Tuyên truyền trên đường TTKS
13h30 ngày 24/3, Tổ TTKS, Đội CSGT Công an huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), thực hiện nhiệm vụ tại tuyến đường trung tâm đoạn qua khối Tân Minh, thị trấn Nghĩa Đàn, huyện Nghĩa Đàn. Đây là tuyến đường huyết mạch dẫn vào các xã, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Trên tuyến đường này, vào giờ cao điểm có rất đông người và phương tiện qua lại, đã xảy ra nhiều vụ TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, không đội MBH và thiếu quan sát khi qua đường gây mất ATGT.
"Ngoài việc tổ chức tuyên truyền ATGT, lực lượng CSGT huyện cũng thường xuyên lập chốt TTKS và sử dụng môtô tuần tra lưu động trên các tuyến đường dọc thị trấn, những tuyến đường dẫn về thôn xóm để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm giao thông. “Cách làm này vừa tăng tính răn đe, vừa hạn chế được các hành vi né tránh của người vi phạm khi thấy có sự xuất hiện của lực lượng CSGT”, Thiếu tá Đặng Xuân Kiều, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Nghĩa Đàn cho hay.
Tại khu vực trung tâm thị trấn, trong vòng hơn một giờ, Tổ TTKS dừng kiểm tra 10 phương tiện, xử lý 4 trường hợp vi phạm giao thông. Em Võ Hùng Lĩnh (SN 1999, trú xóm Hồng Lộc, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn) đang điều khiển môtô BKS 37G1 - 595.43, chuyển hướng sang đường không có tín hiệu báo hướng rẽ. Tại thời điểm kiểm tra, em Lĩnh dưới 18 tuổi, chưa đủ tuổi điều khiển xe môtô có dung tích 50cm3 trở lên. Khi buộc tạm giữ phương tiện 7 ngày, em Lĩnh thanh minh: “Do nhà xa lại neo người nên em phải lên thị trấn để lấy đăng ký xe đạp điện, chứ không nghĩ chưa đủ tuổi điều khiển xe máy lại gây nguy hiểm khi tham gia giao thông”.
Trung úy Lê Đức Huân, Tổ trưởng Tổ TTKS đã trực tiếp giải thích các quy định trong xử lý vi phạm đối với người dưới 18 tuổi điều khiển phương tiện có dung tích 50cm3 trở lên. “Mục đích của tạm giữ phương tiện là để đảm bảo an toàn cho chính người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông khác”, Trung úy Huân nói.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Đội CSGT Công an huyện Nghĩa Đàn đã lập biên bản 478 trường hợp vi phạm giao thông, trong đó 24 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 160 trường hợp vi phạm không đội MBH, 15 trường hợp vi phạm lỗi người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh 50cm3 trở lên, tạm giữ 210 mô tô, 5 ô tô.
“Do đây là địa bàn nông thôn, miền núi, người dân chưa nắm vững kiến thức pháp luật giao thông, nên quá trình TTKS, xử lý vi phạm, lực lượng CSGT đều tuyên truyền, giải thích thấu đáo cho bà con”, Trung úy Huân cho biết thêm.
Sân khấu hóa các hành vi vi phạm giao thông
Trong năm 2016, huyện Nghĩa Đàn là một trong những địa phương giảm sâu cả 3 tiêu chí về TNGT, trong đó số người tử vong giảm đến 80% so với năm 2015.
Thiếu tá Đặng Xuân Kiều, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Nghĩa Đàn cho biết: Năm 2015, Nghĩa Đàn xảy ra 5 vụ TNGT, làm chết 3 người, trở thành địa phương có tỷ lệ TNGT cao trong toàn tỉnh.
Để kéo giảm TNGT, địa phương đã chủ động đưa lực lượng công an huyện phối hợp cùng hội phụ nữ, ban công an 25 xã, thị trấn tổ chức các buổi tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa pháp luật TTATGT ngay tại thôn xóm. Đồng thời, kết hợp với đoàn thanh niên xuống tận khu dân cư phát tờ rơi, tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền ATGT qua hình thức sân khấu hóa ở các trường học và cho học sinh ký cam kết không vi phạm giao thông. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT sẽ có thông báo về nhà trường đối với các trường hợp giáo viên và học sinh vi phạm giao thông, đây cũng là tiêu chí xem xét, đánh giá xếp loại thi đua các trường trong năm học.
“Sân khấu hóa các hành vi vi phạm giao thông, không chỉ giúp người dân địa phương tăng cường nhận thức, ý thức tham gia giao thông mà còn giúp lực lượng chức năng hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để có biện pháp tuyên truyền nhằm mang lại hiệu quả cao”, Thiếu tá Kiều cho biết.
Tác giả bài viết: Thủy Tiên
Nguồn tin: