Trong tỉnh

Nghệ An: Xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang đê điều, thủy lợi

Kênh tiêu Vách Bắc phục vụ tưới tiêu, thoát lũ cho 12.000 ha đất sản xuất nông nghiệp Nghệ An, song tình trạng vi phạm hành lang đê điều đã ảnh hưởng lớn đến khả năng tiêu thoát lũ ở địa phương.

Dãy nhà vi phạm hành lang kênh Vách Bắc tại xã Đông Thành (Nghệ An). (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Thực trạng này đang để lại những hệ lụy trước mắt và lâu dài, nhất là ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ trong mùa mưa bão.

Kênh tiêu Vách Bắc dài khoảng 20km là công trình thủy lợi đặc biệt quan trọng trong việc tưới tiêu và tiêu thoát lũ cho hơn 12.000 ha đất sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương của huyện Yên Thành, Diễn Châu (cũ), tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, trong thời gian dài, tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên hành lang kênh không được xử lý triệt để, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiêu thoát lũ.

Đặc biệt, trong một tháng trở lại đây, lợi dụng lúc chuyển giao chính quyền hai cấp, nhiều hộ dân xã Đông Thành đã tự ý tập kết vật liệu, ồ ạt xây dựng các công trình kiên cố như nhà ở, kiốt ngay trên hành lang kênh, bất chấp sự ngăn cấm của chính quyền địa phương.

Theo ông T., người dân xóm Gia Mỹ (xã Đông Thành), việc xây dựng trái phép đã diễn ra từ lâu, nhưng bùng phát mạnh nhất là thời gian gần đây. "Thấy nhiều hộ xây dựng, tôi cũng mua vật liệu rồi quây tôn để dựng kiốt.

Vì hành lang kênh giáp tỉnh lộ 537, thuận lợi cho việc buôn bán nên người dân vẫn cố tình xây dựng," ông T. cho biết. Còn theo anh Lê Đức Tùng, xóm Phú Xuân, xã Đông Thành, hiện nhu cầu về nhà ở của người dân rất cao, trong khi quỹ đất địa phương hạn chế.

Các công trình vi phạm hành lang kênh Vách Bắc tại xóm Gia Mỹ, xã Đông Thành, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Ngoài ra, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, không có nghề phụ nên muốn có nơi để kinh doanh, nâng cao thu nhập. "Cực chẳng đã người dân mới lén lút xây dựng kiốt trái phép trên hành lang kênh, dù chính quyền địa phương ngăn cấm. Hy vọng thời gian tới, chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ người dân," anh Tùng cho hay.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên đoạn kênh Vách Bắc qua xã Đông Thành hiện đã có đến 200 căn nhà xây dựng trái phép; trong đó có hàng chục căn vừa mới hoàn thiện phần móng.

Ông Võ Thanh Cao, xóm trưởng xóm Gia Mỹ, xã Đông Thành, tỉnh Nghệ An, cho biết lợi dụng thời điểm chuyển giao chính quyền hai cấp, nhiều hộ dân trong xóm đã tiến hành xây dựng trái phép các kiốt ven kênh Vách Bắc. Chính quyền địa phương cấp xã, xóm thường xuyên tuyên truyền, giám sát, tuy nhiên người dân vẫn lợi dụng đêm tối để quây tôn, xây dựng trái phép.

Lý giải nguyên nhân tình trạng vi phạm hành lang kênh Vách Bắc kéo dài nhiều năm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đông Thành, ông Phan Đức Tân cho biết, trước đây Ủy ban Nhân dân xã Đô Thành (cũ) từng bán một số diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ và trong lòng kênh cho người dân trong xã để xây nhà. Từ đó, nhiều người dân cũng lợi dụng để xây dựng nhà trái phép, khiến công tác xử lý phức tạp, kéo dài.

Cũng theo ông Phan Đức Tân, để ngăn chặn tình trạng vi phạm hành lang kênh Vách Bắc, ngay sau khi thành lập, Ủy ban Nhân dân xã đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, giao thông và thủy lợi trên địa bàn.

Ban chỉ đạo sau đó đã thành lập hai tổ tuần tra xử lý vi phạm, túc trực 24/24 giờ tại hai điểm "nóng" trên kênh Vách Bắc với nhiệm vụ ngăn chặn phát sinh các vi phạm mới và vận động người dân tháo dỡ các công trình vi phạm. Bước đầu, không phát sinh thêm vi phạm mới, ba gia đình vi phạm đã tự nguyện tháo dỡ.

Về lâu dài, chính quyền xã đã chỉ đạo các phòng chuyên môn lập báo cáo, đánh giá lại hiện trạng sử dụng đất và xây dựng trên toàn xã. Chính quyền địa phương sẽ tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ các công trình vi phạm; trường hợp không chấp hành sẽ có phương án cưỡng chế theo quy định.

Không chỉ kênh Vách Bắc, một số tuyến khác như kênh tiêu Vũ Giang qua xã Vân Tụ cũng bị lấn chiếm. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do quỹ đất hạn hẹp và các vi phạm tồn tại từ nhiều năm trước.

Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An cho biết, toàn tỉnh có gần 500 km đê; trong đó, khoảng 68 km do Chi cục quản lý, phần còn lại do các địa phương quản lý. Thời gian qua, tình trạng vi phạm trên các tuyến đê do địa phương quản lý diễn ra khá phức tạp.

Ngoài nguyên nhân do lịch sử để lại, việc quản lý của chính quyền địa phương còn thiếu sát sao."Để xử lý dứt điểm, chính quyền địa phương cần quyết liệt hơn; đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ quy định pháp luật và nâng cao nhận thức về bảo vệ công trình thủy lợi," ông Thành nhấn mạnh./.

Tác giả: Văn Tý

Nguồn tin: vietnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP