Giá trung bình của toàn bộ 21 Cục, Chi cục dự trữ mua gạo ngày 12/5 dao động từ 11.000 đồng/kg đến hơn 12.100 đồng/kg. Mức giá này cao hơn so với giá đấu thầu mua gạo ngày 12/3, trung bình chỉ từ 9.800 đồng đến hơn 10.000 đồng/kg.
Giá thầu mua gạo lần 2 cao hơn hẳn so với lần 1 trước đó 2 tháng, ngân sách Nhà nước phải bỏ thêm hàng trăm tỷ đồng |
Với việc phải mua thêm 182.300 tấn gạo trong nhiệm vụ mua 190.000 tấn của Chính phủ giao, số tiền ngân sách bỏ thêm ra để thầu mua gạo lần 2 sẽ vào khoảng từ 200 đến gần 270 tỷ đồng.
Theo quy định của Luật giá, Luật Dự trữ quốc gia và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định, hàng dự trữ quốc gia thuộc danh mục Nhà nước định giá tối đa, hoặc giá tối thiểu. Tổng cục Dự trữ Nhà nước quyết định mức giá cụ thể theo giá thị trường tại thời điểm và từng địa bàn khi mua hàng dự trữ và không được cao hơn so với giá mua tối đa được Bộ Tài chính quyết định.
Gạo mua nhập kho dự trữ là mặt hàng lương thực mang tính thời vụ, giá gạo phụ thuộc nhiều vào tình hình cung cầu trên thị trường và thời vụ thu hoạch. Do đó, để đảm bảo việc quy định giá sát với giá thị trường tại thời điểm mở thầu ngày 12/5, ngày 11/5, Bộ Tài chính đã quyết định giá mua tối đa và cùng ngày Tổng cục đã quyết định giá gói thầu cho từng Cục dự trữ khu vực với mức giá bằng với giá mua tối đa của Bộ Tài chính quy định, phù hợp với giá đề nghị của các Cục dự trữ khu vực,
Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, giá đấu thầu đưa ra của cơ quan dự trữ không thuộc bí mật quốc gia. Do đó, ngay sau khi Tổng cục quyết định giá gói thầu mua gạo, Tổng cục đã ban hành, gửi tất cả các Cự Dự trữ trong ngày 11/5 để kịp mở thầu ngày 12/5.
Giá gạo thầu đợt 2 ngày 12/5 |
Văn bản của Tổng cục Dự trữ Quốc gia cho biết, giá đấu thầu mua gạo của các Cục và Chi cục dao động từ 11.000 đồng/kg đến 12.100 đồng/kg. Giá thầu mua gạo cao nhất thuộc về Chi cục Dự trữ Nhà nước Điện Biên với giá thầu hơn 12.100 đồng/kg và thấp nhất là các Cục Dự trữ Nhà nước tại Cửu Long và Tây Nam Bộ với 11.000 đồng/kg.
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc mở thầu hơn 9.000 tấn gạo, đơn giá 11.400 đồng/kg, so với giá thầu ngày 12/3 (hơn 9.800 đồng/kg), mỗi kg gạo mua bổ sung đợt 2, Nhà nước phải chi thêm 1.582 đồng, ngân sách phải bỏ thêm hơn 14,3 tỷ đồng cho mở thầu mua đợt hai tại Cực Dự trữ Hà Bắc.
Tương tự, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Bắc cũng mua 9.200 tấn gạo dự trữ, giá tăng, ngân sách Nhà nước cũng phải bỏ thêm hàng chục tỷ đồng.
Ngoài ra, theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, báo cáo của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội về kết quả mở thầu ngày 12/5/2020, có 04 doanh nghiệp ngày 12/3 đã trúng thầu bán gạo nhưng hủy ngang, không bán gạo cho Dự trữ Nhà nước lại có tên trong danh sách thầu gạo lần thứ 2.
Danh tính doanh nghiệp này gồm: Công ty Cổ phần Lương thực Hà Tĩnh, Công ty TNHH Thương mại Chương Tho, Công ty Cổ phần Thương mại Minh Khai, Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam
Trả lời câu hỏi liệu sau đợt đấu thầu lần 2, nếu doanh nghiệp trúng thầu tiếp tục không ký hợp đồng, cơ quan dự trữ sẽ xử lý như thế nào? Có cấm thầu trong tương lai hay không?
Tổng cục Dự trữ Nhà nước khẳng định, theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015, Luật Dự trữ quốc gia năm 2012 và Luật Đấu thầu năm 2013, trường hợp doanh nghiệp trúng thầu không tới ký hợp đồng, biện pháp xử lý là thu bảo đảm thầu theo mức từ 1,5% đến 3% giá gói thầu tùy theo quy mô từng gói thầu.
Trường hợp đã ký hợp đồng, không thực hiện hoặc có thực hiện mà không giao đúng, đủ, thì bị tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng hoặc chịu phạt tối đa 8% giá trị không thực hiện.
Theo Thông tư 05/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà thầu sẽ bị loại khi đánh giá năng lực kinh nghiệm trong thời gian 3-5 năm.
Về lâu dài, đề xuất cần sửa Luật Đấu thầu bổ sung các chế tài khác để ràng buộc hơn với các nhà thầu khi tham gia đấu thầu không riêng chỉ mua gạo mà còn nhiều lĩnh vực khác.
Tác giả: An Linh
Nguồn tin: Báo Dân trí