Chị là Lê Thị Thuận, 40 tuổi. Chị bị dị tật bẩm sinh không có tay và chân. Vậy mà chị vẫn lao động như những người bình thường.
Chúng tôi đến gặp chị vào một buổi sáng. Chị ngồi ven đường với xấp vé số trên cánh tay ngắn ngủn. Chị mặc chiếc áo màu đỏ tươi, đội nón lá và đặc biệt nhất, trên môi chị luôn nở nụ cười. Bên cạnh chị là chiếc xe lăn cũ kỹ.
Một người đi đường ghé vào lấy vài tờ vé số rồi bỏ tiền vào chiếc túi xách trước ngực chị. "Dạo này tôi bán ế ẩm lắm. Ngồi ở đây từ 5 giờ sáng đến giờ tôi bán chưa được 30 tờ", chị tâm sự.
Chị kể tiếp: "Tôi sinh ra ở Thị Xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Ngày chào đời, tôi khiến cả nhà thất vọng bởi mang dị tật từ trong bụng mẹ, không có cả tay lẫn chân".
Nói đến đây, khuôn mặt chị như trùng xuống. Đôi mắt ươn ướt, chị kể tiếp: "Mẹ cố gắng nuôi tôi bằng tất cả tình thương. Tôi càng lớn mẹ càng khổ vì con. Mọi sinh hoạt đều phải cần đến bàn tay của mẹ. Cứ thế tôi lớn lên và dĩ nhiên không được đến trường như những đứa trẻ khác".
Chị kể tiếp: "Càng lớn, tôi càng thấy mình vô dụng và trở thành gánh nặng cho gia đình. Tôi cố gắng tập di chuyển và dùng 2 cùi tay để làm những sinh hoạt cá nhân.
Tôi nghĩ đã đến lúc mình phải có việc làm để đỡ đần cho mẹ nhưng khi tôi bày tỏ ý nguyện thì cả gia đình phản đối vì không muốn tôi phải vất vả. Tôi vẫn cương quyết thực hiện cho bằng được.
Nhưng làm gì bây giờ khi tôi không tay, không chân, không học thức? Trăn trở nhiều đêm cuối cùng tôi quyết định chọn nghề bán vé số dạo. Năm ấy tôi mới 15 tuổi.
Thấy tôi hàng ngày lê lết khắp nơi để kiếm tiền phụ mẹ, nhiều người đã tìm đến ủng hộ và giúp đỡ. Cứ thế, tôi miệt mài hết năm này sang năm khác cho đến năm 28 tuổi, một biến cố trong đời ập đến... ".
Mong manh hạnh phúc
Cuộc trò chuyện bị cắt ngang bởi một bà cụ tay cầm ly cà phê sữa còn nóng hổi từ trong hẻm cạnh đó bước đến bên chị Thuận. Bà đưa tay âu yếm vuốt tóc chị, cười nói: "Của con đây".
Vừa nói bà vừa cầm ly cà phê đưa vào miệng chị. Chị uống một cách ngon lành. Chị nhìn bà bằng ánh mắt biết ơn.
Bà cụ là Nguyễn Thanh Hoa (73 tuổi, cán bộ hưu trí). Bà cho biết, 2 năm nay từ ngày bà gặp chị, sáng nào bà cũng mang cho chị ly cà phê. Đến trưa, bà lại mang cơm cho chị: "Có khi cả nhà ăn thức ăn cũ nhưng với Thuận, tôi làm thức ăn mới mang ra cho nó".
Bà kể: "Hàng ngày nó ngồi ở đây từ 5 giờ sáng đến tối. Vì nó di chuyển khó khăn nên đại lý cho người mang vé số mới đến giao và thu hồi vé cũ nếu còn thừa.
Sau 17 giờ chiều nó di chuyển đến các quán cà phê, quán nhậu bán cho đến 22 giờ mới về nhà trọ. Vậy mà trước đây, vẫn còn có kẻ táng tận lương tâm, giật vé số và cả túi tiền của nó. Hô hoán nhưng mọi người xung quanh đuổi không kịp. Việc đó làm nó khóc cả một buổi chiều. Mà không chỉ 1 lần, nó bị lấy cắp như vậy 3 lần rồi".
Bà Hoa kể tiếp: "Trước đây, hàng ngày nó phải nhờ một anh xe ôm giúp đỡ đưa đi đón về nhưng từ 2 năm nay nó đã được một nhà hảo tâm tặng cho chiếc xe lăn chạy điện. Từ đó, nó tự chủ động việc đi lại của mình. Được mọi người xung quanh thương và bảo vệ, nên từ bữa đó tới giờ nó không bị mất cắp nữa".
Chị Thuận tiếp tục câu chuyện sau khi bà Hoa trở về nhà. Chị kể tiếp: "Năm tôi 28 tuổi, một anh ở cạnh nhà thấy tôi tật nguyền mà vẫn cố gắng làm ăn nên đem lòng thương yêu. Người ta ngỏ lời nhưng tôi không đồng ý vì không tin lời anh.
Thế nhưng dần dần tôi nhận ra được sự chân tình của anh nên đồng ý làm đám cưới. Chúng tôi sống hạnh phúc trong vài năm. Có lẽ thời gian này là thời gian đẹp nhất trong đời tôi.
Rồi tôi có thai, cái thai được 7 tháng thì chồng tôi bỏ đi biền biệt. Sau này tôi mới biết, do áp lực của nhà chồng nên anh ấy dứt áo ra đi. Đau đớn nhưng nhờ mẹ động viên, tôi sinh được một bé trai kháu khỉnh.
4 tháng sau, tôi nhờ mẹ nuôi cháu ngoại để vào Biên Hòa mưu sinh. Bây giờ tôi chỉ mong làm có tiền gửi về nuôi con đến lúc cháu 18 tuổi. Khi ấy, sẽ về quê chung sống để có mẹ có con dưới một mái nhà. Tôi chỉ khao khát có thế thôi... ".
Tác giả bài viết: Trần Chánh Nghĩa
Nguồn tin: