Trong nước

Nhiều cán bộ cơ quan Quốc hội từ trưởng xuống phó 'tự nguyện, không phải vận động'

Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho hay nhiều cán bộ cơ quan Quốc hội từ trưởng xuống phó 'tự nguyện, không phải vận động'.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên - Ảnh: GIA HÂN

Tại cuộc họp báo về kết quả kỳ họp Quốc hội sáng 19-2, phóng viên đặt câu hỏi trong quá trình sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, một số cán bộ từ cấp trưởng xuống cấp phó. Trong quá trình đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phải vận động, làm công tác tư tưởng để tạo đồng thuận với họ không?

Xác định tư tưởng và tự nguyện thực hiện

Trả lời câu hỏi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho biết tinh gọn tổ chức bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả được Đảng, Nhà nước xác định là cuộc cách mạng.

"Là cuộc cách mạng nên trong quá trình thực hiện đòi hỏi phải có sự hy sinh và một số từ cấp trưởng xuống cấp phó. Các cán bộ, đảng viên này xác định tinh thần là chấp nhận sự hy sinh đó vì sự phát triển chung của xã hội, vì vậy, xác định tư tưởng và tự nguyện thực hiện.

Vì thế Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải vận động gì trong việc này", bà Yên khẳng định.

Liên quan chế độ với cán bộ, công chức trong quá trình sắp xếp bộ máy, bà Yên cho hay Chính phủ đã ban hành nghị định 178 quy định nội dung trên.

Theo đó, thứ nhất cán bộ, công chức trong trường hợp tiếp tục công tác có thể tiếp tục vị trí cũ nếu vị trí này cần thiết.

Thứ hai, chuyển sang vị trí công tác khác phù hợp với năng lực, vị trí việc làm.

Thứ ba, chuyển công tác sang cơ quan khác trong cùng hệ thống hoặc các cơ quan khác có nhu cầu. Thứ tư, thực hiện nghỉ hưu trước tuổi, tinh giản biên chế hoặc nghỉ việc nếu không sắp xếp được vị trí phù hợp.

Chế độ chính sách với những cán bộ này được thực hiện theo nghị định 178, trong đó có những trường hợp được hưởng lương hưu sớm mà không bị trừ tỉ lệ đóng BHXH.

Trường hợp khác có thể chuyển công tác phù hợp, được đào tạo lại phù hợp với vị trí mới. Trường hợp không sắp xếp công việc mới, cán bộ, công chức có thể thôi việc và được hỗ trợ gồm trợ cấp thôi việc, hỗ trợ tìm việc...

Ủy viên là đại biểu hoạt động chuyên trách được giữ nguyên chế độ, hệ số phụ cấp, chức vụ

Phóng viên cũng nêu tại Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi đã không quy định về chức danh Ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách các Ủy ban của Quốc hội. Thay vào đó, quy định về các ủy viên là đại biểu hoạt động chuyên trách và ủy viên là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm tại các ủy ban. Như vậy chế độ, chính sách của các chức danh này sẽ được thực hiện như thế nào?

Trả lời nội dung này, bà Tạ Thị Yên cho biết Luật Tổ chức Quốc hội trước đây quy định Hội đồng dân tộc gồm có chủ tịch, các phó chủ tịch, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách và các ủy viên khác. Ủy ban của Quốc hội gồm có chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách và các ủy viên khác.

Còn Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi mới được thông qua quy định Hội đồng dân tộc gồm có chủ tịch, các phó chủ tịch, các ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng dân tộc và ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của Hội đồng dân tộc.

Ủy ban của Quốc hội gồm có chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm, các ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại ủy ban và ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của ủy ban.

Hôm qua (18-2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phê chuẩn danh sách các phó chủ nhiệm, ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của 6 ủy ban mới thành lập.

"Số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của các ủy ban vẫn giữ nguyên như vậy, không ảnh hưởng đến hoạt động của các ủy ban, đại biểu.

Đối với chế độ, chính sách, quyền lợi theo nghị định 178 của Chính phủ quy định, trước mắt từ nay đến hết nhiệm kỳ, ủy viên là đại biểu hoạt động chuyên trách sẽ được giữ nguyên các chế độ, hệ số phụ cấp, chức vụ.

Đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI sẽ thực hiện chung, thống nhất trong hệ thống thống nhất theo quy định của Đảng, Nhà nước", bà Yên nêu rõ.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng - Ảnh: GIA HÂN

Trao đổi thêm sau đó, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng nêu rõ các nghị quyết về sắp xếp bộ máy đã được cơ quan Chính phủ, Quốc hội "nung nấu" từ lâu, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Về tinh giản bộ máy thì thực hiện việc giám sát thế nào, ông Tùng nói việc giám sát của Quốc hội được quan tâm rất lớn. Ban chỉ đạo Trung ương đồng ý nâng cấp từ Ban Dân nguyện thêm chức năng giám sát, để ngày càng mạnh hơn.

Về chính sách với cán bộ khi sắp xếp tinh gọn, ông Tùng nói cũng tương tự các cơ quan trong hệ thống chính trị, Chính phủ, Nhà nước.

Theo ông Tùng, cơ bản khó khăn vướng mắc liên quan đến sắp xếp đang giải quyết.

"Cố gắng sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức làm sao thế nào để tối ưu hóa theo chức năng, vị trí, công việc. Các quyền lợi cũng cố gắng đảm bảo.

Không có vận động, việc nọ việc kia, để đảm bảo trên nguyên tắc theo tinh thần tự nguyện và theo chức năng nhiệm vụ để đảm bảo công việc liên tục, không bị gián đoạn sau sắp xếp", ông Tùng nêu.

Tác giả: Thành Chung

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP