Giáo dục

Nghịch lý đào tạo ngành y khoa: Học phí cao nhưng thiếu chỗ thực hành

Tại các trường đại học đào tạo ngành y ở Tp.HCM, việc thiếu chỗ thực hành, thực tập dù học phí cao là vấn đề khó khăn chung.

Học phí tiếp tục tăng

Tại Tp.HCM, năm học 2023 – 2024, đề án tuyển sinh của các trường đại học đào tạo khối sức khỏe đều ghi nhận mức học phí tăng so với năm học trước. Tại Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM, năm 2023 dự kiến thu học phí 55 triệu đồng/năm đối với ngành Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt và Y học cổ truyền, 40 triệu đồng/năm đối với ngành Điều dưỡng.

So với học phí năm 2022, học phí các ngành Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt và Y học cổ truyền tăng 6 triệu đồng, học phí ngành Điều dưỡng tăng 3 triệu.

Tương tự, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố mức học phí với sinh viên hệ đại học chính quy năm học 2023-2024, sinh viên chính quy năm 1 và năm 2 các ngành y khoa, dược học và răng - hàm - mặt có học phí 55,2 triệu đồng/năm, tức là tăng 10% so với học phí năm ngoái.

Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Y dược Tp.HCM cho biết, học phí dự kiến năm nay chỉ tăng nhẹ so với các năm trước đó.

Cụ thể, 2 năm học trước đó (2021-2022 và 2022-2023), các ngành của trường có học phí từ 38-70 triệu đồng/năm. Trong đó, ngành răng-hàm-mặt học phí cao nhất 70 triệu đồng/năm, y khoa 68 triệu đồng/năm, kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng/năm và dược học 50 triệu đồng. Thấp nhất với mức 38 triệu đồng/năm là học phí các ngành y học cổ truyền, y học dự phòng, dinh dưỡng, y tế công cộng.

Năm học 2023-2024, với mức học phí dự kiến từ 41,8-77 triệu đồng/năm. Một số ngành học phí tăng ở mức xấp xỉ 7 triệu đồng/năm so với trước đó như: răng-hàm-mặt, y khoa. Một số ngành khác cũng có mức tăng tương đương từ 38 lên 45 triệu đồng như: y học cổ truyền, y học dự phòng, y tế công cộng.

Thiếu giảng viên lẫn nơi thực hành

Học phí điều chỉnh tăng, các trường đào tạo ngành y cho rằng điều này là cần thiết để phục vụ việc thực hành cho khối đào tạo đặc thù này. Đại diện Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng, việc điều chỉnh học phí có tác động nhiều đến kế hoạch phát triển của trường và chất lượng đào tạo. Vị này phân tích, nếu chỉ tiêu tuyển sinh ổn định, học phí không tăng trong khi nhưng giá vật tư y tế, hóa chất thực hành đều đã cao hơn trước thì bài toán tài chính của nhà trường sẽ rất khó khăn. Khi thiếu kinh phí mua sắm, hoạt động thực hành sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sinh viên.

GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y dược Tp.HCM cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực y tế thì cần sự đồng bộ của cả hệ thống và giữa các trường. Điều này đòi hỏi trách nhiệm và phải có chính sách tổng thể. Ví dụ như ở Trường Đại học Y dược Tp.HCM hiện nay giảng viên giảng dạy khối ngành y đã được đào tạo nghiệp vụ sư phạm theo phương pháp mới.

"Về giảng viên trường y thì chắc chắn không bao giờ đủ, do vậy ngoài giảng viên cơ hữu của trường phải có giảng viên thỉnh giảng. Đây là khó khăn chung của các trường. Nếu giảng viên là các bác sĩ ở bệnh viện, thì câu hỏi đặt ra là làm sao giảng dạy tốt… Do vậy càng nhiều trường mở đào tạo ngành y thì càng khó khăn về đội ngũ giảng dạy", ông Tuấn nêu vấn đề.

Ông Tuấn nêu ví dụ, ở một bệnh viện lớn tại Tp.HCM, phòng bệnh có 18 bệnh nhân nhưng có tới 82 sinh viên thực tập. Vậy giảng viên biết dạy làm sao? Do đó, ông Tuấn đề xuất, giải pháp trước mắt là những trường đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh thì sinh viên không nên thực tập ở các bệnh viện ở thành phố mà thực tập ở bệnh viện tỉnh. Giải pháp phân luồng thực tập đang được áp dụng tại nhiều quốc gia khác.

“Việc phân luồng sinh viên ngay từ lúc thực hành, sẽ giúp các em định hình rõ hơn công việc của mình sau này, cũng giảm tải áp lực trong việc tìm kiếm cơ sở thực hành”, ông Tuấn chỉ ra.

Quá tải đào tạo, sinh viên thiệt thòi

GS.TS Đặng Vạn Phước, Trưởng Khoa Y, Đại học Quốc gia Tp.HCM nhận định, đào tạo ngành y phải tạo được "chân đế" kiến thức vững để bác sĩ khi hành nghề, càng lên cao thì càng vững.

"Nếu hổng kiến thức trong ngành y, thì khó lòng bù đắp được. Vì vậy, trách nhiệm của người dạy, người đào tạo rất quan trọng. Nghề y quan trọng việc đào tạo thực hành cực kỳ nhưng chúng ta đang quá tải vấn đề thực hành, quá nhiều sinh viên trong khi cơ sở thực hành không có", GS.TS Đặng Vạn Phước thông tin.

Tại Khoa Y, Đại học Quốc gia Tp.HCM, đội ngũ giảng viên cũng là vấn đề khi thường giáo viên thực hành đều là các bác sĩ, trong khi mức thu nhập hành nghề của họ ở các bệnh viện cao hơn nhiều so với việc đi dạy nên không nhiều người mặn mà với việc dạy thực hành cho sinh viên.

Đặc biệt, với sinh viên ngành dược, hầu như không còn công ty dược thuộc cổ phần nhà nước mà chủ yếu là công ty tư nhân. Việc các trường đào tạo ngành dược xin cho sinh viên vào thực hành cực kỳ khó khăn.

Hiện nay, việc tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe đang thực hiện theo Nghị định 111 về số giảng viên thực hành/giường bệnh tại một bệnh viện; số sinh viên thực hành/giường bệnh.

Tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 20% và tối đa là 80% của tổng thời lượng chương trình thực hành. Các quy định cũng hướng dẫn, hoạt động hướng dẫn thực hành ngành y chính quy là dưới 15 sinh viên/giảng viên.

Phát biểu tại buổi làm việc với Khoa Y, Đại học Quốc gia Tp.HCM hôm 23/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Khoa Y, Đại học Quốc gia Tp.HCM nên thành lập bệnh viện để sinh viên có nơi thực hành.

"Hiện sinh viên đã gặp khó khăn trong thực hành ở các bệnh viện, đến cơ sở thực hành lâm sàng cũng không có thì các em rất thiệt thòi, giảng viên cũng rất khó truyền đạt, đảm bảo chất lượng đào tạo", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tác giả: Nguyễn Thành Nhân

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP