàn tỉnh có 8 trường phổ thông DTNT. Bên cạnh đó, có 33 trường phổ thông dân tộc bán trú với gần 7.000 HS ở trong trường đi học; 84 trường tiểu học, THCS, PTCS có học sinh dân tộc bán trú với số lượng hơn 5.000 em.

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, tình trạng học sinh bỏ học là khó khăn lớn của ngành Giáo dục, đặc biệt là ở các huyện vùng cao. Để giải quyết tình trạng này, trước mắt cần phải tăng cường trường nội trú, bán trú để quản lý, quan tâm nắm bắt hoàn cảnh, tâm lý học sinh.

Đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, lực lượng an ninh, biên phòng. Về phía các nhà trường, đặc biệt là khối THCS, THPT, phải đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp, định hướng thiết thực cho từng đối tượng học sinh. Quan trọng nhất là trang bị kiến thức, kỹ năng và khơi dậy mục tiêu, ý thức để các em theo đuổi việc học đến cùng.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP