Trong tỉnh

Nghệ An: Tăng cường công tác phòng chống cháy rừng

Theo dự báo từ ngày 27/4 đến 2/5 trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời tiết nắng nóng gay gắt, độ ẩm trong không khí giảm thấp do đó nguy cơ cháy rừng trên các khu vực sẽ từ cấp III – cấp cao đến cấp V- cấp cực kỳ nguy hiểm.

Thông tin vừa được Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 thông báo cảnh báo. Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy rừng, cảnh báo cấp cháy rừng trên các khu vực rừng địa bàn tỉnh từ ngày 27/4 đến ngày 2/5: từ Cấp III – Cấp cao đến Cấp V- Cấp cực kỳ nguy hiểm.

Để chủ động ứng phó, hạn chế, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh, giai đoạn 2021-2025 đề nghị UBND các huyện, thành, thị; lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc quy định tại: Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018; Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 04/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); Công điện số 13/CĐ-CT.UBND ngày 19/4/2024 của UBND tỉnh về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 27/3/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp PCCCR trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2024.

Nghệ An yêu cầu tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong điều kiện diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, nguy cơ cháy rừng mức độ cao (ảnh MH)

Triển khai tốt công tác cảnh báo cháy rừng tại chòi canh lửa trên địa bàn tỉnh, theo dõi hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm. Làm tốt công tác cảnh báo, dự báo cấp cháy rừng sớm đến chính quyền địa phương, chủ rừng và nhân dân để nâng cao cảnh giác, chủ động triển khai các biện pháp phù hợp.

Chủ động tổ chức việc ký kết hiệp đồng lực lượng và phương tiện với các đơn vị Quân đội, lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn để thống nhất cơ chế huy động lực lượng chữa cháy rừng trong các tình huống cháy rừng lớn xảy ra. Không để xảy ra tình trạng đốt nương, rẫy, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng trên địa bàn vào những ngày có nguy cơ cháy rừng ở cấp IV và cấp V.

Khi cháy rừng xảy ra, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện, thành, thị có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy chữa cháy theo phương án đã được phê duyệt.

Đối với các khu rừng gần với khu dân cư, kho tàng, khi xẩy ra cháy, phải chủ động có phương án di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân và các lực lượng khi tham gia chữa cháy rừng, điều tra, xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy và xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm theo đúng quy định.

Tác giả: Hoàng Phạm

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP