Trong tỉnh

Nghệ An: Vì sao bến xe xây dựng trăm tỷ vẫn chưa đưa vào hoạt động?

Bến xe Miền Trung là dự án được đầu tư theo diện thu hút của tỉnh Nghệ An. Thế nhưng, sau khi hoàn thành đầu tư cơ sở vật chất hiện đại với số vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng thì đến nay bến xe “vắng như chùa bà Đanh”. Doanh nghiệp rơi vào thua lỗ và cho rằng đang bị tỉnh này đối xử không công bằng?

Dự án được… “trải thảm đỏ”

Ngày 3/3/2008, tại TP.HCM, ông Trần Lê Dũng - Chủ tịch HĐQT Vinaceglass đã ký thỏa thuận đầu tư với UBND tỉnh Nghệ An sẽ đầu tư ba dự án vào tỉnh này, trong đó có tổ hợp các công trình dịch vụ vận tải gồm có Bến xe Miền Trung (phía Nam thành phố Vinh), với mục tiêu đáp ứng nhu cầu phát triển của TP. Vinh xứng với đô thị loại I, đưa các hoạt động về dịch vụ vận tải, bến bãi ra ngoài thành phố, góp phần giải tỏa ách tắc giao thông trong nội thành, giảm thiểu tai nạn giao thông, cũng như góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An đến năm 2020.

Bến xe Miền Trung đã xây dựng xong hoành tráng và đi vào hoạt động đã 4 tháng nay.

Đến nay, đi vào hoạt động thì bến xe “vắng như chùa bà đanh”. Có mặt tại bến xe Miền Trung vào thời điểm này, PV ghi nhận cảnh buồn vắng của bến xe, nơi được cho là sẽ giải tỏa ách tắc giao thông giảm thiểu tai nạn giao thông, cho bến xe trung tâm TP Vinh khi đang ngày càng quá tải. Ngoài sân bãi không hề có bóng dáng chiếc xe khách nào. Quang cảnh bên trong nhà chờ còn ảm đạm hơn. Cả hàng dài ghế bám bụi, phòng vé vắng vẻ, tĩnh lặng. Các nhân viên ngồi chơi xơi nước…trông rất thảm hại.

Ông Trần Lê Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinaceglass, bức xúc: “Bao nhiêu lần kiến nghị rồi, cũng có nhiều cuộc họp rồi. UBND tỉnh Nghệ An vẫn không chịu dứt khoát, hết lần này đến lần khác cứ gia hạn cho Công ty CP Bến xe Nghệ An, không chịu thực hiện như quy hoạch ban đầu. Chúng tôi thì ngày càng thua lỗ, theo tính toán, mỗi tháng lỗ đến 1,5 tỉ đồng”.

Bến xe Miền Trung đã xây dựng xong hoành tráng và đi vào hoạt động đã 4 tháng nay.

Bến xe Miền Trung (nằm ở phía Nam TP. Vinh) được xây dựng trên diện tích 30.471m2 với quy mô phục vụ 800 - 1.000 xe xuất bến/ngày đêm, là một trong những hạng mục công trình thu hút đầu tư với sự ưu đãi đặc biệt của tỉnh Nghệ An, bởi đây là công trình xã hội hóa được áp dụng trong lộ trình phát triển đô thị thành phố Vinh trở thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ.

Tuy nhiên phía chủ đầu tư cho hay nguyên nhân đìu hiu buồn vắng là vì Nghệ An vẫn tiếp tục gia hạn cho bến xe trung tâm TP Vinh hoạt động mà không kiên quyết đóng cửa và di dời theo đúng quy hoạch trước đó. Chính vì vậy, bến xe Miền Trung không thể thu hút xe khách vào bến.

Liên tục gia hạn cho dự án chậm tiến độ

Bến xe Miền Trung được thiết kế hiện đại, toàn bộ quản lý, điều hành, giám sát bến xe thông minh, điều hành thông qua hệ thống công nghệ thông tin, Camera, phương tiện ra - vào bến bằng thẻ từ. Bến xe có đầy đủ các dịch vụ cần thiết phục vụ nhu cầu của người dân, ngoài ra còn có kho bãi cho thuê, điểm lưu giữ hàng hóa, dịch vụ chuyển phát nhanh, vận chuyển, trung chuyển hàng vào nội TP.Vinh, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại thuận lợi cho người dân, góp phần giảm thiểu TNGT, giải tỏa ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành và phục vụ việc di dời các bến xe khách ra khỏi trung tâm TP. Vinh, thế nhưng lại không có xe vào bến.

Bến xe phía Bắc Tp Vinh, sau hơn 5 năm vẫn còn dang dở.

Trong Văn bản số 44/CV-CER, gửi ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An của Công ty CP ĐT&PT Miền Trung, phản hồi việc đối xử không công bằng của UBND tỉnh Nghệ An giữa hai nhà đầu tư Bến xe phía Bắc và Nam Tp Vinh nêu rõ: Bến xe Miền Trung đã được Tập đoàn Onduline - CH Pháp trao giải Top 10 “Công trình ấn tượng 2017” do được ứng dụng các loại vật liệu xanh, thân thiện với môi trường.

Bến xe Miền Trung đã đi vào hoạt động chính thức từ ngày 21/8/2017, nhưng có rất ít xe ra vào bến do những nguyên nhân trên. Chúng tôi đã tổ chức hội nghị khách hàng và làm việc với từng doanh nghiệp, HTX vận tải, nhà xe và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh để đấu nối các tuyến mới. Nhưng thực tế các khách hàng chỉ chuyển ra bến xe mới khi bến xe trong nội đô thành phố ngừng hoạt động.

Trong khi đó, Công ty CP Bến xe Vinh được phê duyệt dự án bến xe phía Bắc thành phố, vị trí bến xe hiện tại (số 77 đường Lê Lợi - Tp Vinh), đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt chuyển đổi thành dự án bất động sản. Bến xe phía Bắc thành phố đã khởi công ngày 19/9/2012, cho đến nay là hơn 5 năm 3 tháng vẫn chưa hoàn thành và đã được UBND tỉnh nhiều lần cho phép gia hạn.

Công văn của Công ty Vinaceglass gửi Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

Bên canh đó, tại Quyết định số: 25/2011/QĐ-UBND, của UBND tinh Nghệ An, ký ngày 30 tháng 5 năm 2011 về việc Ban hành quy hoạch hệ thống bến xe khách trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, nêu rõ Quy hoạch chi tiết hệ thống các Bến xe khách trên địa bàn tỉnh Nghệ An được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4868/QĐ.UB.ĐT ngày 20/12/2004 chưa đáp ứng được mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới.

Địa điểm các bến xe khách hiện nay phần lớn nằm tại trung tâm thành phố Vinh, các thị xã, thị trấn; vị trí một số bến xe không còn phù hợp với quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh trên địa bàn cần phải di dời (cụ thể như bến xe Vinh, bến xe Chợ Vinh...), quy mô bến xe tại một số địa phương chưa tương xứng và chưa đủ tiêu chuẩn để hoạt động trên các tuyến liên tỉnh, nhiều khu vực địa bàn chưa có bến xe để đáp ứng nhu cầu đi lại trên các tuyến nội tỉnh và liên tỉnh của nhân dân trước mắt và trong thời gian tới.

Quy hoạch là thế, thế nhưng khi bến xe Miền Trung xây dựng xong đi vào hoạt động, thì sao UBND tỉnh Nghệ An, lại không dứt khoát đóng cửa bến xe trung tâm thành phố. Nếu kiên quyết thực hiện theo quy hoạch mà không tiếp tục gia hạn, thì bến xe phía Bắc bắt buộc phải đẩy nhanh tiến độ để đi vào hoạt động từ nhiều năm trước.

Bến xe Miền Trung đã xây dựng xong hoành tráng và đi vào hoạt động đã 4 tháng nay nhưng vắng khách

Ông Dũng, cho biết thêm: “Theo quy hoạch thì dù không xong cũng phải đóng cửa chứ. Bây giờ nếu cần thì họ vẫn có thể chuyển ra chung với chúng tôi đây, chúng tôi không yêu cầu đóng kinh phí. Thế nhưng họ không đóng mà cứ xin gia hạn tiếp để hoạt động. Rất khó khăn cho chúng tôi, bây giờ xây xong bán lại thì không ai mua, hoạt động thì thua lỗ”.

Ông Lê Đức Cường, Chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, nói: “Nội dung này, phải chờ anh Huỳnh Thanh Điền, Phó chủ tịch UBND tỉnh đi công tác về sẽ trả lời nhà báo”.

Chúng tôi cố gắng liên lạc với ông Huỳnh Thanh Điền, nhưng được văn phòng UBND tỉnh giới thiệu làm việc với Sở GTVT Nghệ An.

Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc sở GTVT Nghệ An, cho biết: “Việc có một bến xe mới xây xong mà đóng cửa bến xe khác ngay thì làm gì có. Chưa nói bây giờ là thời điểm giáp tết, nếu đóng bến xe trung tâm Tp Vinh thì nhân dân sẽ phản đối ngay. Còn về chậm tiến độ là do nguồn vốn chậm”(?).

Việc một dự án đầu tư với cơ sở vật chất hiện đại, tiên tiến, phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng lại không thể hoạt động hiệu quả như dự kiến dẫn đến thua lỗ lớn đã làm cho nhà đầu tư theo diện “trải thảm đỏ” cảm thấy bức xúc, chán nản. Mặt khác, việc cứ gia hạn hết lần này đến lần khác cho Bến xe Vinh hoạt động trong nội thành nhưng dự án mới của đơn vị này tiến độ thi công lại “ì ạch” và thậm chí mới đây còn xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng dẫn tới bị đình chỉ thi công là điều khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn.

Vì thế, việc chủ đầu tư dự án theo diện thu hút đầu tư phải thốt lên rằng “UBND tỉnh Nghệ An đối xử thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp” au cũng là điều dễ hiểu!

Đề nghị UBND tỉnh, Sở GTVT Nghệ An cần nhanh chóng xem xét các kiến nghị của Bến xe Miền Trung để đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý, tránh ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư của tỉnh nhà trong tương lai.

Tác giả: Đình Tiệp

Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP