Trong tỉnh

Nghệ An sẽ làm gì khi được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù?

Phiên họp lần thứ 4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào chiều 11/10 để lắng nghe các ý kiến tham luận về xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho Nghệ An đang được dư luận quan tâm, dõi theo.

Bởi trong tương lai gần, cùng với Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế thì tỉnh Nghệ An sẽ trở thành địa phương được Quốc hội ban hành, áp dụng Nghị quyết riêng để tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung tháo gỡ rào cản cơ chế

Trong bản báo cáo tóm tắt về dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội phê chuẩn một số cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm áp dụng cho tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng có nhiều lý do để sớm đưa địa phương này thoát cảnh ì ạch, khắc phục hạn chế tồn tại bấy lâu, tạo bứt phá đi lên.

Bởi Nghệ An từ lâu nay được xem là mảnh đất “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” nhưng tiềm năng vẫn chưa thể khai phá hết do ách tắc nhiều rào cản về cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, trong các nội dung tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 và Thông báo số 55 của Bộ Chính trị về Nghệ An nhưng nhiều chính sách, cơ chế vẫn chưa được áp dụng mang tính đặc thù nên một số chỉ tiêu đến nay địa phương vẫn chưa thể hoàn thành.

Mục tiêu “phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại” theo như Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển địa phương này đến năm 2020 vẫn chưa đạt được các tiêu chí như mong đợi.

Mục tiêu xây dựng Tp Vinh trở thành trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An đến năm 2020 vẫn chưa thể đạt được như kỳ vọng

Còn nữa, tại Thông báo số 55TB/TW ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 cũng đã đề ra giải pháp là “bổ sung cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần tham gia đầu tư, góp vốn xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ”.

Mặt khác, dự thảo Nghị quyết cũng sẽ đưa ra các chính sách đặc thù gồm: mức dư nợ vay; bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh để đầu tư cơ sở hạ tầng của địa phương. Các nội dung như: Định mức phân bổ chi thường xuyên; quản lý đất đai; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị; về quản lý, sử dụng rừng…cũng được đưa ra thảo luận, bàn bạc.

Dự kiến, dự thảo Nghị quyết về việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù dành riêng cho Nghệ An cũng sẽ được trình tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV tới đây.

“Đồ án thiết kế” riêng cho địa phương

Cùng với Thừa Thiên – Huế, Nghệ An cũng sẽ được phân bổ thêm 45% theo tỉ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số theo Nghị quyết số 01 ngày 01/09/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022 trong thời gian thực hiện Nghị quyết.

Như vậy, sau khi Nghị quyết về ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, Nghệ An sẽ được Ngân sách Trung ương bổ sung tỉ lệ phần trăm số chi để địa phương có thêm nguồn tài chính tái thiết đầu tư – xây dựng cơ sở hạ tầng và một số lĩnh vực kiến thiết quan trọng khác.

Đặc biệt, về thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, HĐND tỉnh Nghệ An được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ, đầu nguồn dưới 50 hecta, đất rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển bảo vệ môi trường… dưới 500 hecta, đất rừng sản xuất dưới 1000 hecta.

Và, cùng với Hải Phòng, HĐND tỉnh Nghệ An sẽ được quyết định chuyển đổi đất trồng lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ nhưng cũng đảm bảo quyền kiểm soát của Thủ tướng.

Đáng chú ý nữa, vấn đề về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, về phân cấp thẩm quyền quản lý đất đai và quy hoạch cũng được các Uỷ viên Thường vụ Quốc hội thống nhất cao, nhất trí đưa vào Nghị quyết để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới.

Đơn cử, việc nâng mức trần vay từ 20% lên 40% sẽ góp phần tạo dư địa để tỉnh Nghệ An huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế và đây là mức dư nợ vay hợp lý để đưa vào Nghị quyết.

Nghị quyết áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù dành riêng cho Nghệ An trong đó có vấn đề nâng mức quyền hạn cho phép HĐND tỉnh thông qua việc chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các dự án theo quy định cũng sẽ mở ra cho địa phương bước đột phá mới (ảnh: Ngọc Thái)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, do chưa được áp dụng thí điểm về thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù như Tp Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng nên Nghệ An chưa thể phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để tạo đột phá, đi lên. Việc dự thảo, ban hành Nghị quyết được Quốc hội thông qua lần này cũng mong Nghệ An sớm đạt được các tiêu chí mà Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 26 từ năm 2013 đặt ra.

Một cơ sở nữa để ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nữa là vào ngày 17/9/2021, tại văn bản số 1857 Bộ Chính trị đã thống nhất “Đồng ý về chủ trương xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An”.

Như vậy, nếu tới đây, Nghệ An được Quốc hội thông qua, cho phép tỉnh này được thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù, hy vọng địa phương sẽ phát huy hết tiềm năng, địa thế sẵn có, kiểm soát được nguồn thu – chi ngân sách, tạo đột phá phát triển về kinh tế - xã hội.

Tác giả: Ngọc Thái

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP