Đôi mắt ông lòa vì đói rét, bệnh tật |
Bốn mươi năm sống trong rừng sâu
Đầu năm 2013, lực lượng chức năng tìm thấy “người rừng” Phẩy, dân tộc Dao giữa chốn rừng hoang. Người đàn ông gầy gò, già nua run rẩy bởi cơn đói đang hành hạ. Thời điểm đó, ông Phẩy đang ở trong “ngôi nhà” ngay cạnh gốc cây to đã bị đổ xuống có một tàu lá cọ lợp tạm, chẳng đủ che mưa hay che nắng. Một vài cây củi được chụm lại thành bếp lửa. Ngày cũng như đêm, ông Phẩy chỉ có thể ngồi ôm lấy bếp lửa nhỏ.
Ông Phẩy kể chỉ có một người em gái đã đi lấy chồng. Ông không lấy được vợ vì bệnh tật, nghèo túng mới sống đơn độc. Trước đây, vì thèm miếng thịt muối, ông tìm đến nhà người cháu thì bấy nhiêu lần bị đánh đuổi, hắt hủi. Một thân một mình, ông từng xuống núi nhưng chỉ được ít bữa phải trở lại rừng.
Trên đường đi, vì đói, sức khỏe yếu không leo nổi lên núi, ông đành ở tạm hang đá. Nơi đó, không có nước cũng chẳng thể tìm được rau quả ăn. Vài hôm sau người đi rừng cho củ sắn, củ khoai, ông Phẩy có miếng ăn lấy lại chút sức lực, leo qua nhiều con dốc để đến ngọn núi này.
Cuộc sống của ông Phẩy trong rừng gắn với cái đói |
Cuộc sống của ông lão bị tách biệt hoàn toàn với đồng loại, không cái ăn, cái mặc, không thể trò chuyện hay giao tiếp với ai. Lúc còn trẻ, ông Phẩy chỉ đào củ mài, nhặt rau, ăn trái cây rừng để sống. Có khi may mắn, ông săn bắt được con nhím, con gà để cải thiện bữa ăn. Mùa đông cũng như mùa hè, ông Phẩy chỉ có manh áo mỏng ai đó đi rừng đã cho ông từ lâu lắm rồi. Tối tối, về hang đá để ngủ, ông nằm co ro trên chiếc chiếu sờn rách nhặt được của người đi rừng vứt lại.
Cuộc sống ở rừng, không chỉ bệnh tật đe dọa tính mạng của ông Phẩy mà thú dữ cũng rình rập ngày đêm. Khoảng 20-30 năm trước, những loài thú to như hổ, gấu còn nhiều, ở rừng một mình giữa đêm tối rất nguy hiểm. Có lần, khi giáp mặt một con gấu to, ông bị “tát” rách mặt. Ông Phẩy cố chạy về phía gốc cây to, trèo lên trốn.
Con gấu sau một hồi gầm gừ đã bỏ đi. Nhưng đêm đến, ông Phẩy phải đốt đống lửa to giữa rừng, để xua đuổi các con vật. Sống một mình, có nhu cầu giao tiếp cũng chẳng thể nói với ai nên dần dần, những tiếng mẹ đẻ ông cũng quên đi nhiều. Thi thoảng, ông chỉ dùng tiếng hú gọi để tìm người đi rừng nào đó xin ít lửa.
Cuộc sống hoang sơ
Xin được mồi lửa, ông Phẩy quý lắm. Để duy trì lửa trong nhiều ngày, ông Phẩy phải đun bếp liên tục. Những ngày mưa, ông Phẩy phải dầm mình để đứng che cho bếp khỏi tắt, tàu lá cọ duy nhất lợp trên “mái nhà” khi ấy chỉ có nhiệm vụ như thế. Nhiều hôm, mưa bất chợt, ông Phẩy đi kiếm thức ăn xa chưa kịp “về nhà”, bếp lửa bị mưa làm tắt lịm. Thế là ông đành phải chờ, đến khi nào may mắn gặp được người đi rừng mới xin được mồi lửa.
Bếp lửa của ông Phẩy thường chỉ có chức năng sưởi ấm trong mùa đông chứ chẳng mấy khi dùng để đun nấu gì. Ông Phẩy chẳng có nồi niêu, xoong chảo gì mà nấu nướng. Muốn nấu chín rau rừng, ông Phẩy lấy báng nứa làm nồi. Tài sản của ông chẳng có gì ngoài con dao rựa cùn, cái nồi mất vung và bộ quần áo rách nát. Những thứ ấy ông Phẩy có được cũng là nhờ người đi rừng cảm thương nên cho.
Gắn bó gần 4 thập kỷ với rừng sâu |
Nhiều năm lại đây, tuổi cao sức yếu cộng thêm việc thiếu thốn vật dụng sản xuất nên ông phó mặc đời mình cho đại ngàn che chở. Ông Phẩy bảo giờ già rồi, chẳng còn sức khỏe để săn bắt, đào bới củ rừng nữa, ông chỉ còn biết đi nhặt rau rừng, quả rừng sống qua ngày.
Mùa nào thức nấy, ông ăn thảo quả, ăn măng. Đến khi những củ quả ấy không còn, ông lão chỉ biết nhặt lá rừng làm rau ăn trừ bữa hoặc uống nước cầm hơi. Mãi dạo gần đây, một người đi rừng thương tình cho ông Phẩy một cái nồi để nấu nướng. Mà chiếc nồi đó cũng chỉ là một khối nhôm rỗng, không vung cũng chẳng có “tai” cầm. Mỗi lần nấu nướng gì đó, ông phải dùng lá rừng làm vung.
Ông kể có lúc tưởng chừng như bị vắt kiệt sức bởi những cơn sốt rét. Mỗi lần như thế, ông lão chỉ biết nằm trong hang, chờ tỉnh dậy lại lê lết đi tìm lá rừng để ăn. Có lần, người trong bản Hạ Sơn đi rừng, phát hiện ra ông Phẩy nằm sốt li bì, đói lả trong hang đá. Họ thương tình chia cho ông nắm cơm ăn lót dạ. Có cái ăn, ông Phẩy dần tỉnh táo lại, rồi tự mò mẫm đi kiếm lá thuốc ở rừng để trị bệnh.
Giữa chốn rừng hoang với cái lạnh cắt da cắt thịt, vậy nhưng ông lão chỉ có chiếc áo mỏng, cắn răng chịu rét. Cuộc sống khốn cùng ở rừng buộc cơ thể ông Phẩy tự khắc phải thích nghi như thế.
Người dân bản địa kể rằng, xung quanh nơi ông ở là những nương sắn, ngô ăm ắp nhưng tuyệt nhiên họ chưa bao giờ bị mất dù một củ sắn, bắp ngô. Có người đi làm nương, thấy ông Phẩy đáng thương quá, đã bảo ông nương sắn của họ ngay gần đó, nếu đói ông có thể lấy ăn nhưng ông Phẩy vẫn không tơ hào. Ông Phẩy bảo, người ta trồng được củ sắn, cây ngô vất vả lắm, ông thể lấy không của họ.
Sau một thời gian động viên, dịp giáp Tết năm 2013, chính quyền sở tại đã dựng một ngôi nhà gỗ, lợp mái tôn trên mảnh đất của một người họ hàng xa của ông Phẩy để đón ông về. Lần đầu tiên được ở trong ngôi nhà tuy nhỏ bé, tuy trống huơ trống hoác nhưng ông Phẩy vui lắm.
Gần cuối đời mới được chui vào trong cái gọi là nhà thì không vui sao được. Với mức hỗ trợ của nhà nước dành cho người neo đơn, ông Phẩy có cuộc sống đúng nghĩa của con người.
(còn nữa)
Tác giả: Trịnh Ninh (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam