Trong tỉnh

Nghệ An: Nhếch nhác ở cảng cá Lạch Vạn

Là 1 trong 4 cảng cá lớn ở Nghệ An, thế nhưng cảng cá Lạch Vạn thường trong tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, nhà vệ sinh cũng biến thành nơi chứa hải sản.

Theo phản ánh của người dân, mặc dù đang trong thời gian cao điểm của nghề đánh bắt hải sản, lượng người ra vào cảng mua bán hải sản rất đông thế nhưng ở khu vực cảng cá Lạch Vạn, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) thường xuyên xảy ra tình trạng nhếch nhác, rác thải, nước thải khắp nơi gây ô nhiễm môi trường, khó đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo tìm hiểu của PV, huyện Diễn Châu có 1.400 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó phần lớn là tàu công suất dưới 90 CV, do thuyền nhỏ, nên hải sản đánh bắt được kinh tế không cao. Riêng ở cảng cá Lạch Vạn, mỗi ngày có trên dưới 200 tàu thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân ra vào. Sản lượng đánh bắt được khoảng 10 tấn cá, tôm các loại, trị giá ước khoảng 80 triệu đồng. Do đây là nghề chính của người dân nên hầu như nhà nào cũng có người ra biển, cùng với đó là lực lượng thu mua, bốc xếp vận chuyển. Hàng ngày ở cảng có tới 600 - 700 người ra vào thu mua hải sản đưa đi tiêu thụ.

Tình trạng vệ sinh môi trường ở cảng cá Lạch Vạn vẫn còn nhiều bất cập.

Trong những năm qua, sự đầu tư về cơ sở hạ tầng luôn được quan tâm nhằm đáp ứng tốt hơn cho việc phát triển ngành hải sản nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung. Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển với nghề biển cũng như dịch vụ hậu cần nhưng việc phát triển dường như chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Theo đó, cứ vào mùa cao điểm cảng cá lại trong tình trạng bị quá tải, nhiều hạng mục sau nhiều năm sử dụng hiện đã xuống cấp, tình trạng rác thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Theo phản ánh của người dân, nhà vệ sinh ở trong khu vực cảng cá thay vì phục vụ đúng chức năng vốn có của mình thì lại được đơn vị quản lý cho thuê lại làm nơi chứa hải sản.

Nhà vệ sinh được "tạo điều kiện" để cho hộ dân chứa đồ hải sản.

Để tìm hiểu thực hư về những thông tin phản ánh, PV đã có mặt ở cảng cá để ghi nhận. Có thể dễ dàng nhận thấy cơ sở hạ tầng ở đây được đầu tư khá đồng bộ, tuy nhiên do được sử dụng từ lâu nên nay đã xuống cấp. Khu vực bờ rào phía trước cảng nhiều đoạn bị đổ, phía trong sân cảng, được người dân tận dụng làm nơi phơi hải sản. Khu vực cảng, tình trạng rác thải, nước thải rất nhếch nhác, nhà vệ sinh nam và nữ đều được khóa ngoài chắc chắn, hệ thống đường điện cao áp phía ngoài không sử dụng.

Trao đổi với PV về thông tin người dân phản ánh, ông Ngô Xuân Thủy - Cảng trưởng cảng cá Lạch Vạn cho biết: “Không có chuyện nhà vệ sinh chúng tôi cho người dân thuê lại, mà chỉ “tạo điều kiện” để cho hộ dân chứa đồ hải sản ở trong đó thôi. Khu vực cảng cá cũng được anh em quét dọn, vệ sinh một ngày 2 lần, tuy nhiên lúc PV có mặt thì chưa được vệ sinh nên mới như vậy”.

“Theo thiết kế khu vực cảng cá có 3 nhà vệ sinh, nhưng sau đó điều chỉnh lại nên chỉ làm 2 nhà ở hai bên, còn 1 nhà vệ sinh làm ở khu vực nhà điều hành. Từ cảng đi vào, do thuận tiện nên mọi người người thường hay đi ở nhà vệ sinh trong khu điều hành hơn…” – Ông Thủy nói thêm.

Rác thải, nước thải sau khi thuyền cập cảng gây mùi hôi tanh khó chịu.

Nói về việc đèn chiếu sáng chỉ để làm cảnh, không đảm bảo cho việc giữ gìn an ninh trật tự, cũng như tài sản ở khu vực cảng, ông Thủy thông tin: “Để thắp sáng nhiều bóng cao áp thì kinh phí sẽ rất lớn, vấn đề này trước đây tôi có xin kinh phí của cấp trên, nhưng chưa nhận được ý kiến trả lời. Vì vậy mà chỉ khi có việc thật cần thiết thì đèn mới được thắp sáng”.

Thiết nghĩ, việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm từ khâu đầu mối là rất quan trọng, do đó vấn đề vệ sinh môi trường tại khu vực cảng cá Lạch Vạn rất cần được giải quyết sớm, để mang lại sự an tâm trong cuộc sống cũng như đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Tác giả: Đức Chung

Nguồn tin: Báo Công lý

  Từ khóa: cảng cá Lạch Vạn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP