Thế giới

Người giàu Trung Quốc tìm cửa chạy trốn cuộc sống quê nhà

Mối lo ngại về ô nhiễm không khí hay an toàn thực phẩm lại khiến các gia đình tầng lớp trung lưu mong muốn ra nước ngoài sinh sống nhiều hơn.

Xu Zhangle cùng chồng và 2 người con là hình ảnh tiêu biểu của một gia đình ở Thâm Quyến. Giống như hơn 60 gia đình Trung Quốc khác, nhà Xu Zhangle sẽ có kỳ nghỉ dài ở Thái Lan vào tháng 7 tới đây, và họ đang mong đợi trải nghiệm cuộc sống như những người nhập cư.

Nhà Xu Zhangle đã trả cho một đại lý du lịch khoảng 50.000 nhân dân tệ (tương đương 7.473 USD) cho việc lưu trú tại Chiang Mai, miền núi phía bắc Thái Lan. Số tiền đó bao gồm chi phí di chuyển, ăn ở, sinh hoạt, và cả trại hè 3 tuần cho con gái của họ ở một trường quốc tế tại địa phương.

Zhangle yêu thích nhịp sống thoải mái và dễ chịu của Chiang Mai, và muốn sống như người dân nơi đây trong một tháng hoặc hơn, chứ không chỉ là kỳ nghỉ ngắn hạn.

“Đây không đơn thuần là du lịch, mà còn là trải nghiệm sinh sống ở một nơi thật xa”, Zhangle nhận xét.

Những cuộc di cư ngắn hạn

Gần đây, tầng lớp trung lưu Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực bảo vệ của cải cũng như tận hưởng nhiều sự tự do hơn bằng cách dành nhiều thời gian ở nước ngoài.

Họ đã đầu tư khoản tiền đáng kể bên ngoài Trung Quốc và kiếm thị thực dài hạn. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đã phải chịu thất bại.

Công dân Trung Quốc hiện nay đang gặp nhiều trở ngại hơn đối với giấc mơ du lịch quốc tế, cũng như bị hạn chế nghiêm trọng của việc chuyển dòng tiền ra ngoài quốc gia.

Nhưng chính những mối lo ngại về ô nhiễm không khí hay an toàn thực phẩm lại khiến các gia đình tầng lớp trung lưu mong muốn ra nước ngoài sinh sống nhiều hơn.

Và trong số các phương án đưa ra, du lịch đến quốc gia khác trong khoảng một tháng dường như được đa số lựa chọn. Bằng cách đó, họ có thể tận hưởng lối sống mới mẻ ngắn ngủi, tạm quên đi thực tế rằng giấc mơ “di cư” của họ sẽ còn lắm gian nan.

Chất lượng không khí kém là một trong những nguyên nhân khiến người Trung Quốc muốn ra nước ngoài sinh sống. Ảnh: AP.

“Tôi nghĩ điều này đang trở thành xu hướng. Giới trung lưu Trung Quốc đang phải đối mặt với khó khăn ngày càng chồng chất về vấn đề di cư và sở hữu nhà đất ở nước ngoài. Mặt khác, họ vẫn khao khát tự do, khao khát chất lượng sống tốt hơn ở đây. Họ còn mong muốn tìm cho bản thân và con cái một phong cách sống mang tính toàn cầu”, Cai Mingdong, nhà sáng lập công ty lữ hành và tư vấn giáo dục Chiết Giang (Zhejiang) Newway, nhận định.

“Trước hết, sự thuận tiện về thị thực cũng như giá vé máy bay rẻ đã giúp phần nào cho việc di chuyển cũng như ở lại quốc gia khác trong vòng vài tuần đến tối đa 3 tháng mỗi năm”, Cai Mingdong nói thêm.

Giờ đây, nhiều gia đình trung lưu với lý lịch tốt có thể lấy được thị thực từ 5 cho đến 10 năm ở một số quốc gia như Mỹ, Australia, Canada, New Zealand và các quốc gia châu Á khác.

“Năm 2011, vé máy bay khứ hồi từ Thượng Hải đến New Zealand có giá 14.000 nhân dân tệ (khoảng 2.000 USD), nhưng giờ nó chỉ lưng chừng 4.000 nhân dân tệ (khoảng 598 USD)", Mingdong nói.

Với mức giá như vậy, những gia đình trung lưu không đủ điều kiện di cư cũng có khả năng sống ở nước ngoài trong thời gian ngắn.

Người dân Trung Quốc đã thực hiện hơn 140 triệu chuyến du lịch ra nước ngoài vào năm 2018, tăng 13,5% so với năm trước. Tổng chi tiêu của lượng khách này ước tính rơi vào khoảng 120 tỷ USD, theo thống kê từ Học viện Du lịch Trung Quốc, một viện nghiên cứu chính thức của Bộ Văn hóa & Du lịch.

Kỳ nghỉ dài ngày ở nước ngoài đang là xu hướng tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Ngày càng nhiều người Trung Quốc đến Bangkok và Chiang Mai để trải nghiệm cuộc sống địa phương. Anh Owen Zhu, người đã mua một căn hộ chung cư ở Bangkok năm ngoái, chia sẻ rằng lối sống nơi đây rất khác Trung Quốc.

Cơ hội kinh doanh tốt

“Văn hóa và cộng đồng đa dạng. Chất lượng không khí, thực phẩm và dịch vụ cao hơn nhiều so với những thành phố hàng đầu Trung Quốc, nhưng giá cả lại phải chăng hơn. Ở Bangkok, tại nhiều khu chung cư quốc tế, tiền thuê mỗi tháng cho căn hộ 1 phòng ngủ khoảng 2.000 nhân dân tệ (298 USD) đến 3.000 nhân dân tệ”, anh Zhu nhận xét.

Cũng với một căn hộ như thế, nhưng ở Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc, sẽ có giá gấp đôi và còn tiếp tục tăng mạnh.

“Hàng hóa đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, và rất dễ để trò chuyện với nhiều người có quốc tịch khác nhau. Nhiều người Trung Quốc quanh tôi đến Thái Lan sống một thời gian và quay về nước, nhưng sẽ trở lại Thái Lan chỉ sau vài tháng”, Zhu nói thêm.

Cả Cai Mingdong và Owen Zhu đều cho rằng đây là hiện tượng mới xuất hiện trong tầng lớp trung lưu Trung Quốc và quyết định đây là một cơ hội kinh doanh tốt.

Zhu đang trong quá trình đăng ký một công ty ở Bangkok và có kế hoạch xây dựng một nền tảng trực tuyến để phục vụ nhu cầu của công dân Trung Quốc sống ở nước ngoài mà không sở hữu tài sản hay đang trong tình trạng nhập cư, đặc biệt là những thành viên trong cộng đồng LGBT.

Tiền thuê nhà giá rẻ là một ưu thế ở Thái Lan. Ảnh: AFP.

Cai Mingdong cho biết đã có hàng chục gia đình tại khu vực đồng bằng sông Dương Tử đã trả tiền cho Cai để gửi con cái họ đến các trường ở New Zealand hoặc châu Âu trong khoảng 3 - 4 tuần giữa năm học.

Năm ngoái, Zheng Feng, một bà mẹ đơn thân, nhà văn tự do đến từ Bắc Kinh, đã thuê căn biệt thự ở Australia trong vòng một tháng để bà cùng bạn mình và những đứa con của họ có thể tránh được sự ô nhiễm tại Bắc Kinh.

“Thật lòng mà nói, tôi không đủ tiền để đầu tư hoặc làm thẻ xanh ở Australia. Nhưng rất hợp lý khi trả 30.000 nhân dân tệ (khoảng 4.484 USD) để tôi cùng con trai sống tại nước ngoài trong một hoặc hai tháng”, Zheng chia sẻ.

Tiêu chuẩn của tầng lớp trung lưu

Alice Yu, một người bạn của Zheng, chọn di cư theo chương trình thị thực EB-5.

Nhu cầu về thị thực loại EB-5 ở Trung Quốc dường như đang suy yếu do sự không chắc chắn tăng cao về tương lai của chương trình này và luật nhập cư Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Việc phê duyệt thị thực giờ đây có thể kéo dài lên đến 10 năm, gây ra lượng tồn đọng rất lớn làm giảm lãi suất, khiến các dòng vốn đầu tư vào Mỹ từ các cá nhân ngoại quốc giảm đáng kể.

“Có lẽ việc có một kỳ nghỉ dài ngày tại nước ngoài sẽ sớm trở thành tiêu chuẩn của những gia đình trung lưu Trung Quốc”, Yu nhận xét.

Lưu trú dài hàn ở quốc gia khác có thể sớm trở thành tiêu chuẩn của những gia đình trung lưu Trung Quốc. Ảnh: AP.

“Bất kể chúng tôi có lấy được thị thực dài hạn để ở lại Mỹ hay không, tôi muốn con cái mình lớn lên với môi trường toàn cầu và có nhiều tự do hơn. Tôi nghĩ mọi gia đình Trung Quốc giàu có và lớp trung lưu đều như thế”, Yu nói thêm.

Tác giả: Minh Đức

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP