Trong tỉnh

Người dân miền núi Nghệ An vào mùa hái 'lộc rừng'

Tranh thủ những ngày nông nhàn, người dân miền núi ở Nghệ An lại vào rừng hái măng, bán cho thương lái kiếm thêm thu nhập.

Người dân huyện Quế Phong gùi măng từ rừng về nhà. (Ảnh: Phạm Tâm)

Mùa thu hoạch “lộc rừng”

Tháng 7 đến tháng 9 hàng năm, người dân các huyện miền núi ở Nghệ An lại vào rừng thu hoạch măng. Măng của cây tre, nứa, mét,… là “lộc rừng” giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Đang cùng con gái gùi măng từ trong rừng về nhà, bà Lô Thị Cúc (trú tại xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong) cho biết, cả buổi sáng mẹ con bà hái được 20kg măng. Với mức giá 10.000 đồng/kg bà có thu nhập 200.000 đồng.

Theo bà Cúc, cứ đến mùa này, hầu hết chị em phụ nữ trong bản lại gói cơm, mang nước rủ nhau lên rừng hái măng. Để đến được nơi hái măng, mọi người phải đi bộ từ sáng sớm, băng rừng hơn từ 1- 2 giờ đồng hồ.

Đường đi rừng đã khó thì công việc tìm và hái măng còn khó nhọc hơn nhiều. Để lấy được những củ măng non và ngọt đầu mùa, người dân phải dùng cuốc, thuổng đào sâu vào lòng đất, khi những búp măng chưa kịp nhú lên khỏi mặt đất.

Không dừng lại ở đó, sau khi hái xong những người phụ nữ còn phải gùi măng từ trong rừng về nhà. Vào những ngày trời mưa, đường trơn trượt thì càng vất vả bội phần.

Trong quá trình hái măng người dân không thu hoạch hết, mà trừ lại để măng mọc phát triển thành những bụi lớn. Những bụi tre già sẽ mọc ra măng mới, cứ như thế năm nào người dân cũng được thu hoạch.

Măng sau khi thu hoạch được lột vỏ, bán với giá 15.000 đồng/kg. (Ảnh: Phạm Tâm)

Măng tươi vừa thu hoạch có thương lái đến mua tận nơi. (Ảnh: Phạm Tâm)

Măng sau khi thu hoạch được thương lái về tận bản thu mua với giá 9.000 - 11.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày, một người hái được từ 10-15kg măng, mang lại thu nhập 100.000 - 150.000 đồng.

Tuy số tiền này không nhiều nhưng đối với người dân vùng cao thì đây là nguồn thu nhập chính trong những ngày nông nhàn.

Tại huyện Con Cuông, với phần lớn chị em ở bản Khe Nóng, xã Châu Khê thì nghề hái măng rừng đang là công việc đem lại thu nhập chính cho họ. Măng rừng được xem như “lộc rừng” giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Chị La Thị Mơ cho biết, chị thường vào rừng từ lúc còn sáng sớm để lấy măng, đến quá giờ trưa mới về. Công cụ mang theo mỗi chuyến bẻ măng chỉ có vài vật dụng thô sơ như gùi, rựa, bao, ủng và vài nắm cơm.

Ngoài bán măng tươi, một số gia đình còn luộc măng để làm măng khô. Măng sau khi phơi khô được thương lái thu mua với giá 150.000 - 180.000 đồng/kg.

Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, măng là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày của người dân. Với vị đắng nhạt pha lẫn vị ngọt giòn, măng dần trở thành đặc sản được nhiều người miền xuôi ưa chuộng, mang lại thu nhập thời vụ cho người dân vùng cao.

Đặc sản giúp xóa đói giảm nghèo

Huyện Tân Kỳ, Nghệ An từ lâu nổi tiếng với đặc sản "măng loi" mọc ở dãy núi Pù Loi, Pù Hốc thuộc các xã Tiên Kỳ, Đồng Văn và Tân Hợp.

Giống măng này có thân nhỏ, ngọn dài, mọc thành từng cụm dày. Nhờ có hương vị đặc trưng thanh ngọt, nhiều chất dinh dưỡng nên măng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhờ thu nhập cao nên đến mùa măng, nhiều hộ dựng lán dưới chân núi ở để thu hái, khoảng 5 - 7 ngày mới về nhà.

Măng sau khi hái về được sơ chế, rọc toàn bộ lớp vỏ bên ngoài để lộ những mầm non. Ống măng càng xanh tươi thì măng càng giòn ngọt.

Mỗi mùa, một gia đình có thể thu hoạch được khoảng vài tấn măng tươi. Với giá bán 15.000 - 20.000 đồng/kg, người dân có thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng.

Măng loi đặc sản của huyện Tân Kỳ, Nghệ An. (Ảnh: Xuân Hoàng)

Măng muối được bán thành từng hũ. (Ảnh: Phạm Tâm)

Ông Trương Công Thạch – Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ cho biết, diện tích rừng măng loi tự nhiên ở địa phương khoảng 100ha; trong đó, diện tích đang cho khai thác khoảng 50ha.

Thời vụ khai thác bắt đầu vào tháng 8 và kết thúc vào tháng 11 hàng năm. Nhu cầu các sản phẩm từ măng rất lớn, trong khi đó diện tích và sản lượng chưa đáp ứng được thị trường.

Theo ông Thạch, hiệu quả kinh tế từ cây măng cao hơn nhiều so với các cây rừng trồng khác trên cùng diện tích đất rừng. Nhờ cây măng người dân có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống, giúp con cái có tiền ăn học.

Mới đây, Trạm khuyến nông huyện Tân Kỳ triển khai dự án xây dựng mô hình bảo vệ, khai thác và chế biến cây măng loi. Qua đó xác định vùng phân bố, đặc điểm nông sinh học và yêu cầu sinh thái của cây măng; xây dựng thành công mô hình bảo vệ, khai thác hợp lý và chế biến.

Dự án góp phần nâng cao chất lượng vườn trồng, thương mại hóa được sản phẩm qua đó tạo việc làm cho người dân.

Tác giả: Phạm Tâm

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP