Trong tỉnh

Nghiêm túc lắng nghe, chủ động triển khai và nỗ lực hành động

Sáng 08/12, kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII tiến hành phiên thảo luận tại hội trường. Các ông: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng chủ trì phiên thảo luận.

Quang cảnh phiên thảo luận

Lãnh đạo các ngành làm rõ những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm

Trong phiên thảo luận sáng nay, lãnh đạo các ngành đã trả lời, làm rõ những nội dung được đại biểu và cử tri quan tâm liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của các địa phương ở lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, cung cấp điện sinh hoạt; công tác phòng chống dịch COVID-19; công tác dạy và học trên địa bàn. Bên cạnh đó, lãnh đạo các ngành cũng đã làm rõ một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết được đại biểu quan tâm cho nhiều ý kiến.

Một trong những nội dung được cử tri và đại biểu hết sức quan tâm và cho nhiều ý kiến đó là việc tăng số lượng chức danh nhưng không tăng số lượng con người là cán bộ bán chuyên trách về thú y và bảo vệ thực vật cấp xã. Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quốc Chung cho hay tại Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND quy định 11 chức danh, trong đó có 2 chức danh Trưởng ban Bảo vệ dân phố, Phó trưởng ban Bảo vệ dân phố (đối với phường). Hiện tại ở các địa phương chỉ có 9 chức danh, trong khi đó số lượng người hoạt động không chuyên trách ở xã theo quy định được bố trí 12 người (xã loại I), 11 người (xã loại II) và 10 người (xã loại III). Vì thế, khi bổ sung thêm 2 chức danh thú y và bảo vệ thực vật không làm ảnh hưởng lớn đến việc sắp xếp, bố trí ở cơ sở, trừ xã loại III quy định chỉ bố trí số lượng 10 người thì sẽ có 1 chức danh bố trí kiêm nhiệm hoặc tùy vào nhu cầu thực tiễn của địa phương để lựa chọn sắp xếp phù hợp.

Trước đề xuất của một số đại biểu về bổ sung chức danh quản lý nhà văn hóa - đài truyền thanh, thay thế chức danh Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, về vấn đề này, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết nhiệm vụ quản lý nhà văn hóa - đài truyền thanh được giao cho công chức văn hóa kiêm nhiệm nên Sở Nội vụ chưa có cơ sở tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, bổ sung chức danh này.

Đối với ý kiến đề xuất nâng chế độ phụ cấp, bồi dưỡng cho những người làm công tác hội, đoàn thể tại thôn, xóm, bản, theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quốc Chung, các cơ chế chính sách được xây dựng trên cơ sở xem xét, đảm bảo tương đồng, công bằng với các chức danh bí thư chi bộ, xóm trưởng, trưởng ban công tác mặt trận ở xóm… theo các quy định của Trung ương, tỉnh không thể “vượt rào”.

Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Hóa trả lời

Liên quan đến việc cấp điện lưới cho người dân các huyện miền núi, Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hóa cho hay: Từ năm 2016 đến nay, thực hiện các chương trình, dự án cấp điện, toàn tỉnh đã có 157 thôn, bản/273 thôn bản (bao gồm cả đảo Mắt) được cấp điện. Kết thúc năm 2021, toàn tỉnh còn 115 thôn bản và Đảo Mắt chưa có điện. Theo lộ trình thì 76 thôn, bản sẽ hoàn thành xây dựng và đóng diện trong năm 2022; 24 thôn, bản và Đảo Mắt đã được ghi vốn đầu tư công để hỗ trợ trong năm 2022; hiện còn 15 thôn, bản đang đề xuất để ghi vốn. Tại diễn đàn này, ông Hóa cũng đã cho biết tiến độ tiến độ xử lý, giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư trong thực hiện dự án thuỷ điện Hủa Na.

Thảo luận tại hội trường sáng nay, Giám đốc Sở TN&MT Hoàng Quốc Việt và Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Trần Ngọc Sơn đã làm rõ hơn một số băn khoăn về dự thảo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 2 Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 của HĐND tỉnh Nghệ An quy định phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai; lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đồng thời, đại biểu HĐND tỉnh và cử tri tỉnh nhà cũng đã được Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh báo cáo tình hình dịch COVID-19, trên địa bàn tỉnh, công tác phòng chống dịch cũng như chế độ cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch.

Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành trả lời

Về nội dung dạy học trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cho biết: Việc dạy học trực tuyến được ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai bài bản. Sở đã tinh giản chương trình dạy học phù hợp với việc học trực tuyến. Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp với các đơn vị để hỗ trợ máy móc, đường truyền mạnh cho nhằm giúp học sinh học trực tuyến. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 20 huyện, thị tổ chức học trực tiếp; thành phố Vinh đã tổ chức dạy học trực tiếp cho các khối lớp 9, 10, 11, 12. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định việc học sinh đến trường đảm bảo 5K. Sau khi học sinh trở lại học trực tiếp, ngành sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng dạy và học.

Tại diễn đàn này, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm: Đối với chế độ cô nuôi trong các trường mầm non, sắp tới Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về thu học phí mới, trong dự thảo Nghị quyết đó sẽ bổ sung thêm nội dung này.

UBND tỉnh sẽ tận dụng tốt nhất thời cơ, nỗ lực hoàn thành vượt mức mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết: Tại Kỳ họp này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh 19 báo cáo, 34 dự thảo Nghị quyết. Qua thảo luận ở tổ, hội trường, ý kiến cử tri qua đường dây nóng, nhận thấy về cơ bản các đại biểu và cử tri đồng tình với các nội dung báo cáo, đặc biệt là báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, các dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh chuẩn bị. Các vấn đề được đại biểu, cử tri và nhân dân tỉnh nhà quan tâm đã được các ngành chức năng trả lời, làm rõ.

Các đại biểu cũng đã thẳng thắn, trách nhiệm, chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế như: Giải quyết việc làm, khai thác khoáng sản... Đây sẽ là các nội dung để UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng có liên quan tiếp tục hoàn thiện công tác chỉ đạo cũng như thực hiện nhiệm vụ tốt hơn thời gian tới. Với trách nhiệm là người đứng đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung xin nghiêm túc tiếp thu đầy đủ và cho biết sẽ tăng cường chỉ đạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Năm 2021 là năm hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra. Điểm qua một số kết quả nổi bật của năm 2021 về thu ngân sách, thu hút đầu tư, đặc biệt là việc Nghệ An được Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định, đạt được kết quả này là có sự lãnh đạo, thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy, sự phối hợp, giám sát hỗ trợ của HĐND tỉnh, cùng chung sức, đồng hành và chia sẻ, hỗ trợ giúp UBND tỉnh trong công tác quản lý, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu.

Bước vào triển khai kế hoạch năm 2022, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mục tiêu trình ra HĐND tỉnh khá cao, song UBND tỉnh tin chắc có đủ cơ sở để đạt được mục tiêu này trong năm 2022. Để thực hiện mục tiêu năm 2022, UBND tỉnh đã đưa ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, trước mắt, sẽ tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện; phối hợp Bộ, ngành triển khai Nghị quyết thí điểm về cơ chế đặc thù phát triển tỉnh. Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chuẩn bị tốt nhất cho việc tổng kết Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị từ đó nghiên cứu bổ sung thêm chính sách đặc thù cho tỉnh trong giai đoạn tới. UBND tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung hỗ trợ thủ tục cho các nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực sản xuất điện tử; tiếp tục giao các ngành rà soát các dự án chậm tiến độ, sử dụng đất không có hiệu quả; chủ động chuẩn bị các điều kiện mở rộng Khu kinh tế Đông Nam.

UBND tỉnh sẽ tiếp tục huy động sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư công, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, công nghiệp, tháo gỡ nút thắt về hạ tầng cảng biển, sân bay. Phối hợp các bộ, ngành thực hiện dự án đường cao tốc, các dự án như đại lộ Vinh – Cửa Lò... Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính, chọn năm 2022 là năm chuyển đổi số; chuyển đổi toàn diện, nhanh chóng các dịch vụ công. Tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành thực hiện phương châm “nhanh, đúng, hiệu quả”, chuyển từ giải thích, giải trình sang giải pháp, giải quyết.

Kế thừa những kết quả quan trọng, phát huy tinh thần chung sức đồng lòng với niềm tin và khát vọng vươn lên của tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh sẽ tận dụng tốt nhất thời cơ, nỗ lực hoàn thành vượt mức, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo phương châm: Nghiêm túc lắng nghe, chủ động triển khai và nỗ lực hành động.

Từ chiều 07/12 đến sáng nay (8/12), thông qua đường dây nóng HĐND tỉnh nhận được 18 ý kiến của 23 lượt cử tri, trong đó có 8 ý kiến liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 01 ý kiến liên quan đến công tác quản lý đô thị; 04 ý kiến ở lĩnh vực văn hóa, xã hội; 04 ý kiến liên quan đến chế độ chính sách; 01 ý kiến ở lĩnh vực công thương.

Tác giả: NPV

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP