Trong tỉnh

Nhà thầu “ì ạch”, cô trò chật vật học trường cũ xuống cấp

Mặc dù đã quá hạn thi công nhưng nhà thầu vẫn chưa hoàn thành dãy nhà mới, khiến cho cô trò vẫn phải “tận dụng” những căn phòng cũ xuống cấp để dạy học.

Trường học gần chục tỷ xây 2 năm vẫn chưa xong

Sắp đến ngày tựu trường, cô Hoàng Thị Xuân, Hiệu trưởng trường Mầm non Thu Thủy, Tx. Cửa Lò, tỉnh Nghệ An vừa phải tất bật tổ chức dọn dẹp, chuẩn bị đồ dùng cho năm học mới, lại phải đi liên hệ với đơn vị thi công để hỏi về tiến độ khi hơn 1 tuần nay không thấy công nhân đến triển khai xây phòng học.

“Chúng tôi đề xuất nhiều lắm rồi nhưng không hiểu sao đơn vị thi công chẳng chịu làm, cách vài ngày mới có một tốp thợ đến, với tiến độ như thế này không biết khi nào cô trò mới được vào phòng học mới nữa”, cô Xuân bức xúc.

Năm học 2023 – 2024, trường Mầm non Thu Thủy dự kiến sẽ có 305 học sinh.

Trước đó, vào tháng 6/2021, do cơ sở trường đã xuống cấp nên dự án xây dựng nhà học 2 tầng 6 phòng và cải tạo nhà học 2 tầng trường Mầm non Thu Thủy được phê duyệt với tổng số vốn hơn 9 tỷ đồng do UBND phường Thu Thủy làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty CP xây dựng công trình Quang Vinh (đóng tại Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An).

Cô Hiệu trưởng trường Mầm non Thu Thủy cho biết, theo quyết định thì tiến độ thi công trong vòng 24 tháng, đến nay đã hơn 2 năm trôi qua nhưng mới xây dựng xong phần thô của tầng 1.

“Thời điểm nghe tin trường sẽ được sửa chữa, cải tạo và xây thêm 6 phòng, cô trò rất vui mừng. Thế nhưng chờ mãi đơn vị thi công chẳng hề đến làm, thỉnh thoảng triển khai một ít rồi lại dừng, hỏi thì họ bảo không có tiền nên không làm”, cô Xuân thông tin.

Mới đây, sau nhiều lần liên tục kiến nghị, vào tháng 6/2023, đơn vị thi công cũng đã tập kết vật liệu, huy động công nhân vào xây dựng. Chỉ trong vòng 2 tháng, tầng 1 của dãy nhà đã hoàn thành, vì vậy cô trò nghĩ rằng chỉ thời gian ngắn nữa sẽ xong, nhưng không ngờ rằng sau khi đổ sàn tầng 2 thì nhà thầu lại dừng, không thi công nữa.

“Còn mấy ngày nữa là chúng tôi đón học sinh mà giờ công trình đang xây dựng bỏ dở, để lại cảnh nhếch nhác. Vật liệu xây dựng ngổn ngang trong khuôn viên nhà trường. Học sinh còn nhỏ tuổi, lại hiếu động, vào năm học chúng tôi lại lo sợ an toàn”, cô Xuân nói.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay dãy nhà 2 tầng 6 phòng vẫn chưa xây xong dù được phê duyệt cách đây hơn 2 năm.


Năm học 2023 – 2024, trường Mầm non Thu Thủy có 24 giáo viên, dự kiến 305 học sinh. Hiện, ban giám hiệu nhà trường còn đang bàn phương án về việc bố trí phòng học cho học sinh. Tuy nhiên, các phòng hiệu vụ đã xuống cấp và hư hỏng, khu vực vui chơi của học sinh cũng bị thu hẹp do công trình dở dang, vì vậy gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai các chương trình học trong năm.

Có mặt tại trường, theo quan sát, phóng viên ghi nhận công trình chỉ mới xây dựng xong phần thô của tầng 1, chưa xây lên tầng 2, vì vậy cũng chưa được sơn vữa, ốp gạch. Hệ thống giàn giáo phục vụ cho việc xây dựng vẫn chưa tháo dỡ; các thiết bị, vật dụng thi công nằm ngổn ngang.

Lý giải về việc chậm trễ trong công tác thi công, ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND phường Thu Thủy, chủ đầu tư dự án cho biết, nguyên nhân là do thiếu vốn. “Hiện, chúng tôi chưa bố trí được nguồn vốn nên nhà thầu thi công dàn trải, tuy nhiên cố gắng trong năm nay sẽ xong. Ngoài ra, phường sẽ bàn với trường để thu xếp cho các em học sinh, không để tình trạng thiếu phòng học”, ông Hải nói.

Các trường học tăng tốc hoàn thiện cơ sở vật chất trước năm học mới

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, năm học 2023 – 2024, ngành Giáo dục Nghệ An gặp nhiều khó khăn khi số lượng học sinh tăng đột biến với hơn 26.000 em, tương đương với 540 lớp học.

Điều này còn có nghĩa, nhu cầu trường lớp tăng hơn nhiều so với năm học trước. Tuy rằng cho đến thời điểm này, dù các nhà trường đều cố gắng bố trí đủ phòng học cho học sinh, nhưng điều kiện dạy học vẫn chưa đảm bảo.

Hiện, ở bậc mầm non, số phòng học kiên cố chỉ đạt 78,3%; cấp tiểu học đạt 97,2%, cấp THCS đạt 92,7%, cấp THPT đạt 96% và cấp GDTX chỉ mới đạt 89,2%. Toàn tỉnh vẫn đang còn 996 điểm trường lẻ. Vì vậy, thời gian tới, việc đảm bảo nguồn lực tài chính để đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học là điều hết sức quan trọng.

Trường THCS Nghi Công, huyện Nghi Lộc cũng đang được sửa chữa, cải tạo nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện dù chỉ hơn 3 ngày nữa là tựu trường.

Đơn cử, toàn huyện Yên Thành có 118 trường học ở cả 4 cấp học với hơn 74.000 học sinh. Bước sang năm học 2023 – 2024, số học sinh trên địa bàn tăng nhanh với 38 lớp và hơn 1.700 học sinh. Điều này gây áp lực không nhỏ đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho các nhà trường.

Ông Lê Đình Cẩn, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thành cho biết: "Trước thềm năm học mới, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường rà soát bổ sung cơ sở vật chất, đặc biệt là các phòng học và phòng chức năng. Hiện đang có 19 trường đang xây dựng và dự kiến có 222 phòng học mới sẽ đưa vào sử dụng”.

Trường THCS Thanh Chi, huyện Thanh Chương cũng được xây mới để đáp ứng nhu cầu học tại nơi đây.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, ngành sẽ triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách đảm bảo nguồn lực cho giáo dục trên địa bàn, tranh thủ tối đa nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện các kế hoạch, đề án đã được UBND ban hành. Tranh thủ tối đa các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia được phân bổ cho địa phương trong ưu tiên phát triển giáo dục.

Bên cạnh đó, ngành sẽ phối hợp với chính quyền địa phương các cấp chuẩn bị bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu, đảm bảo yêu cầu năm học mới với quy mô học sinh các cấp học tăng và nhiệm vụ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Huy động sức mạnh hệ thống chính trị và sự đồng hành của cha mẹ học sinh trong công tác vận động xã hội hóa giáo dục đảm bảo quy trình, thủ tục công khai, minh bạch, tự nguyện và quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích…

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP