Anh Phùng Văn Trường viết chữ bằng... miệng. |
Anh ngồi trên xe lăn, hai tay hai chân nhỏ xíu, yếu ớt nhưng ánh mắt sáng và đặc biệt là viết chữ rất thành thạo, rất đẹp bằng… miệng. Anh ngậm cây bút mực, nắn nót từng nét, viết ra những con chữ đẹp như nhiều người viết bằng tay thuận, thậm chí đẹp hơn…
Ít ai biết, để có được những việc như vậy, anh đã phải trải qua những năm tháng cực kỳ vất vả như thế nào.
Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng càng lớn, tay chân anh Trường càng yếu, đi không vững phải vịn tường mới có thể đứng được.
Khi đang học lớp 6, gia đình đưa Trường đi khám bệnh. Khi đó, anh Trường biết bị bệnh thoái hóa cơ, càng lớn, cơ sẽ dần teo hết. Sau khi được gia đình cho ra Hà Nội mổ, chân anh Trường có thể đi tập tễnh, chống nạng tự đi học được.
Năm lớp 8, tay chân anh ngày một yếu rồi liệt hẳn. Từ đó, anh Trường phải nghỉ ở nhà. Cuộc đời anh gắn liền với chiếc xe lăn. Nhìn các bạn đồng trang lứa đi học, nỗi nhớ lớp, nhớ bảng đen phấn trắng khiến anh nhiều lúc rơi vào tuyệt vọng, bế tắc.
Trưởng thành, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, anh xin bố mẹ vượt ao, làm nhà ngoài mặt đường bán hàng kiếm sống.
Khi phải tự mình bươn chải, bàn hàng kiếm sống, anh Trường mới thấm thía nỗi khổ cực khi không thể cầm cây bút viết chữ, viết số. Người thanh niên 30 tuổi nghĩ đến những tấm gương sáng như thầy Ký bị liệt nhưng vẫn viết chữ bằng chân. Nghĩ lại mình, chân tay đều không thể cầm bút, anh quyết tâm tập viết bằng miệng.
“Để làm chủ cái bút ngậm trong miệng cũng phải mất tới vài tháng. Ngậm bút giữa hai hàm răng, động tác chỉ như một đứa trẻ, chậm rãi nhưng cái bút cứ không chịu di chuyển theo ý mình. Mỏi nhừ hai hàm răng, rồi mỏi cổ, mỏi người vì phải cúi thấp nhưng tôi vẫn nghĩ, mình không còn cách nào khác ngoài cách này để có thể viết được.
Phải cả nửa năm, những dòng chữ đầu tiên mới thành hình. Tôi có thêm động lực để tập viết. Lúc đầu chữ nguệch ngoạc nhưng dần dần, tôi học viết những mẫu chữ trên ti vi, những kiểu viết chữ đẹp, rồi có khi tôi tự nghĩ ra kiểu chữ mình muốn viết” – anh Trường nhớ lại.
Những dòng chữ được viết bằng miệng của anh Trường. |
Đã có thể viết chữ, anh nghĩ tới việc truyền cảm hứng cho những em nhỏ quanh xóm, quanh thôn. Và từ đó, lớp học của “thầy Trường” ra đời. Lớp học của anh không có phấn trắng bảng đen, không mà đơn giản chỉ là một chiếc sọt nhựa dùng để đựng những cuốn sách giáo khoa hay tập vở. Học sinh có thể đến học vào bất cứ thời điểm nào và học trong bao lâu tùy theo ước muốn.
Lớp học của anh lúc đầu chỉ vài bạn nhỏ, sau đông dần, khi kỳ nghỉ hè tới, phải lên tới hơn 20 học sinh tới lớp của “thầy Trường”.
“Bản thân tôi muốn làm một việc nhỏ gì đó có ích cho xã hội, mà đơn giản là cho chính những người xung quanh tôi. Tôi không khẳng định mình viết đẹp, dạy hay, tôi muốn truyền cảm hứng, muốn dạy cho các cháu bé sự kiên trì để tạo nên những dòng chữ đẹp.
Lớp học của tôi, có những khi có những cháu nhỏ rất hiếu động, nhưng thật bất ngờ là khi thấy tôi viết chữ bằng miệng, các cháu vừa thích thú lại vừa chăm chỉ viết để thi với “thầy” xem ai viết đẹp hơn. Dần dần từ lúc nào không biết, tôi thấy các con viết chữ cẩn thận hơn, rõ ràng hơn, sạch đẹp hơn” - anh Trường chia sẻ.
Thầy Trường truyền cảm hứng cho nhiều trẻ em quanh xóm, quanh thôn. |
Trong căn phòng học nhỏ với 5 bộ bàn ghế đơn sơ ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, hình ảnh người đàn ông ngồi trên xe lăn, hai tay hai chân nhỏ xíu, yếu ớt, cặm cụi viết chữ bằng miệng, tận tình hướng dẫn các em nhỏ học viết chữ khiến nhiều người xúc động.
Còn người đàn ông khuyết tật ấy lại xúc động khi ngày 20/11 nhận được nhiều lời chúc mừng của những học sinh và người dân thôn Nhân Lý.
“Điều an vui, hạnh phúc nhất với tôi là có thể truyền động lực cho các cháu rèn luyện, học tập từ câu chuyện của chính tôi” – người thầy Phùng Văn Trường bộc bạch.
Tác giả: Việt Linh
Nguồn tin: giadinhmoi.vn