Trong tỉnh

Tại sao người dân miền núi không mặn mà với thủy điện?

“Người dân chúng tôi không mặn mà với thủy điện bởi có được gì đâu? Mùa lũ thì lo mùa lũ, mà mùa khô thì lo mùa khô. Thậm chí còn mất cả cán bộ vì thủy điện”, lãnh đạo một huyện miền núi Nghệ An chia sẻ.

Nghệ An hiện là một trong những địa phương quy hoạch dự án thủy điện nhiều nhất cả nước. Trong đó, những địa phương đứng đầu về số nhà máy thủy điện là các huyện: Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương… Điều lạ là khi nhắc đến 2 từ “Thủy điện”, người dân các huyện miền núi trên đều lắc đầu: “Chúng tôi không còn muốn bất kỳ một dự án thủy điện nào mọc lên nữa”.

Người dân miền núi Nghệ An không mặn mà với thủy điện.

Hỏi lý do vì sao người dân miền núi Nghệ An lại không mặn mà với việc xây dựng nhà máy thủy điện, nhiều người dân thẳng thắn: “Thủy điện về đã ngăn chặn các dòng suối, con sông. Họ bảo thủy điện về bản sẽ giàu nhưng chúng tôi thấy giàu ở đâu đâu chứ người dân rất nghèo”.

Theo đó, người dân lý giải, có địa phương chỉ hơn 1km đường sông nhưng có đến 2 dự án thủy điện. Xây thủy điện là đúng nhưng quá nhiều sẽ gây ra nhiều hệ lụy như: Mất đất, mất rừng, lũ ống, lũ quét và tái định cư cho người dân.

Người dân cho rằng, thủy điện nhiều sẽ mất đất, mất rừng, lũ ống, lũ quét...

Bên lề kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII (diễn ra từ 18 - 20/12), lãnh đạo một huyện miền núi Nghệ An đã thẳng thắn thừa nhận, người dân địa phương mình không mặn mà khi nhắc đến việc xây dựng thủy điện bởi thủy điện chẳng đem lại lợi ích gì cho huyện.

“Xây thủy điện đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân ví như huyện rất vất vả vì phải di dân rồi ổn định cuộc sống cho đồng bào. Thuế thì nộp cho ngân sách tỉnh hàng trăm tỷ đồng nhưng huyện không được đồng nào. Mùa lũ thì lo mùa lũ, mà mùa khô thì lo mùa khô. Thậm chí còn mất cả cán bộ vì thủy điện”, vị lãnh đạo trên nói.

Thủy điện nhiều nhưng tác động hiệu quả trở lại cho người dân chưa nhiều.

Tại kỳ họp trên, ông Lữ Đình Thi, Bí thư Huyện uỷ Quế Phong cũng cho rằng, trên địa bàn huyện hiện có 11 thuỷ điện, nhưng những tác động hiệu quả trở lại của thuỷ điện cho người dân bản địa chưa được nhiều. Trong khi đó, cả 2 nhiệm kỳ vừa qua, huyện Quế Phong lại đang phải tập trung giải quyết vấn đề hậu tái định cư thuỷ điện Hủa Na.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thừa nhận, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, ông đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về hệ lụy của thuỷ điện. Do đó, Công an tỉnh Nghệ An đã có cuộc điều tra, khảo sát và có kiến nghị không nên xây dựng nhiều thuỷ điện ở miền núi vì người dân hầu như không được thụ hưởng từ các thuỷ điện, trong khi họ phải hy sinh nhiều cả về nhà cửa, ruộng vườn...

“Đại biểu HĐND tỉnh cần có một tiếng nói chung để bảo vệ vùng đất, chỗ ở cho đồng bào… giữ cho được rừng, được đất… đừng để đồng bào kêu mãi vì thủy điện”, đại tá Nguyễn Hữu Cầu băn khoăn.

Tác giả: Trọng Đức

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP