Trong tỉnh

Nghệ An: Thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước thực hiện 20.350 tỷ đồng

Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11/2022, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Xuân Đức cho biết: Năm 2022, dưới sự lãnh đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả của các cấp, các ngành cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 đã đạt được kết quả khá tích cực, toàn diện trên lĩnh vực, với 27/28 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.

Quang cảnh phiên họp

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Xuân Đức báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Kinh tế - xã hội được phục hồi và phát triển toàn diện

Năm 2022, mặc dù bị tác động bởi nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được những kết quả rất tích cực. Kinh tế - xã hội được phục hồi và phát triển toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực với 27/28 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra; trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 9,05%; nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp duy trì mức tăng trưởng tốt. Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước thực hiện 20.350 tỷ đồng, tăng 35,7% so với dự toán và bằng 101,8% so với năm 2021.

Tập trung xây dựng các công trình dự án trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch đầu tư công quyết liệt ngay từ đầu năm. Tính đến ngày 20/11/2022, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 3.054,305 tỷ đồng, đạt 41,03% tổng kế hoạch. Nếu không tính nguồn ngân sách Trung ương mới giao bổ sung và nguồn chương trình mục tiêu quốc gia, kết quả giải ngân đạt 52,64%, trong đó nguồn ngân sách trung ương đạt 53,45%. Kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2022 đã giải ngân đạt 83,23%. Các công trình trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ như: Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn Km7 - Km76; Đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền, Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1)…

Thu hút đầu tư năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt kết quả rất tích cực. Tính đến ngày 15/11/2022, toàn tỉnh đã cấp mới cho 92 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 28.390,9 tỷ đồng; điều chỉnh 98 lượt dự án. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 41.614,9 tỷ đồng, tăng 50,91% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 10/11/2022 là 935,22 triệu USD.

Các lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, sôi nổi, tạo sự phấn khởi, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Tỉnh đã chủ động các giải pháp phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế; tiếp tục giữ vững thành tích chất lượng giáo dục mũi nhọn, tiếp tục thuộc tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thành các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 408/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường các giải pháp về giải quyết việc làm, nhất là cho người lao động Nghệ An ở nước ngoài về nước do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tích cực chung tay ủng hộ người dân bị thiệt hại khắc phục hậu quả do mưa lũ. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhân dân tin tưởng, đồng thuận và ủng hộ.

Công tác cải cách hành chính (CCHC), quản lý nhà nước tiếp tục được quan tâm, quyết liệt chỉ đạo. Kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 của Nghệ An thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố đạt chỉ số cao nhất cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2021 xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 01 bậc so với năm 2020 và là thứ hạng cao nhất từ trước đến nay); chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tăng 15 bậc (từ thứ hạng 48/63 lên thứ hạng 35/63).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế. Công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu...

Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Xuân Đức cho biết: Năm 2023, mục tiêu tổng quát được xác định là tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh gắn với tiếp tục triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với cơ cấu lại kinh tế, hướng đến chuyển biến thực chất, rõ nét mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trọng điểm; triển khai thực hiện hiệu quả 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và bảo đảm công tác an sinh xã hội.

Cùng với đó, quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chú trọng các vấn đề phát triển vùng và chủ động liên kết vùng, tiểu vùng. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự và an toàn xã hội.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2023, tỉnh sẽ thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; xây dựng kế hoạch xúc tiến, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm với những đối tác, ngành nghề, dự án ưu tiên đầu tư phù hợp. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ. Chăm lo các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh của toàn xã hội, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Tác giả: Quỳnh - Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP