Thể thao

Nhà tài trợ "chia tay" sớm HAGL: Cơn sốt qua rồi

Chỉ là một thông tin nho nhỏ trong dòng chảy bóng đá cuồn cuộn và bộn bề, nhưng để lại những suy nghĩ không nhỏ chút nào, khi một "nhà tài trợ hứa hẹn" quyết định chia tay một lứa "cầu thủ hứa hẹn" trước thời hạn 2 năm.

Còn nhớ 2 năm trước, khi lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG trình làng, và gây sốt trong màu áo Đội tuyển U.19 Việt Nam thì nhà tài trợ ấy đã nhanh chóng vào cuộc.

Họ đổ tiền vào đội bóng, mang đến những chuyên gia dinh dưỡng để hướng đạo các cầu thủ trong từng bữa ăn, và tổ chức hẳn một giải quốc tế U.19 qui mô lớn.

Giải đấu ấy có những đội U.19 của Anh, của Italia, Đội tuyển U.19 Nhật Bản, và những trận đấu ở giải đấu ấy đều làm "sướng con mắt" hàng vạn khán giả ngồi chật kín sân Thống Nhất.

Với sự thành công mĩ mãn của giải, nhà tài trợ hứa hẹn giải U.19 quốc tế này sẽ trở thành một giải đấu định kỳ hằng năm, nhưng trên thực tế nó chỉ diễn ra đúng 1 năm rồi...mất hút.

Đổi lại những lợi ích mà nhà tài trợ mang đến cho đội bóng. những "nhân vật gây sốt" của đội bóng như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh...cũng phải thực hiện hàng loạt động thái, hàng loạt chương trình phục vụ cho việc quảng bá thương hiệu nhà tài trợ.

Trong đó đáng nói nhất là ngày khai giảng năm học mới, chiếc áo sơ mi màu trắng của những cầu thủ này cũng không phải là chiếc sơ mi bình thường như bao nhiêu bạn bè đồng trang lứa khác, mà là những chiếc sơ mi được in logo nhà tài trợ.

Khi ấy, nhiều người đặt câu hỏi: Đến ngay cả việc học hành- cái việc cần sự trong trẻo hơn bất cứ lĩnh vực nào khác mà các cầu thủ còn phải thực hiện...nhiệm vụ quảng cáo như vậy thì không hiểu họ có phát triển bình thường, lành lặn được không?



Nhưng việc các cầu thủ được "dùng" vào mục đích của nhà tài trợ không chỉ diễn ra một cách đơn lẻ, với một thương hiệu cụ thể, mà cảm giác như đã diễn ra với cả một hệ thống lớp lang.

Bằng chứng là trong từng bữa ăn, từng buổi tập của họ, bất luận ở Việt Nam hay châu Âu cũng đều được chính những người trong cuộc "bật đèn xanh" cho giới phóng viên đưa tin, quảng bá.

Nỗi buồn Công Phượng tại giải U.21 quốc tế báo Thanh Niên. Ảnh: H.M.

V.League 2015, khi lứa cầu thủ này mới chỉ giành được chiến thắng đầu tiên, ở vòng đấu đầu tiên thì một bộ phận không nhỏ giới truyền thông cũng không ngại tô vẽ, tung hô họ cứ như thể họ vừa...đoạt ngôi vô địch.

Việc đẩy các cầu thủ lên quá cao (và có chủ đích) ấy có thể giúp ai đó đạt được mục đích quảng bá, nhưng ở góc độ tâm lý lứa tuổi và chuyên môn bóng đá thì không thể tạo ra những phát triển như mong muốn.

Rồi ngay cả việc Công Phượng, Tuấn Anh sang Nhật, mặc dù những người trong cuộc thoạt đầu cố tố vẽ là "họ sang Nhật vì lý do chuyên môn" thì ai cũng hiểu đó là những hợp đồng mang tính thương mại, thương hiệu rõ ràng.

Ngay trong ngày CLB Nhật họp báo, chính thức công bố hợp đồng với Công Phượng thì một lãnh đạo địa phương nơi CLB này đóng quân cũng chẳng ngại ngửa bài: Chúng tôi hy vọng, với việc Công Phượng đến đây thi đấu, người Việt Nam sẽ đến địa phương chúng tôi vô địch nhiều hơn.

Nhìn lại suốt 2 năm qua, sẽ là "ác miệng" nếu bảo lứa cầu thủ này không phát triển, học hỏi được gì nhiều. Nhưng sẽ không sai nếu bảo, đấy là 2 năm mà song song với việc tu luyện chuyên môn họ đã phải "gánh" quá nhiều nhiệm vụ khác ngoài chuyên môn.

Bây giờ, khi cơn sốt về họ đã đi qua, khi "nhà tài trợ ruột" - "nhà tài trợ đầy hứa hẹn" một thời đã rút nhanh, rút êm, rút không thương tiếc thì cũng là lúc họ cần nhìn lại quãng đường đã đi của mình.

Nhìn lại không phải để than trách hay tiếc nuối, mà để rút cho mình những kinh nghiệm quý báu cho chặng đường sắp tới. Nói gì thì nói, đã là cầu thủ thì nhiệm vụ đá bóng, phát triển nghề nghiệp vẫn luôn phải là nhiệm vụ hàng đầu.

Cần tính toán hợp lý

Với các nhà tài trợ, khi đổ tiền vào bóng đá nói riêng và các hoạt động thể thao nói chung, dĩ nhiên vấn đề lợi ích luôn được đặt lên hàng đầu. Thế nên khi thấy lợi ích của mình bị ảnh hưởng, việc họ tìm cách rút chân cũng là chuyện bình thường, khó tránh.

Chẳng riêng gì Hoàng Anh Gia Lai, nhiều đội bóng V.League trước đây cũng phải chịu chung tình cảnh này. Vấn đề nằm ở chỗ, trong chiến lược phát triển đội bóng, có lẽ nhiệm vụ rèn luyện chuyên môn cầu thủ và nhiệm vụ phục vụ nhà tài trợ cần được tính toán một cách hợp lý, thay vì để mọi thứ diễn ra một cách quá tả, mất cân bằng.

Ngọc Anh

Tác giả bài viết: Diệp Xưa

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP