![]() |
Giáo viên Trường Tiểu học Hưng Bình giới thiệu cho học sinh tìm hiểu Tết cổ truyền. Ảnh: Hồ Lài |
Kiến nghị về cách tính tiết dạy tăng thêm
Theo giáo viên Trường Tiểu học Hưng Bình, Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/1 tuần. Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm được giảm trừ 3 tiết chủ nhiệm, có nghĩa chỉ cần dạy 20 tiết/tuần là đủ. Thế nhưng trên thực tế, họ vẫn đang phải dạy từ 22 - 23 tiết văn hóa, và tính cả công tác chủ nhiệm là 25 - 26 tiết/tuần.
Nội dung kiến nghị tiếp theo liên quan đến chi trả chế độ thừa giờ cho giáo viên. Vào học kỳ I, nhà trường thu “tiền học 2 buổi/1 ngày” của phụ huynh để chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên. Nhưng với các tiết kiêm nhiệm (thừa tiết) chỉ được trả từ 35.000 - 50.000 đồng, và không được tính 150% lương như tiết thực dạy. Mức chi trả này không đúng với quy định tại Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC (tiền lương 1 giờ dạy thêm = Tiền lương 1 giờ dạy x 150%).
Bên cạnh đó, Trường Tiểu học Hưng Bình không tính tiết sinh hoạt dưới cờ là tiết dạy chính khóa, mà cho rằng đây là nhiệm vụ, vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Trong khi đây là hoạt động trải nghiệm bắt buộc theo Chương trình GDPT 2018, có nội dung cụ thể trong sách giáo khoa. “Vì vậy, đây phải là tiết dạy chính khóa, nếu thừa giờ, phải tính tiền chi trả cho giáo viên”, một giáo viên chủ nhiệm đứng đơn kiến nghị.
Nhà trường thực hiện theo quy định
Bà Trần Thị Việt Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Bình cho biết, năm học này, trường có 45 lớp với 62 giáo viên văn hóa, đạt tỷ lệ 1,378 giáo viên/lớp, thiếu 2 giáo viên nếu tính theo tỷ lệ tối thiểu của Nghệ An (1,39 giáo viên/lớp). Tỷ lệ này được tính theo số tiết thực dạy của giáo viên là 23 tiết/1 tuần.
Để bù số giáo viên còn thiếu, theo hướng dẫn của Phòng GD&ĐT TP Vinh, nhà trường triển khai thu theo thỏa thuận với phụ huynh 50 nghìn đồng/học sinh/tháng. Tổng số tiền thu từ tháng 9/2024 đến tháng 2/2025 là 519 triệu đồng. Trường đã chi trả gần 54 triệu đồng cho giáo viên dạy tăng tiết (bằng 150% lương). Chi trả gần 99 triệu đồng cho giáo viên hợp đồng. Số còn lại, trường dùng để chi trả tiền lương hợp đồng bảo vệ, điện nước...
Nhà trường cũng trả lại tiền thừa cho học sinh (61 triệu đồng) do từ sau 14/2 thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT dừng thu tiền tăng cường. Hiện, trường đang còn 137 triệu và nộp lại kho bạc Nhà nước theo quy định.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Bình khẳng định, giáo viên dạy thừa tiết nhà trường đều chi trả đúng theo Thông tư liên tịch số 07. Số tiền này chỉ được chi trả cho những tiết thực dạy văn hóa (gồm các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tin học) chứ không chi trả cho tiết kiêm nhiệm (tiết chào cờ, sinh hoạt lớp).
Trường hợp tiết kiêm nhiệm được tính thừa giờ, trường lấy từ nguồn chi ngân sách theo quy chế chi tiêu nội bộ và chỉ cân đối được khoảng 35.000 đồng/tiết. Nếu được cấp bù ngân sách, nhà trường sẽ thực hiện chi trả theo đúng Thông tư 07.
Về công tác chủ nhiệm, bà Trần Thị Việt Hà thông tin, tiết sinh hoạt dưới cờ quy mô nhóm trường, được nhà trường xây dựng kế hoạch, chủ đề cho mỗi tuần và giao cho từng khối lớp triển khai. Vì vậy, nhà trường chỉ tính tiết và chi trả cho giáo viên chủ nhiệm vào các tuần được phân công thực hiện nhiệm vụ. Giáo viên các lớp còn lại quản lý học sinh tham gia sinh hoạt dưới cờ là nhiệm vụ của công tác chủ nhiệm, không tính là thực dạy để chi trả chế độ.
![]() |
Giờ sinh hoạt dưới cờ tại Trường Tiểu học Hưng Bình, TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: NTCC |
Đề nghị cấp bù kinh phí trả chế độ thừa giờ
Khi tiếp nhận đơn kiến nghị của giáo viên Trường Tiểu học Hưng Bình và một số trường tiểu học khác trên địa bàn, Phòng GD&ĐT Vinh đã có văn bản trả lời.
Theo đó, căn cứ vào Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT 2017 Thông tư ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông và căn cứ theo tình hình thực tế, ngành Giáo dục thành phố đã hướng dẫn cách tính số tiết thực dạy của mỗi giáo viên phải đảm bảo 23 tiết/tuần. Đối với các tiết kiêm nhiệm, nếu được tính là tiết thừa giờ thì sẽ được đơn vị chi trả từ nguồn ngân sách theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 07.
Ông Lê Sỹ Chiến - Phó Chủ tịch UBND TP Vinh cho biết, đã chỉ đạo Trưởng phòng GD&ĐT làm việc trực tiếp với giáo viên Trường Tiểu học Hưng Bình. Hiện vẫn còn 4/42 giáo viên của trường này chưa đồng tình. Qua xem xét, thành phố đồng tình với cách trả lời của Phòng GD&ĐT. Nếu giáo viên thấy chưa thỏa đáng thì có quyền khiếu nại lên cơ quan cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định, nguyện vọng kiến nghị về chế độ quyền lợi của giáo viên là chính đáng. Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học được quy định tại Thông tư 28 của Bộ GD&ĐT và từ tháng 3/2025 được thay thế bởi Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT là 23 tiết/tuần.
Để thực hiện chủ trương này, đòi hỏi tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp, nhưng ở thành phố Vinh tỷ lệ này mới chỉ đạt 1,39 giáo viên/lớp. Điều này khiến giáo viên phải dạy tăng tiết, thừa giờ để đảm bảo chất lượng chương trình. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương trong tỉnh.
Sở GD&ĐT Nghệ An đã triển khai tổng hợp kinh phí thừa giờ cấp tiểu học và ôn thi cuối cấp và làm tờ trình xin ý kiến UBND tỉnh cấp bù kinh phí chi trả cho giáo viên các cơ sở giáo dục.
Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đồng tình với quan điểm của thành phố Vinh trong cách tính 23 tiết/tuần của giáo viên tiểu học là tiết thực dạy. Số tiết thực dạy, cùng quy mô học sinh, trường lớp cũng là căn cứ để tính định mức biên chế giáo viên, mà không cộng thêm tiết kiêm nhiệm. Vấn đề đặt ra là khi thực hiện kiêm nhiệm, nếu giáo viên dạy vượt giờ chuẩn của Nhà nước thì sẽ được tính thừa giờ và trả tiền theo quy chế chi tiêu nội bộ. |
Tác giả: Hồ Lài
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn