Trong tỉnh

Bến xe lọt top 10 công trình ấn tượng năm 2017 mỗi tháng lỗ 1,5 tỷ

Được đầu tư với số vốn gần 100 tỷ đồng và chính thức đưa vào khai thác từ cuối tháng 8/2017, nhưng đến nay, bến xe miền Trung ở TP.Vinh, tỉnh Nghệ An vẫn phải chịu cảnh đìu hiu do vắng khách.

Bến xe miền Trung là công trình nằm trong dự án Khu dịch vụ vận tải đường bộ Nam TP.Vinh, tỉnh Nghệ An của công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển miền Trung. Với diện tích 19.337m2, bến xe có sức chứa lên đến gần 500 xe, quy mô phục vụ 800 - 1.000 xe xuất bến/ngày đêm với tổng chi phí xây dựng gần 100 tỷ đồng.

Nằm ngay Km20 Quốc lộ 1A đoạn tránh TP.Vinh, bến xe miền Trung được thiết kế khá rộng rãi và vô cùng thuận tiện cho các xe Bắc – Nam vào đón chờ khách.

Đây là bến xe thông minh được thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giám sát, quản lý xe ra vào bến bằng thẻ từ, giám sát bằng camera, có đầy đủ dịch vụ ăn, nghỉ, kho bãi, mua sắm...

Trung tâm bán vé gồm 18 cửa, áp dụng phần mềm bán vé chuyên nghiệp phục vụ tốt nhất nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Bến xe miền Trung được đầu tư gần 100 tỷ đồng.

Điều đặc biệt hơn, bến xe miền Trung được thiết kế, xây dựng bằng công nghệ và vật liệu mới thân thiện với môi trường. Toàn bộ tấm lợp của bến xe có khả năng chịu được khí hậu vô cùng khắc nghiệt.

Chính vì vậy, bến xe miền Trung đã được Tập đoàn Onduline – Cộng hòa Pháp trao giải Top 10 “Công trình ấn tượng 2017” do được ứng dụng các loại vật liệu xanh.

Vào ngày 21/8, sở Giao thông Vận tải Nghệ An đã chính thức ký quyết định công bố đưa bến xe khách liên tỉnh miền Trung vào khai thác. Ngày 2/9, bến xe bắt đầu hoạt động đón trả khách.

Thế nhưng, sau hơn 3 tháng đưa vào sử dụng thì bến xe miền Trung vẫn trong tình trạng “đìu hiu chờ khách”. Mỗi ngày, chỉ có một vài xe khách ra vào bến xe, thời gian còn lại bến luôn… vắng xe và khách.

Khu vực nhà chờ chẳng một bóng người.

Có mặt tại bến xe miền Trung, theo quan sát của PV, sân bến không hề có xe khách nào, nhà chờ chẳng có ai ngồi, không hề có nhân viên bán vé nào đang trực, chỉ có mấy bảo vệ ở cổng và lác đác một số nhân viên dọn vệ sinh đi lại trong bến.

Trao đổi về việc này, ông Trần Văn Thanh, tổng giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển miền Trung, Giám đốc bến xe miền Trung thừa nhận thực trạng có rất ít xe ra vào bến, dù đã đưa vào khai thác được một thời gian. Nguyên nhân được ông Thanh lý giải là vì mới được xây dựng nên khách chưa quen bến, ngại thay đổi và vẫn thích đến bến cũ.

Ngoài ra, bến xe miền Trung nằm ngoài rìa thành phố, cách xa trung tâm trong khi vẫn chưa có phương tiện công cộng đi qua. Muốn di chuyển ra bến mới thì không còn cách nào khác người dân phải ngồi xe ôm, taxi hoặc nhờ người ra đưa đón nên mọi người vẫn sẽ chọn lựa đến bến xe Vinh nằm ngay gần nhà. Cũng chính vì chưa có khách nên các đơn vị vận tải cũng không muốn cho xe vào hoạt động.

Công văn gửi UBND tỉnh nêu rõ công ty mỗi tháng phải chịu lỗ 1,5 tỷ đồng.

“Chúng tôi đã cố gắng tiếp thị, tổ chức hội nghị khách hàng và làm việc với từng doanh nghiệp, HTX vận tải, nhà xe và sở Giao thông Vận tải các tỉnh để đấu nối các tuyến mới. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay chỉ có vài chục xe đăng ký bến đỗ, phần lớn là các xe chạy Bắc – Nam dừng nghỉ giữa đường. Bến xe miền Trung thực sự thu hút được khách chỉ khi bến xe trong nội đô thành phố ngừng hoạt động”, ông Thanh cho hay.

Ngày 8/12, trong công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An, công ty này cho biết do không có khách, không đảm bảo việc làm cho nhân viên công ty nên từ khi đi vào hoạt động, mỗi tháng công ty chịu lỗ khoảng 1,5 tỷ đồng.

“Đây là kết quả của việc đối xử không công bằng của UBND tỉnh Nghệ An với các nhà đầu tư trong cùng lĩnh vực”, công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An của công ty này nêu rõ.

Nếu không tìm giải pháp, dự kiến bến xe miền Trung còn lỗ nhiều hơn

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thì đến ngày 31/3/2018, các bến xe nội đô phải đóng cửa và di chuyển ra ngoài thành phố, trong đó có bến xe Vinh.

Tuy nhiên, vào ngày 26/11, xảy ra tai nạn trong quá trình thi công khiến 10 người bị thương, công trình bến xe phía Bắc đã bị đình chỉ xây dựng mà chưa biết khi nào sẽ bắt đầu lại.

Trước thực trạng này, thời hạn do UBND tỉnh đề ra để di dời bến xe Vinh xem ra rất khó hoàn thành. Trong thời gian đó, bến xe miền Trung sẽ tiếp tục phải chịu lỗ và dự đoán con số sẽ rất khổng lồ.

Tác giả: Anh Ngọc

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP