Rác thải xây dựng được tập kết 2 bên bờ cảng cá Lạch Vạn (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Ảnh: Trần Tuyên |
Ghi nhận của phóng viên, dọc bờ cảng cá dài khoảng 1km, nhìn dưới nước, ngổn ngang đủ loại rác thải: lưới đánh cá, thùng xốp đựng hải sản đông lạnh đến màn, chiếu, quần áo,… nổi lềnh bềnh cộng với nước chế biến hải sản ở gần đó xả ra khiến cho nước nơi này có màu đen kịt, bốc mùi tanh hôi rất khó chịu.
Vỏ ốc, vỏ sò chất cao như núi, rác thải xây dựng đổ tràn làn hai bên cảng cá và dọc mép dòng sông Lạch Vạn là cảnh tượng nhếch nhác, ô nhiễm tồn tại suốt nhiều năm qua và trở thành "bài toán" nan giải đối với chính quyền địa phương.
Vỏ ốc, vỏ sò chất cao như núi tại khu vực cảng cá. Ảnh: T.T |
Chị Nguyễn Thị Trình ( xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) cho biết, vào các tháng 9, 10 và 11 hằng năm là mùa cao điểm khai thác ốc xoắn ( có nơi gọi là ốc điếu, ốc đinh). Loại ốc này nằm dưới biển cách đất liền khoảng 6 - 8 hải lý; mỗi tàu chỉ sau một đêm có thể đánh được từ 1,5 - 2,5 tấn ốc xoắn.
Sau khi được đưa lên bờ, có đến 50-60% phải loại bỏ vì lẫn vỏ ốc, vỏ sò chết và một phần không được thương lái thu mua. Chính vì thế, chúng nhanh chóng được tập kết hai bên cảng thành từng đống lớn.
Hàng ngày chứng kiến lượng rác ngồn ngộn tra tấn bầu không khí, màu nước sông, nước biển cảng Lạch Vạn chuyển màu đen kịt, người dân sống ven bờ ngao ngán, bịt mũi kín mít vì bầu không khí quá ô nhiễm.
Bà Trần Thị Hằng (xã Diễn Ngọc) chia sẻ, cứ 3 ngày lại có đơn vị đến trước ngõ thu gom rác. Lượng rác thải tràn lan hai bên cảng cá chủ yếu do một số bộ phận người dân thiếu ý thức đổ trộm. Thậm chí, nhiều gia đình còn tìm cách đổ rác thải xây dựng vào ban đêm.
Rác thải trải dài tại khu vực rừng ngập mặn. Ảnh: T.T |
Ông Ngô Xuân Thủy, Cảng trưởng cảng cá Lạch Vạn cho biết, mỗi ngày có từ 80 đến 100 tàu thuyền lớn nhỏ ra vào cảng. Dù đã lắp đặt hàng chục camera, tuyên truyền nhắc nhở, tiến hành xử phạt nhưng do ý thức của người dân chưa cao, rác thải mỗi ngày lại tăng thêm.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND Diễn Ngọc cho biết: Lượng rác lớn khiến cho khu vực cảng Lạch Vạn bị bồi lấp, tàu thuyền ra vào khó khăn.
Chỉ tính riêng năm 2020 đã có 5 tàu thuyền công suất lớn mắc cạn, thiệt hại lên đến cả tỷ đồng. Địa phương cũng đã đề xuất lên các Sở, ban ngành xin hỗ trợ kinh phí để thu gom, xử lý “núi vỏ ốc” hai bên cảng.
“Việc cảng cá ô nhiễm là trách nhiệm của Ban quản lý cảng cá Nghệ An và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh. Họ là đơn vị chủ quản nên phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, tránh gây ô nhiễm”, ông Dũng thông tin thêm.
Trước mắt xã Diễn Ngọc đã ký hợp đồng với công ty môi trường cây xanh Diễn Châu để đưa rác đến bãi rác xử lý đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường chung, nhiều xóm còn tổ chức cho dân ký cam kết, vận động bà con ý thức cao hơn trong việc xử lý rác thải.
Tác giả: TRẦN TUYÊN
Nguồn tin: Báo Lao động