Giáo dục

Nghệ An: Phụ huynh, giáo viên băn khoăn về Bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực ở cấp tiểu học

Theo chia sẻ, về mặt kiến thức, Bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực có các nội dung bám sách giáo khoa, thế nhưng sẽ có một vài điều chỉnh như thay đổi số, nhằm giúp học sinh phát triển hơn.

Ảnh: PV


Hiện nay, tại cấp học tiểu học, nhiều trường lựa chọn Bộ sách Cánh diều (Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) và Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) cho chương trình giảng dạy.

Theo đó, Bộ sách Cánh diều sẽ có sách bài tập đi kèm, Bộ sách Kết nối tri thức cũng có sách bài tập đi kèm. Đồng nghĩa với việc học sinh học bài nào xong sẽ được ứng dụng, làm bài tập liên quan đến bài học đó để củng cố lại kiến thức.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Thanh Tra, nhiều trường tiểu học tại TP Vinh, thay vì sử dụng đủ Bộ sách Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống trong giảng dạy (bao gồm cả sách và bài tập), thì lại có hướng đi khác “đột phá” hơn, học sinh học sách giáo khoa cả hai nhà sách nói trên, thế nhưng lại làm bài tập từ Bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực.

Chia sẻ về nội dung liên quan đến việc học câu chuyện này, một giáo viên đang tham gia giảng dạy chương trình tiểu học trên địa bàn Vinh cho biết, tại trường cô đang sử dụng 2 bộ sách vào giảng dạy, bao gồm môn Tiếng Việt sẽ học của Cánh diều, các môn còn lại học của Kết nối tri thức.

Đáng chú ý rằng, học sinh không sử dụng vở bài tập của hai bộ sách trên, mà lại sử dụng bài tập từ Bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực.

Về mặt kiến thức vẫn có nhiều nội dung bám sát sách giáo khoa, thế nhưng tại bộ sách này sẽ có một vài điều chỉnh như thay đổi số, nhằm giúp học sinh phát triển hơn.

“Ở hai bộ sách Cánh diều và Kết nối tri thức, bài tập sẽ được cắt từng tiết ra một, một tiết có 5 bài thì sách bài tập sẽ được chia theo từng nội dung. Tại quyển Thực hành và Phát triển năng lực lại được tổng hợp tất cả các nội dung của một nhóm bài, dẫn đến việc giáo viên phải chia ra cho học sinh làm, nhưng vẫn dài, phức tạp hơn”, nữ giáo viên này chia sẻ.

Cũng theo cô giáo, vì nội dung bài tập trong quyển Thực hành và Phát triển năng lực khá dài, giáo viên cho học sinh về nhà làm, nhưng học sinh làm không đạt hiệu quả nên các cô sẽ cho các con làm luôn trên lớp.

Đồng thời, cô cũng cho hay, kể từ khi bộ phát triển năng lực tiếng việt được đưa vào sử dụng, nhiều thầy cô giáo cũng đã đấu tranh, phản đối nhưng không hiểu vì sao tiếng nói của thầy cô không được các cơ quan liên quan tiếp thu.

“Cách đây vài năm, khi sách Cánh diều ra, phụ huỵn đã mua bài tập đi kèm theo bộ. Thế nhưng sau đó lại không được dùng, đầu tiên là gây lãng phí, để giải quyết vấn đề đó, giáo viên lại phải cho học sinh làm thêm cho đỡ phí. Sang năm thứ 2, cả phụ huỵnh và giáo viên có kinh nghiệm hơn”, nữ giáo viên thông tin.

Chưa kể, theo quan sát, lượng sách học sinh phải sử dụng khá nhiều, chỉ riêng việc đưa sách đi học cũng đã thấy vất vả cho học sinh vì nặng, phụ huynh cũng phát sinh thêm chi phí cho việc mua sách học của con”.

Chị Trần Thị Hiền (TP Vinh) cho biết, gia đình có 2 cháu nhỏ đang học chương trình tiểu học. Thế nhưng khá khó hiểu khi sách giáo khoa thì cháu học của nhà xuất bản khác, còn sách thực hành năng lực Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên Xã hội lại của nhà xuất bản khác.

Riêng quyển thực hành Tự nhiên Xã hội rất ít khi được quan tâm, chưa thấy cháu làm bài tập ở quyển nó nên thấy khá lãng phí. Còn, quyển Phát triển năng lực Toán và Phát triển năng lực Tiếng Việt thì mặc dù bám theo nội dung của sách giáo khoa, thế nhưng đề ra ở hai quyển bài tập đó có khối lượng đề quá nhiều, bên cạnh đó được mở rộng ra, số liệu thay đổi nên như đánh đố.

“Cháu học mà đến tận 10h, 10h30 tối nhưng vẫn chưa thấy làm xong phần bài tập trong hai quyển sách đó, hôm nào làm cả hai môn là các cháu học đến tận đêm khuay”, chị Hiền cho hay.

Còn chị Trần Như Phương (phường Hà Huy Tập, TP Vinh) chia sẻ, chị có con gái đang học lớp 2, đang sử dụng Sách giáo khoa như Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh, Tự nhiên Xã hội, Âm nhạc Mỹ Thuật..

Trong mấy môn học đó có 3 môn có quyển Thực hành và phát triển năng lực. Ví dụ, môn Toán đi kèm với Thực hành và Phát triển Toán, Tiếng Việt đi kèm với Thực hành và Phát triển năng lực tiếng Việt và Tự nhiên xã hội có quyển Thực hành và Phát triển năng lực Tự nhiên Xã hội.

Theo chị Phương, nội dung bài tập trong quyển Thực hành và Phát triển năng lực nói trên khá nhiều, và nặng với sức học của học sinh lớp 2.

Được biết, Bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực này do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản, tuy nhiên, phía sau sách lại có nội dung: Bạn đọc có thể mua sách tại Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Nghệ An (Công ty Sách Nghệ An).

(Tên người được phỏng vấn đã được thay đổi)

Tác giả: Quang Dân

Nguồn tin: thanhtra.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP