Đối với các cơ sở chế biến tinh bột sắn, nước thải và bã sắn là 2 chất thải chính phát sinh trong quá trình sản xuất, nếu không được xử lý tốt thì dễ trở thành “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường. Bởi nước thải sinh ra từ dây chuyền sản xuất tinh bột sắn có các thông số đặc trưng: pH thấp, hàm lượng chất hữu cơ và vô cơ cao, thể hiện qua hàm lượng chất rắn lơ lửng (SS), TSS rất cao, các chất dinh dưỡng chứa N, P, các chỉ số về nhu cầu oxy sinh học (BOD5), nhu cầu oxy hoá học (COD),… với nồng độ rất cao.
Ngoài ra, chất thải rắn từ vỏ sắn, bã rắn thải ra gây mùi hôi, làm không khí ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân xung quanh các dự án. Để giải quyết nguồn thải bã sắn, ngay giai đoạn đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột sắn, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn (thuộc Công ty TNHH Chế biến nông sản Hoa Sơn) đã đầu tư song song một dây chuyền sấy khô bã sắn.
Bã sắn được thải ra từ dây chuyền sản xuất tinh bột sắn được dẫn vào hệ thống băng chuyền khép kín đưa thẳng vào lò sấy nên bã sắn này không tiếp xúc với môi trường bên ngoài gây ra mùi hôi thối khó chịu như ở một số các cơ sở sản xuất chế biến tinh bột sắn chưa được đầu tư hệ thống sấy bã này.
Doanh nghiệp đã đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học của Mỹ với công suất xử lý 2.000m3/ngày đêm, với kinh phí hệ thống xử lý nước thải là 67 tỷ đồng, chiếm gần 28% của tổng dự án sản xuất. Theo đó, nước thải trong quá trình sản xuất tinh bột sắn được dẫn về hồ chứa đệm và chuyển vào bể bioga (qua hệ thống ống khép kín) để phân hủy các chất trong nước thải nhờ các vi sinh vật trong điều kiện không có ô xy; chuyển sang hồ xử lý sinh học rồi chảy vào hồ chứa.
Theo ông Nguyễn Văn Giang - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản Hoa Sơn: “Hiện tại, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy hoạt động đảm bảo chất lượng và thông qua các đợt kiểm tra của các cơ quan chức năng đều đảm bảo đạt tiêu chuẩn nước thải loại A theo tiêu chuẩn QCVN 40/2011”.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Giang, trên cơ sở chiến lược mở rộng dây chuyền sản xuất với lượng nước thải ra nhiều hơn; đồng thời áp dụng công nghệ chế biến biến tính, chế biến sâu các sản phẩm từ tinh bột sắn và đáp ứng yêu cầu thị trường Nhật Bản, Australia với việc đòi hỏi chất lượng nguồn nước đầu vào tốt, chứ không phải là nước tái tuần hoàn như hiện tại của nhà máy, hiện doanh nghiệp đang làm các thủ tục để UBND tỉnh phê duyệt cho phép xả thải 50% lượng nước ra môi trường. Khi UBND tỉnh chấp thuận, thì doanh nghiệp sẽ tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và áp dụng các biện pháp BVMT khác theo quy định.
Một điển hình khác, Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An đi vào hoạt động đến nay hơn 10 năm tại địa bàn phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò. Đây là doanh nghiệp có ý thức chấp hành các quy định cũng như áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường được các cơ quan chức năng, xã hội và nhân dân ghi nhận. Ông Tạ Minh Phương - Giám đốc kỹ thuật nhà máy cho rằng: Vinamilk sản xuất trên nguyên tắc phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Bởi vậy, ngoài đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học của Sigapore ngay từ ban đầu đi vào sản xuất, hàng năm, doanh nghiệp còn trích kinh phí 1 tỷ đồng để vận hành hệ thống xử lý nước thải hoạt động liên tục 24h/ngày, nước thải đảm bảo đạt chuẩn loại A khi thải ra môi trường. Nhà máy cũng đã chuyển sang sử dụng năng lượng hơi đốt tái tạo thay bằng lò đốt bằng hóa thạch; thu gom và xử lý một số chất thải nguy hại, gồm bóng đèn, ắc quy, dầu mỡ trong bảo quản máy..., được thực hiện theo đúng quy trình. Trong khuôn viên nhà máy được trồng hệ thống cây xanh và hoa, tạo môi trường thân thiện và trong lành.
Cần giám sát thường xuyên, chặt chẽ
Bên cạnh số rất ít doanh nghiệp có ý thức tốt trong việc chấp hành các quy định về BVMT như 2 doanh nghiệp nêu trên thì vẫn đang còn nhiều doanh nghiệp còn quá chú trọng về mặt lợi nhuận mà ít quan tâm đến trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng trong vấn đề BVMT.
Theo Khoản 2, Điều 27 của Luật BVMT năm 2014 và Khoản 6, Điều 16, Điều 17 của Nghị định 18/2015/NĐ-CP; Thông tư 27/2015/TT-BTNMT, quy định trách nhiệm của chủ đầu tư trước khi đưa dự án vào vận hành phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT mới được vận hành dự án.
Tuy nhiên, theo báo cáo từ phía Chi cục BVMT tỉnh, cho thấy, việc cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT cho các dự án lớn, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, thuộc đối tượng phải làm báo cáo xác nhận hoàn thành công trình BVMT theo quy định trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Tình trạng này rơi vào ở cả loại hình doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp như bệnh viện, các bãi rác. Riêng loại hình doanh nghiệp cũng đa dạng các lĩnh vực như các cơ sở sản xuất gạch nung; khai thác đá và kim loại; chế biến tinh bột sắn; sản xuất bia - đường; các trang trại chăn nuôi lợn...
Cụ thể, hiện tại nhiều doanh nghiệp đi vào hoạt động nhưng chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho dự án, như: Nhà máy Gạch ngói Tuynel, công suất 20 triệu viên/năm của Công ty TNHH Hoàng Nguyên (xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc); Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Yên Thành; Dự án khai thác thiếc của Công ty CP Khoáng sản Thành Châu (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp); Dự án khai thác đá của Công ty CP Khoáng sản Nghệ An (xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương); trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Phương Huy (xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn); trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Phát triển nông nghiệp Xanh (xã Nghi Công, huyện Nghi Lộc)...
Nguyên nhân của tồn tại này là do nhận thức của chủ đầu tư trong công tác BVMT còn hạn chế, dẫn đến có nhiều dự án đi vào vận hành mà chưa có các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường hoặc có nhưng không đạt yêu cầu các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; chưa lập hồ sơ báo cáo hoàn thành công trình bảo vệ môi trường gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Khu kinh tế Đông Nam để được kiểm tra, xem xét và cấp giấy xác nhận.
Mặc dù, cơ quan chức năng đã chủ động thanh, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ dự án thực hiện, song nhiều dự án vẫn không lập hồ sơ để được kiểm tra, xác nhận. Đối với công tác đăng ký xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường nay là kế hoạch bảo vệ môi trường do UBND cấp huyện xác nhận; bên cạnh ý thức của chủ đầu tư chưa cao thì hiện tại, ở một số huyện chưa có cán bộ môi trường chuyên trách, do vậy việc xác nhận nội dung kế hoạch chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
Để khắc phục thực trạng nêu trên, bà Nguyễn Thị Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh, cho rằng: Trước hết, phải bắt đầu từ ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc tự giác chấp hành đầy đủ các điều kiện, yêu cầu BVMT mà luật pháp quy định khi đi vào hoạt động, trong đó có việc làm thủ tục để được cơ quan chức năng xác nhận hồ sơ hoàn thiện các công trình BVMT trước khi đi vào vận hành sản xuất. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, gắn với đó là tăng cường xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư chưa lập hồ sơ và chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT mà đã đưa dự án vào hoạt động chính thức.
Nguồn: Báo Nghệ An