► Gộp Tết tây với Tết ta: Chúng ta chọn phát triển hay chỉ quanh quẩn với vài nước láng giềng?
► GS Võ Tòng Xuân: Chúng ta sẽ ăn Tết cổ truyền theo lịch dương như Nhật Bản
Loạt bài gộp Tết ta vào Tết tây được đăng tải trên VTC News đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhà giáo Phạm Toàn cũng đã lên tiến ủng hộ quan điểm gộp Tết ta vào Tết Dương lịch và ăn Tết theo Dương lịch.
Nhà giáo Phạm Toàn (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Ông Toàn cho rằng việc gộp ăn Tết còn giúp hạn chế nhiều điều tiêu cực trong xã hội như nạn biếu xén, rượu chè, cờ bạc, tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, những dư âm của Tết Việt rất tệ và gây ra nhiều hệ luỵ không tốt.
Trong khi đó năng suất lao động của người Việt thuộc loại thấp nhất thế giới.
“Người ta lợi dụng Tết cổ truyền để làm lắm điều nhố nhăng. Tết ta chỉ phù hợp với một dân tộc làm nông nghiệp. Dân tộc ta là dân tộc nông nghiệp nhưng bây giờ đang cần phải công nghiệp hoá nền nông nghiệp và đang phải “tẩy não” tư tưởng tiểu nông”, nhà giáo Phạm Toàn nói.
Vì thế, ông Toàn cho rằng nên chơi Tết theo cách khác, nghỉ ngơi theo cách khác chứ không phải chơi và nghỉ ngơi theo lối Tết ta với suy nghĩ “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
“Trong khi ở mình Tháng Giêng là tháng ăn chơi thì ở các nước công nghiệp hoá, người ta phải làm cả đêm cả ngày”, nhà giáo Phạm Toàn nhấn mạnh.
Nhà giáo này cũng không đồng tình với việc cứ đến Tháng Giêng về quê ăn Tết. Trong khi đó, đáng lẽ thanh niên phải dành thời gian lập nghiệp ở các thành phố để có một cuộc sống ổn định và tốt hơn.
Ông Toàn cho rằng, nếu không nghỉ vào những ngày Tết, học sinh, sinh viên và người lao động cũng vẫn sẽ có những khoảng thời gian nghỉ thực sự.
Khoảng thời gian nghỉ nhưng vẫn học được nhiều kiến thức từ xã hội mà không phải dành thời gian vào những tệ nạn.
“Ngày nghỉ nên dành thời gian để nghỉ ngơi một cách thực sự. Nghỉ mà vẫn học chứ không phải nghỉ ngơi để chơi bời, đánh bạc, rượu chè, say khướt. Từ đó xảy ra các sự việc như đâm chém nhau, khích bác nhau. Nhiều người còn tranh nhau cái tiếng Tết mẹ to, Tết bố to”, ông Phạm Toàn nêu.
Bên cạnh đó, ông Phạm Toàn cũng dẫn chứng việc nhiều người dựa vào ngày Tết để đi biếu xén, nảy sinh các tệ nạn xã hội.
“Người ta dựa vào đó để hối lộ nhau, tặng nhau gì hàng trăm nghìn USD. Lợi dụng cái này dễ ăn cắp lắm”, nhà giáo Phạm Toàn nói.
Nhà giáo Phạm Toàn cho rằng muốn đất nước trở nên văn minh, hiện đại thì phải bắt đầu thay đổi từ cách ăn Tết
Trong khi đó, những người công nhân ở các khu công nghiệp, những người nghèo lại không có một cái Tết ý nghĩa.
Những ngày Tết, việc đi lại rất khó khăn. Vì vậy, những tên “cò” đã lợi dụng để đẩy vé máy bay, vé tàu, vé xe tăng lên 3-4 lần.
Vị chuyên gia giáo dục này cho rằng, đất nước Việt Nam cần trở thành một đất nước công nghiệp hoá và văn minh.
“Nước ta phải làm công nghiệp sạch, nông nghiệp văn minh. Muốn như vậy, phải bắt đầu cải tạo việc ăn Tết”, nhà giáo Phạm Toàn nói.
Bên cạnh đó, ông Toàn cũng dẫn chứng chính cuộc sống của bản thân để minh chứng cho quan điểm của mình.
“Tết của tôi là Tết làm việc. 40 năm nay, Tết, tôi vẫn làm việc, không đi đâu cả. Tôi ở trong nhà làm việc”, ông Toàn nói.
Chính những hệ luỵ to lớn từ Tết cổ truyền đã khiến cho Việt Nam không thể phát triển nhanh như các nước trong khu vực và châu lục.
“Vì vậy, bây giờ phải thay đổi tập quán, tư duy, lối sống thì nước mình mới tiến lên được”, nhà viết sách giáo khoa chia sẻ.
Ông Toàn cũng lấy ví dụ và cho rằng Việt Nam cần phải học tập như nước Nhật trong việc công nghiệp hoá.
Nhưng trước nhiều ý kiến cho rằng vẫn phải có thời gian nghỉ Tết cho công nhân và người lao động, ông Toàn cho rằng chỉ nên nghỉ Tết một lần theo Dương lịch.
“Tết Dương lịch thì có ai cấm anh nghỉ 7 ngày đâu”, ông Toàn đưa ra giải pháp.
Nhưng theo vị chuyên gia giáo dục này, để làm được điều đó thì cần phải có quyết tâm của các lãnh đạo và được sự đồng thuận của người dân.
“Phải thay đổi, thay đổi triệt để, thay đổi toàn diện, xoá hết cái cũ đi”, ông Toàn nói.
Bên cạnh đó, nhà giáo Phạm Toàn cho rằng việc nghỉ Tết phải hiểu theo nghĩa là đổi hoạt động. Nghỉ Tết nghĩa là đổi hoạt động, đổi việc làm.
“Ví dụ học sinh ngày đó có thể đi cắm trại, đi thăm di tích, học lịch sử các di tích, vẽ lại di tích. Sau đó đi vào thăm dân, xem đời sống thế nào. Học sinh, sinh viên có thể đi với nhau. Như vậy, nghỉ vẫn là học, vẫn là chơi”, ông Toàn dẫn chứng.
Vì vậy, ông Toàn cho rằng cần phải thay đổi cách thức nghỉ Tết để thực sự mang lại hiệu quả.
“Phải làm thế nào cho người dân cứ làm việc 2 tháng thì được nghỉ 10 ngày. Cuộc sống lúc đó sẽ khác đi. Cách tổ chức nghỉ phải như thế”, ông Toàn nói.
Tác giả bài viết: Minh Đức
Nguồn tin: