Trong tỉnh

Nghệ An: Cần xác định rõ “hành lang đê điều” của sông Vũ Giang, đoạn qua xã Liên Thành

Không hẳn như câu chuyện “giao đất trái thẩm quyền” xảy ra tại xã Phúc Thành, Sơn Thành, Mỹ Thành mà đã phản ánh, 78 hộ dân xã Liên Thành “mua đất” của UBND xã từ năm 1989 đến năm 1995 ở phía Nam tuyến giao thông từ xóm 4 đến cầu chợ Vẹo, nay đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi vì “vi phạm hành lang đê điều”. Nhiều hộ dở khóc dở mếu vì đã làm nhà kiên cố tiền tỷ trên đất “mua” hợp pháp...

Đã có 33 hộ gia đình làm nhà kiên cố trên 78 lô đất do UBND xã Liên Thành bán cho dân từ năm 1989 đến 1995

Đi mắc núi, lùi mắc sông…

Một số thương binh, cựu chiến binh xã Liên Thành tìm đến Văn phòng đại diện của Tạp chí Hướng Nghiệp và Hòa Nhập/Tạp chí điện tử Hòa Nhập tại Nghệ An, phản ánh việc: Từ năm 1989 đến năm 1995, theo thông báo của Chủ tịch UBND xã, họ đã nộp tiền để được giao quyền sử dụng (QSD) đất tại các thửa bám dọc phía Nam tuyến giao thông liên xã từ xóm Phúc Duệ (xóm 4) đến cầu chợ Vẹo. Sau khi nộp tiền, tùy điều kiện của từng gia đình, năm 2005 và 2006 có 18 lô được Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” (bìa đỏ), 33 hộ gia đình đã làm nhà kiên cố trên phần đất được giao, 8 hộ đã xây móng, hoàn thiện mặt bằng nền. Những hộ được cấp “bìa đỏ” chủ yếu từ thời ông Phan Văn Tân- Chủ tịch UBND huyện Yên Thành.

Khu vực 78 lô đất nêu trên, được quy hoạch là đất ở, bám dọc theo tuyến giao thông liên xã, từ Khánh Thành đi lên xã Tây Thành. Nhiều lô còn cách mép sông Vũ Giang hàng chục mét.

Theo phản ánh của họ, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính với UBND xã Liên Thành, các hộ đã đề nghị được làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSD đất nhưng Chủ tịch UBND xã Liên Thành (lúc đó là ông Thái Văn Độ) trả lời là: Huyện chưa có chủ trương xét cấp. Vào khoảng năm 2005 và 2006, một số hộ không biết bằng cách nào, đã được được cán bộ địa chính xã và phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Thành làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSD đất trong khi nhiều hộ khác không hề hay biết. Cho mãi đến năm 2015 một số hộ vẫn được phòng Tài nguyên và Môi trường thụ lý hồ sơ trình ông Nguyễn Thanh Hà- Phó Chủ tịch UBND huyện ký, cấp “sổ đỏ”. Thấy hàng xóm được cấp “sổ đỏ” các hộ còn lại mới tá hỏa chạy ngược xuôi xin làm thủ tục. Họ rỉ tai nhau “muốn làm được phải chi khoảng 30 triệu đồng cho mỗi bìa”. Họ không tin. Nhiều người lên hỏi Chủ tịch UBND xã, vẫn câu trả lời nhận được là: “Huyện chưa có chủ trương”. Tin tưởng vào sự minh bạch, ông Nguyễn Tâm Hiếu, ông Phan Văn Minh, bà Nguyễn Hoàng Lan, ông Phạm Xuân Các, ông Phan Xuân Nhuần và một số hộ khác đã làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSD đất. Hồ sơ của họ đã được UBND xã Liên Thành và Văn phòng Đăng ký QSD đất thẩm định, duyệt nhưng lên đến phòng Tài nguyên và Môi trường thì bị “ách lại” với lý do “vi phạm hành lang đê điều”.

Phiếu nộp tiền của các hộ dân vào ngân sách UBND xã Liên Thành còn được các họ lưu giữ nằm trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Do không được “cấp bìa đỏ”, các hộ đã có đơn gửi Chủ tịch UBND huyện Yên Thành. Đơn gửi đi từ năm 2017 nhưng mãi đến ngày 14/8/2019 một số hộ dân này nhận được văn bản trả lời của ông Phan Thanh Hà với nội dung: Việc UBND xã Liên Thành giao đất cho dân có thu tiền vào thời điểm trên là “không đúng thẩm quyền” và “không phù hợp quy hoạch, nằm trong hành lang bảo vệ đê Vũ Giang” do vậy UBND huyện Yên Thành không xét cấp Giấy chứng nhận QSD đất nữa.

Dân sai hay cán bộ thiếu trách nhiệm?

Vào thời điểm trên, không chỉ xã Liên Thành mà rất nhiều nơi, UBND xã có chủ trương “bán đất” cho dân để giải quyết nhu cầu về đất ở. Sau khi nộp tiền “mua đất” cho UBND xã, nhiều trường hợp “khôn khéo” đã được cấp Chủ tịch UBND huyện cấp Giấy chứng nhận QSD đất ngay sau đó không lâu. Có trường hợp, đến nay vẫn được xét cấp Giấy chứng nhận QSD đất bình thường theo diện “đất tồn đọng”.

Ngày 04/6/2007, ông Phạm Xuân Các, người mua lô đất số 804 đã hoàn tất hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSD đất nhưng bị ách lại bằng 1 câu giải thích “huyện chưa có chủ trương”. Thế nhưng trước đó đã có nhiều hộ được cấp “sổ đỏ”

Điều băn khoăn ở 78 lô đất nêu trên của các hộ dân xã Liên Thành là: vị trí các thửa đất đã được bán cho dân nêu trên, bám dọc theo tuyến đường giao thông liên xã (từ Khánh Thành đến Tây Thành), có rất nhiều lô cách lòng song Vũ Giang khá xa. Khi các hộ dân làm nhà kiên cố (nhiều nhà cao 3 tầng kiểu biệt thự), không hề bị chính quyền sở tại ngăn cản, xử phạt. Vị trí những “công trình trái phép” này nằm rất gần quốc lộ 7B (bên chân cầu Thông) hoặc trên trục đường từ QL7B về trụ sở UBND xã Liên Thành. Với vị trí các lô đất như vậy, chắc chắn nhiều cán bộ của UBND huyện Yên Thành (trong đó có cán bộ của phòng Tài nguyên và Môi trường, cán bộ phòng Nông nghiệp, cán bộ phòng Kinh tế - Hạ tầng, Thanh tra…) nhìn thấy. Nơi đây cũng là địa chỉ quán “Cá tràu nướng” mà không ít cán bộ huyện hơn 1 lần ghé thăm. Vậy tại sao, cả một thời gian dài, không có bất cứ cán bộ có trách nhiệm nào có ý kiến với Chủ tịch UBND huyện, Bí thư Huyện ủy Yên Thành để ngăn chặn, xư lý?

Thửa đất này còn cách sông Vũ Giang rất xa nhưng vẫn phải chịu chung số phận “vi phạm hành lang đê điều”. “Nỗi oan” này có được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An hóa giải?

Từ phản ánh của bạn đọc, ngày 27/8, phóng viên Hòa Nhập đã có buổi làm việc với ông Đặng Ngọc Công- Chủ tịch UBND xã Liên Thành. Ông Công cho biết: “Ngày 04/10 và ngày 14/11/2017, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đã về xã làm việc, nghe báo cáo nguồn gốc, quá trình sử dụng và hiện trạng sử dụng đất của 78 hộ nêu trên. Sau 2 buổi họp, cả Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đều thông nhất ý kiến chỉ đạo là: dừng mọi giao dịch mua bán, chuyện nhượng quyền sử dụng đất và xây dựng công trình trên đất đối với 78 lô đất này”. Theo quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo huyện thì 78 lô đất nêu trên “nằm trong hành lang đê điều” nên không được cấp Giấy chứng nhận QSD đất và không được xây dựng nhà ở trên đó. Để giải quyết quyền lợi cho người dân, theo ông Công cho hay: “Ngày 20/3/2018, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đã ký quyết định số 2168/QĐ.UBND cho phép UBND xã Liên Thành lựa chọn địa điểm để lập quy hoạch, xây dựng hạ tầng để di dời các hộ dân từ 78 lô đất nêu trên về vùng quy hoạch mới”. Dịa điểm đã được Chủ tịch UBND huyện quyết định và đưa vào văn bản trên là vùng Con Me, thuộc xóm 2, tổng diện tích 28.000m2.

Cái khó chưa ló cái khôn.

Điều ông Công băn khoăn trong việc di dân này là, vị trí mà UBND xã Liên Thành đã lựa chọn, đã được Chủ tịch UBND huyện Yên Thành phê duyệt, 28 ngàn m2 đất này đã giao cho dân theo Nghị định 64 nên việc thu hồi và đền bù không đơn giản, kinh phí lấy ở đâu ra? Mặt khác, ở nơi đi, đã có 33 hộ làm nhà kiên cố, có công trình hơn 1 tỷ đồng, 8 hộ đã xây móng và san nền, vì vậy số tiền bồi thường, hỗ trợ cho họ cũng không phải là ít.

Ông Công đề nghị: “Nếu nói 78 lô đất mà UBND xã Liên Thành trước đây bán cho dân trái thẩm quyền thì chưa thuyết phục vì hồi đó đã có văn bản nào cấm đâu. Thứ nữa, nếu nói cả 78 lô đất này nằm trong hành lang đê điều thì cũng chưa hẳn, vì nhiều lô còn cách mép sông Vũ Giang hàng chục, thậm chí hàng tram mét, phía sau nhiều lô đất đang còn ruộng lúa”. Vì vậy, theo ông Công: “Huyện nên mời 1 cơ quan chức năng, chuyên sâu về đê điều về để xác minh, xác định lại để viện dẫn ra các quy định cụ thể theo luật Đê điều chứ không thể nói chung chung như hiện nay được, bà con họ không tâm phục khẩu phục”.

Nếu phải di dời đi nơi khác, những tài sản trên đất này của dân sẽ được định giá bao nhiêu? Nguồn kinh phí nào để giải quyết khi nguồn thu của huyện Yên Thành hàng năm chỉ mới đạt 1/10 tổng chi ngân sách?

Đem băn khoản của ông Công hỏi một số cán bộ phòng Nông nghiệp, phòng Tài nguyên và Môi trường của UBND huyện Yên Thành: Như thế nào thì được gọi là “hành lang đê điều? Từ tim của sông Vũ Giang ra 2 bên bao nhiêu mét thì được gọi là đê? Tuyến giao thông liên xã từ xóm 4 đến cầu Vẹo thuộc địa phận xã Liên Thành có được gọi là đê Vũ Giang không?... Không ai tra lời được 3 câu hỏi này. Vậy thì nỗi băn khoăn của ông Công thay cho dân là có lý!

Mong rằng, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, vì tâm tư nguyện vọng chính đáng của 78 hộ dân nêu trên, sẽ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An có hướng giải quyết phù hợp. Theo điều tra của phóng viên Hòa Nhập, 78 lô đất nêu trên hiện đã được các hộ chia ra rất nhiều lô và đã chuyển nhượng. Như vậy, đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp không chỉ là 78 hộ mà đã lên tới khoảng 150 gia đình. Phương án giải quyết không hẳn là khó mà cán bộ tham mưu vụ việc này cần đặt mình vào hoàn cảnh của họ.

Tác giả: Trần Cường - Trần Văn Công

Nguồn tin: hoanhap.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP