Hôm qua 18/1, VPF có công văn gửi CLB HAGL có đoạn nội dung: “Nhà tài trợ chính của giải được quyền quảng bá độc quyền trong các hoạt động tuyên truyền, họp báo, đặt bảng quảng cáo và hoạt động thương mại khác liên quan đến giải”.
VPF đề nghị CLB HAGL không được đặt biển quảng cáo nhà tài trợ mới (nước tăng lực Carabao) trên sân, logo trên áo đấu, hoạt động bên lề tại ngày tập và thi đấu ở sân Pleiku (sân nhà của HAGL).
VPF cấm HAGL quảng bá sản phẩm liên quan đến nhà tài trợ chính của giải đấu. |
Ngay sau đó, CLB HAGL có văn bản phúc đáp VPF có nội dung: “Trong hoạt động của một CLB bóng đá chuyên nghiệp, nguồn thu từ các nhà tài trợ là quan trọng nhất. Nếu Công ty VPF không cho phép sự hợp tác quảng cáo giữa CLB HAGL với nhãn hàng nước tăng lực Carabao thì CLB sẽ mất nguồn thu, không có tiền trả lương huấn luyện viên, cầu thủ và các chi phí hoạt động của đội bóng. Hệ quả lớn nữa là CLB HAGL sẽ phải đền bù thiệt hại hợp đồng cho Carabao, việc này còn gây tổn hại cho uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trên thương trường quốc tế”.
Một diễn biến khác, bầu Đức tuyên bố: “VPF không cho HAGL quảng cáo cho nhà tài trợ thì chúng tôi nghỉ đá, không có vấn đề gì cả. Họ không cho chúng tôi có quyền chọn lựa. Thử hỏi tất cả các CLB xem, không có tài trợ thì sao chơi?
Trên thế giới này, không có đội bóng nào tồn tại nếu thiếu nhà tài trợ. Ở những nước khác, như Thái Lan chẳng hạn, việc các thương hiệu có cùng ngành hàng tài trợ cho CLB và Ban tổ chức giải là hai vấn đề khác nhau, không ai cấm cả”.
Bầu Đức không đồng ý với công văn của VPF. |
Nhân câu chuyện của VPF và HAGL hãy nhìn về Thai League - giải đấu số 1 của Thái Lan - nền bóng đá có đội tuyển quốc vừa đánh bại tuyển Việt Nam ở chung kết AFF Cup 2022. Tiền và quyền lợi CLB của giải đấu này được phân khúc như thế nào?
Một nhà tài trợ từng chia tay V.League nhưng tài trợ gần 20 triệu USD/3 mùa cho Thai League, tức hơn 460 tỷ đồng và trung bình 1 mùa có hơn 153 tỷ đồng. Vấn đề số tiền này gấp mấy lần V.League nhưng vẫn nhỏ so với chuyện Thai League kiếm tiền chia cho các CLB. Nguồn thu chính là tiền bản quyền truyền hình. Đây mới là xương sống của Thai League, giống như mọi giải đấu lớn trên thế giới.
Giai đoạn 2011 - 2013, Thái League có tiền bản quyền truyền hình là hơn 38 triệu baht/mùa (hơn 28,5 tỷ đồng). Từ 2014 đến 2015, số tiền này khoảng 120 triệu baht/mùa (hơn 90 tỷ đồng). Năm 2016 – 2020, trị giá hợp đồng lên đến hàng tỷ baht/mùa (hơn 700 tỷ đồng). Năm 2021 – 2028, Thai League tăng lên 12 tỷ baht (gần 9.000 tỷ đồng), tức mỗi năm trung bình là 1,5 tỷ baht (hơn 1.115 tỷ đồng).
Thai League được thay đổi để hoạt động theo mô hình của Premier League (giải Ngoại hạng Anh). Và nhìn con số kể trên để thấy mỗi đội ở Thai League đều nhận được vài chục tỷ sau mỗi mùa giải. Để dễ hình dung hơn thì cần qua cách chia tiền ở Premier League. Norwich - đội bét bảng Ngoại hạng Anh năm ngoái kiếm được 115 triệu USD, tức rớt hạng vẫn có kinh phí để trở lại. Lý do giải Ngoại hạng Anh có 2,9 tỷ USD từ bản quyền truyền hình trong và ngoài nước. Mỗi đội được chia khoảng 87,5 triệu USD.
Câu chuyện Thai League kiếm tiền để chia cho các CLB là con số mơ ước cho mọi đội bóng Việt Nam, khi gần như chỉ nhận lại bạc cắc từ sân chơi chuyên nghiệp. Tức CLb phải tự kiếm tiền hoạt động và nhiều CLB “chết” do nhà tài trợ bỏ rơi.
Trong bối cảnh không có tiền để chia thì sân chơi chuyên nghiệp Việt Nam phải sống từ nhà tài trợ. VPF cũng vậy. Câu chuyện của VPF và HAGL cần được nhìn vào hoàn cảnh thực tế của bóng đá Việt Nam. Trường hợp HAGL bị cấm quảng bá nhà tài trợ, tức chẳng khác gì VPF muốn đội bóng này bỏ giải. Ngược lại, VPF muốn giữ nguồn thu của giải đấu là nhà tài chính được đảm bảo quyền lợi, kinh phí hoạt động.
VPF và các CLB chuyên nghiệp cần phải có điều lệ hợp lý, vừa đảm bảo được quyền lợi cho giải đấu, vừa tạo điều kiện cho các CLB kiếm tiền trong bối cảnh chưa có “miếng bánh” đủ lớn để chia cho nhau. Vì bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua sống từ tiền túi của các ông chủ, hay được sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương là không đúng. Bóng đá là một ngành sinh ra tiền chứ không phải bỏ tiền để chơi, sau đó hết tiền thì CLB bỏ giải.
Câu chuyện của VPF và HAGL nếu nhìn nhận theo hướng ai đúng - ai sai thì cuối cùng phần thiệt thòi vẫn là bóng đá Việt Nam. Điều quan trọng nhất là hai bên cần có sự tháo gỡ để tránh xảy ra chuyện tương tự trong tương lai và nhìn đúng về câu chuyện bóng đá chuyên nghiệp, không phải nhìn vào quyền lợi riêng hay điều lệ, quy định. Vì cái gì chưa đúng thì cần phải sửa, cần sự góp ý cho nhau để tốt cho bóng đá Việt Nam.
Tựu trung, VPF cần cân nhắc việc bắt bí với CLB HAGL trong bối cảnh “ván đóng thuyền”, vì giải đấu diễn ra vào đầu tháng sau. Và không chỉ riêng CLB HAGL mà bất cứ đội bóng nào ở V.League cũng cần được ủng hộ trong việc kiếm tiền, có nhiều nhà tài trợ lớn để thoát cảnh sống dựa vào tiền túi các ông chủ. Ngược lại, các CLB cần tuân thủ luật chơi để VPF điều hành tốt giải đấu, nâng cao chất lượng để kiếm nhiều tiền. Vì bản chất CLB tốt thì VPF thuận lợi kiếm tiền, VPF kiếm được nhiều tiền thì CLB được chia tiền. Mối quan hệ này là cộng sinh, cùng nhau phát triển chứ không phải đấu nhau.
Tác giả: Văn Nhân
Nguồn tin: saostar.vn