Theo bước chân ông Nguyễn Thái An (SN 1943, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lên tầng lầu căn nhà cổ rộng 200 mét vuông ở con phố Hàng Đào nổi tiếng, thấy chúng tôi định bỏ giày dép ngoài thềm, ông lấy tay ngăn lại. Bằng chất giọng nhẹ nhàng, điềm đạm ông nói: “Người Hà Nội cổ quý khách hơn quý gạch bông, chẳng lẽ vì vài hạt bụi mà để khách chịu lạnh sao”.
Gia đình chủ tiệm vải Thái An. Ảnh: NVCC |
Được biết, ông Nguyễn Thái An là con trai cả của chủ tiệm kinh doanh vải vóc, tơ lụa Thái An giàu có, nức tiếng một thời những năm 50 của thế kỷ trước. Gia đình giàu có, bề thế như vậy nhưng ký ức sâu đậm đối với ông vẫn là những ngày Tết cổ truyền.
Trong căn nhà cổ kính, ông Thái An kể cho chúng tôi nghe về cái Tết xưa, ngày ông còn là cậu bé 10 tuổi, háo hức đợi tiếng pháo giao thừa, ngồi trông nồi bánh chưng đỏ lửa…
Giọng chậm rãi, ông kể: “Ngày đó, cứ bước sang tháng 10 âm lịch là cậu, mợ (bố, mẹ - NV) tôi đã chuẩn bị mua sắm, tích trữ đồ Tết rồi chứ không phải đợi đến cận Tết mới mua sắm như bây giờ. Còn trẻ con ngày ấy cứ thấy tiết trời se lạnh là mong ngóng Tết đến”.
Ông Nguyễn Thái An - con trai cả ông bà chủ tiệm vải Thái An nức tiếng phố Hàng Đào. Ảnh: Thanh Hải |
Trong trí nhớ của ông, Tết xưa rực màu đỏ của giấy dó, câu đối và những bức tranh Đông Hồ đượm màu nắng mới mà ông mua từ tiền ăn sáng bố mẹ cho.
“Cận Tết, các ông đồ già khăn đóng, áo dài, quần chúc bầu trắng, chòm râu bạc phất phơ trải chiếu hoa, bày mực tàu, giấy đỏ trên con phố Hàng Bồ.
Người đến xin chữ đều khăn áo chỉnh tề, tỏ thái độ cung kính, trân trọng. Lũ trẻ con chúng tôi hễ nghỉ học là chạy lên đó, ngồi bên cạnh, chăm chú xem các ông đồ thảo chữ cả ngày không biết chán”- ông nhớ lại.
Ngôi nhà cổ 200m2 ở phố Hàng Đào vẫn được ông Thái An giữ gìn. Ảnh: Thanh Hải |
Chợ Tết được mở gần khu vực nhà hàng Thủy Tạ, Hồ Gươm, chạy dài đến phố Hàng Lược. Ở đó bán đủ thứ nhu yếu phẩm từ mứt gừng cay nồng, mứt sen ngọt bùi đến những gánh hàng hoa khoe sắc.
Theo ông Thái An, mẹ ông là người phụ nữ tháo vát. Mặc dù không biết chữ nhưng bà luôn gánh vác, quán xuyến mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình cùng chồng một cách chu toàn nhất.
Một căn phòng trên tầng 3 nhà ông Thái An, mọi đồ vật đều có tuổi đời từ 40 đến 60 năm. Ảnh: Nhật Linh |
“Cậu mợ tôi làm kinh doanh, bận rộn nhưng hễ Tết đến là chuẩn bị rất chu đáo, tầm 23 tháng Chạp - khi ông Công ông Táo về chầu trời là cậu mợ tôi đã cho đóng cửa hàng. Bà thường tự tay đi mua sắm đồ Tết trong nhà, ngày 27 Tết, bà mới chuẩn bị lá dong, gạo nếp… gói bánh chưng.
Anh em chúng tôi bao giờ cũng được mẹ gói riêng cho một chiếc bánh con con, đánh dấu bằng chiếc lạt tre. Đó cũng là lý do khiến lũ trẻ con háo hức, mong chờ thức cả đêm trông nồi bánh chưng. Mở nồi bánh ra, là rối rít giục người lớn tìm chiếc bánh của mình”.
Tiếp đó là việc trang trí nhà cửa, theo ông Thái An, cũng như bao gia đình phố Hàng Đào, cậu mợ ông đặt dưới vườn hoa Nhật Tân một cành đào đẹp, trang trí ở khoảng sân giếng trời và một cây quất để trong phòng khách.
“Tôi nhớ cậu tôi rất thích chơi hoa Thủy Tiên, cậu thường cất công đi ngắm nghía, tìm bằng được chậu hoa Thủy Tiên ưng ý mang về chăm sóc, canh sao cho hoa nở đúng vào thời khắc giao thừa.
Cậu tôi từng nói Thủy Tiên chỉ ngâm trong nước sạch mà ra được những bông hoa đẹp trắng muốt. Hoa Thủy Tiên tượng trưng cho sự tinh khiết, thanh tao và mang lại may mắn, thịnh vượng.
Chiều 30 Tết, cậu mợ tôi cùng nhau dọn dẹp bàn thờ, chứ không cho gia nhân làm. Cậu mợ giải thích phải tự tay dọn dẹp, bày biện ban thờ mới tỏ được lòng thành kính với tổ tiên.
Sau đó mợ tôi sai u già nấu một chậu nước lá mùi cho các con tắm rửa, mùi nước lá thoang thoảng, quyện với mùi nhang trầm như gột sạch bụi bặm của một năm. Mùi hương đó da diết đến độ, dù nhiều năm tháng qua đi, mỗi lần bất chợt ngửi thấy, tôi lại man mác nhớ về quãng thời gian thơ ấu của mình quây quần bên cậu mợ và các em. Khi trưởng thành rồi, con người ta sẽ chỉ nhớ đến Tết xưa thôi…” - giọng trầm buồn ông An nói.
Những vật dụng cũ kỹ lúc bố mẹ ông Thái An còn sống vẫn được ông giữ lại. Ảnh: Nhật Linh |
Sáng mồng một Tết, bà chủ tiệm vải Thái An gọi các con dậy, phát vốn rồi dặn dò các con không được to tiếng, nô đùa, chạy nhảy tránh đổ vỡ trong 3 ngày Tết, nếu không cả năm sẽ bị xui xẻo.
Ông nói: “Chúng tôi không được phép ra khỏi nhà nếu chưa có người xông đất. Ngày đó, mấy anh em cứ đứng trên hành lang, dõi xuống phố, mong ngóng có người đến xông đất đầu năm để mình được đi chơi...
Theo phong tục, việc lựa chọn người xông đất rất được cậu mợ tôi coi trọng, vì ông bà cho rằng người hợp tuổi sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng cả năm cho gia chủ. Người này thường được mợ tôi xem xét, nhờ vả từ trong năm. Người xông đất ngoài hợp tuổi, phải có địa vị, uy tín, gia đình cũng phát đạt”.
Vẫn theo lời ông Thái An, khi người đến xông đất cất tiếng trước cửa nhà, gia chủ cùng các con niềm nở ra đón.
Một thủ tục không thể thiếu ngày đầu năm là mừng tuổi, sau màn chào hỏi, chúc tụng lẫn nhau. Người xông đất gọi trẻ con ra phát vốn. Tiền mừng tuổi chỉ là trinh, hào, chủ yếu mang tính chất tượng trưng, lấy khước cho trẻ con là chính.
Ông An chia sẻ thêm, mâm cỗ ngày Tết của gia đình ông bao gồm những món đặc trưng như thịt gà, giò, bánh chưng, dưa hành, canh bóng bì...
“Bao giờ mợ tôi cũng chuẩn bị sẵn 20 mâm cỗ để mời khách trong 3 ngày Tết. Mỗi khi khách đến chúc Tết, mợ sẽ mang một mâm cỗ mời khách ăn lấy may. Mâm cỗ này phải được bày trí hài hòa, tinh tế, thể hiện sự giao hòa của đất trời. Đặc biệt, mỗi lượt khách đến là 1 mâm mới chứ không dùng đồ ăn thừa trước đó” - ông An tiếp lời.
Người đàn ông phố cổ cho hay, Tết xưa, khách đến nhà, chỉ nâng chút rượu lấy khước cho gia chủ chứ tuyệt nhiên không ngồi nhậu say xỉn quá đà như hiện nay. Sau khi tiễn khách về, cậu mợ ông Thái An gọi xe kéo đến, đưa các con đi chùa và sang nhà nội, ngoại chúc Tết.
“Nhà tôi lúc đó đã có ô tô rồi nhưng chỉ để đi công việc hàng ngày, còn đầu năm mợ tôi vẫn đi xe kéo, vừa để ngắm cảnh, vừa để cảm nhận được không
Phố Hàng Đào ngày nay. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Trên đường phố, những thiếu nữ tóc dài thướt tha, dáng dấp yêu kiều, làm sáng bừng cả một góc phố.
Tôi nhớ như in hình ảnh, mợ tôi mặc bộ áo dài, tóc vấn cao, bế em tôi trên chiếc xe kéo. Khi xuống xe, mợ tôi vui vẻ lấy mấy đồng mừng tuổi, chúc người kéo xe năm mới làm ăn tốt...
Những hình ảnh đẹp đó giờ chỉ còn là hoài niệm sâu thẳm, nó sẽ sống mãi trong lòng tôi cũng như bất cứ ai sinh ra và lớn lên giữa lòng phố cổ..." - ông Thái An nói.
Tác giả: Diệu Bình - Lê Thúy
Nguồn tin: Báo VietNamNet